Tạo bệ phóng cho 'xương sống' nền kinh tế phát triển bền vững
(DNTO) - Sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 tiếp tục được vẽ bằng những gam màu lạc quan, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành. Cần tăng cường hơn nữa nguồn lực cho "xương sống" nền kinh tế kể cả các chính sách phát triển trong nước lẫn chính sách thu hút đầu tư.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29/3, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2022 ước tính tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế
Cụ thể, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,42%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,54%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 1,23% (do sản lượng khai thác than tăng 3,2%; khai thác quặng kim loại tăng 5%), đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất của tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: trang phục tăng 24,1%; máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,2%; thiết bị điện tăng 12,2%; và các sản phẩm có liên quan tăng 10,4%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,1%...
Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2022 tăng cao so với cùng kỳ, gồm: Linh kiện điện thoại tăng 19%; bột ngọt tăng 15,7%; ô tô tăng 13,4%; alumin tăng 12,6%; quần áo mặc thường tăng 12,4%; thép thanh, thép góc tăng 11%; sữa tươi tăng 9,2%; thủy hải sản chế biến tăng 8,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,7%.
Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,8%).
Đáng chú ý, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,1% và tăng 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,1% và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 2,1%.
Muốn bứt phá cần nâng cao nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp trong nước
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Bức tranh tăng trưởng ngành công nghiệp trong quý I/2022, sẽ là tiền đề quan trọng để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ cột đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Dẫu vậy, theo nhận định của các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục đứng trước nhiều rủi ro như: diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ bất ổn tài chính - tiền tệ gia tăng; giảm tốc tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến các nước đối tác đang phát triển.
Đáng ngại hơn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ phải chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm,… khiến chi phí đầu vào tăng.
"Các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu. Đào tạo nguồn nhân lực căn cơ, bài bản để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành trong cả hiện tại lẫn tương lai.. Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp", các chuyên gia nhìn nhận.
Đặc biệt, để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các FDI, theo TS. Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp, cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử, từ đó nâng cao nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp trong nước...