Mục tiêu ngành công thương 2022: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều tăng tới 8%
(DNTO) - Là một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19, Bộ Công thương trong giai đoạn tới cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Năm bản lề của kế hoạch 5 năm
Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công thương, sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy vậy, cùng với cả nước, ngành Công thương đã nỗ lực để duy trì kết quả tích cực, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW; thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện với số tiền gần 17.000 tỷ đồng; ngành dầu khí đóng góp cao nhất cho ngân sách với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch.
Đặc biệt, điểm sáng của nền kinh tế là xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.
Công tác đảm bảo thị trương trong nước, phòng vệ thương mại, hội nhập quốc tế với việc phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do cùng công tác xúc tiến thương mại được cải thiện, các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số được đẩy mạnh đã giúp ngành công thương vượt bão Covid-19.
Cũng theo Bộ Công thương, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, được xác định là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6- 6,5%, ngành Công thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%.
Tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, Bộ Công Thương là bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, từ sản xuất, lưu thông, phân phối cho đến xuất nhập khẩu.
Đồng tình với Báo cáo của Bộ Công thương về các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được kết quả quan trọng, Phó Thủ tướng đề cập đến 2 ngành trọng điểm, là động lực chính của nền kinh tế: ngành điện và ngành dầu khí.
Trước hết, theo Phó Thủ tướng, Bộ Công thương cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng cho biết, ông đã có tới 20 cuộc họp, làm việc cùng Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII bởi sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch, thì thấy có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.
Ngoài ra là cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, giảm điện than, phát triển điện mặt trời ở một tỷ lệ phù hợp. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế chính sách về thị trường điện cạnh tranh, cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo để vừa bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26.
“Quy hoạch này năm nay phải tập trung làm, không để chậm quá nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện”.
Cần tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông, lâm, thủy sản,.. đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt giải quyết hiệu quả vướng mắc trong thông qua, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam -Trung Quốc như thời gian vừa qua.