GDP năm 2021 tăng 2,58% so với cùng kỳ do tác động từ dịch Covid-19
(DNTO) - GDP quý 4 ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,6% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019.
Nội dung trên được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2021, ngày 29/12.
Trong số đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 3,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6%, khu vực dịch vụ tăng 5,4%. Về sử dụng GDP trong quý, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 3,9% so với cùng kỳ năm trước và tích lũy tài sản tăng 3,4%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,3%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,4%.
Như vậy, cả năm 2021 tăng trưởng GDP đạt 2,58% (trong đó quý 1 tăng 4,7%; quý 2 tăng 6,7%; quý 3 giảm 6,0% và quý 4 tăng 5,2%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp gần 14% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8% và khu vực dịch vụ tăng 1,2%, đóng góp 22,2%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng xấp xỉ 6,8%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,2%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm, ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm và ngành xây dựng tăng 0,6%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Bà Hương cũng nhấn mạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Theo đó, một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã tăng trưởng âm và điều này làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ giảm 0,2% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm và ngành dịch vụ lưu trú-ăn uống giảm mạnh 20,8%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,8%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,4%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm và ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.
“Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,9%, khu vực dịch vụ chiếm 41% và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 8,8%. Về sử dụng GDP cả năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 2% so, tích lũy tài sản tăng 4%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14% và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16%”, bà Hương cho hay.
Theo đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26%, cao hơn mức 25% của năm 2020).