Doanh nghiệp FDI gặp khó khăn gì khi đầu tư vào Việt Nam?
(DNTO) - Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp thương mại cho rằng, để hút dòng vốn FDI, Việt Nam cần tạo chính sách thuận lợi hơn nữa, đẩy nhanh việc cấp phép cho một số dự án quy mô lớn của doanh nghiệp FDI cũng như có hướng dẫn pháp lý rõ ràng nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI than khó
Ông Yun Ok Hyon, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói rằng Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt đối với việc được nhập cảnh theo chế độ đặc biệt vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Yun Ok Hyon cũng nêu một số ý kiến về một số vướng mắc của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo ông Yun, trong giai đoạn Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách thuận lợi khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình hình kinh tế của đại dịch. Tuy vậy, việc cấp phép cho một số dự án quy mô lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội và TP.HCM còn chậm trễ do chưa có hướng dẫn pháp lý rõ ràng, và điều này đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư.
“Kính mong Thủ tướng Chính phủ hiểu rõ tình hình này và chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư có hướng dẫn cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, đảm bảo tất cả các cơ quan này đều có hiểu biết nhất quán”, ông Yun cho hay.
Về phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch Kazunori Sudo cũng thẳng thắn cho biết: “Tôi có cơ hội đến thăm một địa phương tại Việt Nam cùng với Đại sứ Nhật Bản Yamada. Trong thời gian đó, tôi đã được giải thích về sáng kiến của họ trong việc đặt ra tôn chỉ như: cấp giấy phép đầu tư trong vòng 3 ngày làm việc; đơn giản hóa thủ tục hành chính; bồi dưỡng lao động chất lượng cao; hỗ trợ tạo điều kiện thay đổi giấy phép đầu tư và các thủ tục mở rộng kinh doanh đầu tư; giải quyết kịp thời các kiến nghị từ nhà đầu tư… Nhưng đây lại là hầu hết là những thách thức mà các công ty Nhật Bản gặp phải khi chúng tôi tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”.
“Tôi đã nghĩ về nền tảng của những lời hứa này, và rõ ràng đó là kết quả của việc chính quyền tỉnh đã chân thành lắng nghe những thách thức của các công ty Nhật Bản trong tỉnh. Đồng thời, tôi cũng cho rằng nếu các sáng kiến tương tự lan rộng khắp Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói.
Theo vị Chủ tịch này, giữa Việt Nam và Nhật Bản có sự khác biệt về hệ thống hành chính và thông lệ kinh doanh. Tuy nhiên, việc san bằng những khác biệt này thông qua nỗ lực của cả hai bên dường như là một chủ đề quan trọng để các công ty Nhật Bản tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, và để Việt Nam thu hút nhiều vốn FDI hơn trong tương lai. Đồng thời phía doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu này một cách tổng thể.
Kinh tế số sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp Việt
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đề xuất, để thu hút đầu tư, điều đầu tiên Việt Nam cần tích cực chuyển đổi sang nền kinh tế số nói chung, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, điện toán đám mây hiện đại và chính phủ điện tử nói riêng, để đáp ứng nhu cầu giảm giao dịch trực tiếp và sử dụng tiền mặt của Việt Nam.
“Chúng tôi, các công ty nước ngoài sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt và hy vọng rằng, các yêu cầu, quy định về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng, có thể hỗ trợ nhiều hơn chứ không phải là cản trở quá trình đó trong khi vẫn đáp ứng đến các tiêu chuẩn toàn cầu đang không ngừng phát triển”, bà Virginia nói.
Lĩnh vực thứ hai mà đại diện AmCham đề xuất là kế hoạch hướng tới môi trường và tương lai năng lượng sạch hơn cho Việt Nam.
“Than đã trở thành nguồn nhiên liệu nguy hại cho môi trường và không còn là một công nghệ giá rẻ như trước đây. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam về năng lượng tái tạo, truyền tải, LNG và khí ngoài khơi, tất cả đều đều có thể được đẩy nhanh tiến độ để giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào nhiệt điện than”, đại diện AmCham cho biết.
“Chúng tôi được biết Việt Nam đã ưu tiên cải cách hành chính trên hai lĩnh vực cụ thể. Thứ nhất là rà soát các quy định, chế độ đang làm tổn hại đến khả năng nhập khẩu của các công ty. Thứ hai là hệ thống thuế tập trung nhiều vào kiểm toán và đánh giá lại. Rất khó cho các công ty của chúng tôi để có thể vận hành hiệu quả trong một môi trường khó dự đoán. Mong rằng chúng ta sẽ có được những tiến triển thực sự liên quan đến Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), nhằm tạo ra sự ổn định và khả năng dự đoán cần thiết để hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những ưu tiên của Việt Nam”, bà Virginia Foote đề xuất.
Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: “Việt Nam là một điểm đến M&A mới. Điều này rất tốt cho triển vọng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, quy định vẫn còn khá chung chung, và việc hiểu cũng như áp dụng quy định này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cần được hướng dẫn/làm rõ thêm”.
Cũng theo ông Seck Yee Chung, hoạt động đầu tư vào logistics và kho bãi ngày càng tăng. Trong khi đó, quy định và hướng dẫn điều này tại Việt Nam lại thiếu rõ ràng. Do đó, phía Hiệp hội doanh nghiệp Singapore mong được phối hợp với các cơ quan chức năng nhiều hơn về vấn đề này...