Lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
(DNTO) - Ở góc nhìn của các công ty chứng khoán, hầu hết đều lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mà Công ty chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành, đã chỉ ra một số điểm nghẽn đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức thấp trong quý 4/2021 do thu nhập của người dân sụt giảm khi đại dịch kéo dài, và nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vẫn thiếu hụt lao động.
Ngoài ra, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 có thể cản trở quá trình mở cửa kinh tế. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế, VNDIRECT điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2021 xuống 3,3% so với cùng kỳ từ dự báo 4,0% trước đó, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,0% trong kịch bản cơ sở.
Chứng khoán KBSV cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 5,8% xuống còn 2,5%. Tương ứng dự báo tăng trưởng GDP quý 4 dự báo ở mức 5,7%, mức thấp nhất của quý 4 từ 2013 cho đến nay.
Còn chứng khoán VCBS cho rằng, với việc độ phủ vaccine tiếp tục tăng, VCBS dự báo tăng trưởng quý 4 đạt khoảng 3,5%-4,5%. Con số này tương ứng với mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt khoảng 2,1%-2,44%.
Chứng khoán SSI cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,5 - 2,8%, từ 3,5% trước đó. Mức tăng trưởng cho năm 2021 này cũng thấp hơn ước tính từ Bộ Kế hoạch và đầu tư (3,0% - 3,5%, tương đương mức tăng trưởng 7% - 8% cho quý 4), trong bối cảnh nền kinh tế kỳ vọng sẽ chỉ mở cửa dần dần khi tỷ lệ tiêm vaccine vẫn chưa thể đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng trong quý 4.
“Nhìn chung, tăng trưởng GDP trong quý 4 sẽ khó có thể ngay lập tức quay lại mức tăng trưởng cao. SSI cũng không loại trừ khả năng sẽ có đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo ảnh hưởng tới tiến độ mở cửa trở lại nền kinh tế”, SSI nhận định.
Lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
Năm 2022, VNDIRECT dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5%, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành. Dự báo của VNDIRECT dựa trên các giả định chính sau:
Thứ nhất: Kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ trong năm 2022. Lưu ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trung bình khoảng 2,8%/năm trong giai đoạn 2016 -2019 (trước đại dịch Covid-19). Do đó, VNDIRECT kỳ vọng nhu cầu duy trì ở mức cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Thứ hai: Khoảng 70-75% dân số Việt Nam sẽ được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 trong nửa đầu năm 2022. VNDIRECT kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn thành công và đẩy lùi đại dịch.
Thứ ba: Các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ quý 1/2022, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch vào năm 2022, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi trong ngành dịch vụ của Việt Nam, cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thứ tư, VNDIRECT kỳ vọng Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2/2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. VNDIRECT cũng kỳ vọng lượng vốn đầu tư công sẽ tăng lên vào năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư khu vực tư nhân cũng như vốn FDI cũng có thể phục hồi mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.
Về tăng trưởng của từng ngành, VNDIRECT kỳ vọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8% so với cùng kỳ, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,6% so với cùng kỳ và khu vực dịch vụ tăng 8,1% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Còn Công ty chứng khoán Mirae Asset dự báo, GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công.
Các động lực tăng trưởng chính bao gồm: Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; đầu tư công được đẩy mạnh; xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.