Lào, Thái đưa hàng rầm rộ qua Trung Quốc, hàng Việt gặp thách thức
(DNTO) - Tuyến đường sắt Trung - Lào - Thái được đưa vào khai thác giúp giảm 20% chi phí vận tải, giúp việc xuất khẩu của Lào, Thái Lan vào thị trường 1,5 tỷ dân thuận lợi.
Theo Bộ Công thương, năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%. Anh bạn láng giềng tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ta, sau Mỹ.
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ. Đất nước 1,5 tỷ dân cũng đang phải giải quyết thách thức về kinh tế như tình trạng lạm phát tăng cao, sự suy thoái của thị trường bất động sản…
Dẫu vậy, nền kinh tế Trung Quốc cho thấy xu hướng ổn định và phục hồi tương đối rõ ràng trong quý 1 và dự báo sẽ bước vào thời kỳ phục hồi nhanh chóng trong quý 2. Dữ liệu tháng 3 của nước này cho thấy chỉ số hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ, vận tải, dịch vụ đều cao hơn 60%. Điều này cho thấy xu thế tiêu dùng, chi tiêu của người dân nước này đã phục hồi nhanh chóng.
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ thế giới đã tăng trưởng trở lại (quý I năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 59,8 tỷ USD, tăng 13,2%).
Việt Nam hiện đang là đối tác xuất khẩu trái cây lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Chi Lê và Thái Lan. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ có 2 đối tác nêu trên mà hàng hóa Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa cùng loại đến từ nhiều thị trường trong khu vực và kể cả nội địa Trung Quốc. Một số ưu thế của Việt Nam trong thương mại nông sản như vị trí địa lý gần gũi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nông sản nhiệt đới cũng đang bị thách thức.
Đơn cử là việc đưa vào khai thác tuyến vận tải hàng hóa đường sắt liên vận tốc độ cao Trung - Lào - Thái với tổng chiều dài 1.830 km. Tuyến vận tải này xuất phát từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đến Viêng Chăn, Lào và kết nối với đường sắt Thái Lan để đến Băng Cốc, được đánh giá là giúp giảm khoảng 20% chi phí vận tải và rút ngắn khoảng 24 giờ di chuyển so với lộ trình chở hàng kết hợp vận tải đường sắt và vận tải đường bộ cao tốc.
Đối với Lào, chỉ sau 1 năm khai thác tuyến đường sắt nối Viêng Chăn với Côn Minh, nước này đã vận chuyển được 11,2 triệu tấn hàng hóa đến hơn 10 quốc gia, các mặt hàng chủ yếu bao gồm: cao su, lúa mạch, sắn, cà phê, bia, quặng, kali,...
Đối với Thái Lan, dự kiến, mỗi năm, hơn 300.000 tấn nông sản (nhiều nhất là gạo, sầu riêng và dừa), cao su..., từ Thái Lan sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc qua tuyến đường sắt này.
Bên cạnh đó, ông Huy cho biết, sầu riêng Việt Nam, một loại trái cây giá trị cao chính thức bước chân vào thị trường quan trọng Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng thời gian qua là điều cần phải hết sức thận trọng. Bởi Trung Quốc cũng vừa mở cửa thị trường đối với sầu riêng của Philippines và có thể tới đây là Campuchia. Điều này có nghĩa là, sầu riêng Việt Nam nói riêng và các loại trái cây khác sẽ có thêm ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.
"Nếu các doanh nghiệp, người nông dân tiếp tục trào lưu mở rộng quy mô vùng trồng mà bỏ qua hoặc không quản lý giám sát được chất lượng, nguy cơ nhiều doanh nghiệp, vùng trộng bị tạm dừng hoặc thậm chí là hủy tư cách xuất khẩu (giống như bài học của doanh nghiệp xuất khẩu gạo) sẽ tái diễn", ông Huy khuyến nghị.
Trong các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, điện thoại và linh kiện các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn với giá trị lần lượt là 3,5 tỷ USD và 2,4 tỷ USD, chiếm 29,52% và 20,15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới (Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản) áp dụng các lệnh hạn chế thương mại đối với sản phẩm bán dẫn nhằm vào Trung Quốc (hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn, chip điện toán...), về lâu dài có nguy cơ dẫn đến sự phân tách về công nghệ sử dụng trong việc sản xuất các thiết bị điện tử, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước khác.
Để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) khuyến nghị doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp tiếp thị sản phẩm vì Trung Quốc thường xuyên tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến và trực tiếp để kết nối các nhà xuất khẩu và nhập khẩu từ các nơi trên thế giới. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng và chào hàng.
Hiện Bộ Công thương đã ra mắt các Nghiên cứu kỹ các ấn phẩm, cẩm nang về các mặt hàng, ngành hàng, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về thị trường, để xây dựng định hướng xuất khẩu sát với nhu cầu của khách hàng.
Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông thì cho biết, Trung Quốc là thị trường có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ. Ví dụ như Quảng Đông hiện đang là một trong tỉnh đi đầu tại nước này về phát triển thương mại điện tử qua biên giới.
Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2022 đạt 645,4 tỷ CNY (tương đương khoảng 100 tỷ USD), bình quân tăng trưởng 72%/năm kể từ 2015, chiếm 31% tổng lượng của cả nước. Quảng Đông hiện đã được phê duyệt 21 huyện thị thành lập Khu thí điểm tổng hợp phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, số lượng đứng đầu Trung Quốc. Thương mại điện tử là con đường ngắn nhất để đưa hàng Việt vào thị trường này. Vì vậy doanh nghiệp có thể nghiên cứu hình thức này để đưa hàng vào Trung Quốc.