Hàng Việt là đối tượng của 226 vụ điều tra phòng vệ thương mại
(DNTO) - Việc ứng phó tốt với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ cứu 1 vài doanh nghiệp, mà cứu cả ngành sản xuất của một quốc gia.
Các nước tăng “đòn thương mại”
Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên có quyền tăng thuế hoặc hạn chế nhập khẩu phù hợp nếu xác định việc tăng hàng nhập khẩu gây thiệt hại, đe dọa ngành sản xuất trong nước.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết năm ngoái, đã có 226 vụ việc hàng Việt Nam liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2022, có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên vụ việc đang điều tra hoặc rà soát.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng “đòn thương mại” này. Theo WTO, tính đến hết tháng 6/2022, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 1.177 vụ việc và áp dụng 832 biện pháp phòng vệ thương mại. Hoa Kỳ đã điều tra 53 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng Việt.
Trong năm ngoái, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời, ghim dập…Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với cá tra, basa.
EU hiện tại đã điều tra tổng cộng 644 vụ việc và áp dụng 408 biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với Việt Nam, hiện nay EU chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ có liên quan tới sản phẩm thép.
Ấn Độ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp này nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 6/2022, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 1.188 vụ việc và áp dụng 810 biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó 30 vụ việc với hàng Việt.
Trong ASEAN, 4 quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là Thái Lan, Malaysia (chủ yếu sử dụng biện pháp chống bán phá giá), Indonesia (sử dụng cả biện pháp chống bán phá giá và tự vệ) và Philippines (chủ yếu sử dụng biện pháp tự vệ).
Đòn mạnh giáng vào sản xuất và xuất khẩu
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau.
Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại, chuỗi sản xuất khu vực và thế giới. Không chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), khi một quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp nước đó có xu hướng tìm cách khác để xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó có thể phát sinh các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba hoặc dịch chuyển đầu tư.
Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp này, các quốc gia áp dụng biện pháp cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện các hành vi lẩn tránh. Trong trường hợp phát hiện hành vi lẩn tránh, các cuộc điều tra mở rộng phạm vi áp dụng với cả ngành hàng hóa, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
“Các vụ việc mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa của Trung Quốc nghi ngờ chuyển tải qua nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, để lẩn tránh các mức thuế cao do Hoa Kỳ áp dụng là ví dụ điển hình”, ông Trung nói.
Ứng phó tốt giúp cứu cả một ngành sản xuất
Để ứng phó với vụ việc điều tra, thời gian qua, Bộ Công Thương nỗ lực phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước làm rõ các cáo buộc, tăng cường chia sẻ thông tin và bám sát vụ việc để hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý, giảm tối đa tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ vậy, Việt Nam đã xử lý thành công nhiều vụ việc.
Điển hình như khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam sang Mỹ không bị áp thuế hoặc có thể sử dụng cơ chế tự xác nhận để được miễn áp thuế. Vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ, Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế.
Vụ việc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh: Hoa Kỳ đã hủy bỏ đợt rà soát POR14 và POR15. Mức thuế cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam được duy trì một cách tích cực: 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ đều ở mức 0%.
Vụ việc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra - basa: khoảng 10 doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá, trong đó có một số tên tuổi lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang, Công ty Cổ phần Nam Việt.
“Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam, thiếu thông tin về các vụ việc đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt... Bên cạnh đó, có thể có một số doanh nghiệp cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại với hàng xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận thương mại”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho hay.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc cần làm hiện nay là phải giảm thiểu vụ việc hàng Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, cần nỗ lực ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững.
“Doanh nghiệp cần tránh việc đầu tư không thực chất hay gia công đơn giản mà cần tiến tới sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam”, ông Chinh khuyến nghị.