Cùng tại Trung Quốc, dừa Việt bán 3.000 đồng/trái, dừa Thái bán 50.000 đồng
(DNTO) - Nhiều nông sản của Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch dẫn đến kém lợi thế so với các nông sản từ Thái Lan, Chile.
Trong Hội nghị giao ban với thương vụ nước ngoài ngày 28/4, tập trung vào chủ đề xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, các đại biểu cho rằng Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng không ít thách thức với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khi nước này ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoa quả, nông sản cần nhanh chóng chuyển dịch xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch thì mới có cơ hội tăng thị phần tại Trung Quốc.
“Trong tháng 4 vừa rồi, Tổng Công ty Hàng hải là một trong 19 tập đoàn cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sang làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, tham quan một số thị trường lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Sơn Đông, Thanh Đàm. Khi tôi đến thăm trung tâm Đông Phương Định Tín, một trong 9 trung tâm hoa quả lớn nhất Trung Quốc. Mỗi ngày, họ đón 100 container nông sản xuất nhập. Nhưng tại đây, hàng hóa Việt Nam rất tiềm năng nhưng không quá 5%”, ông Trung nói.
Vị này đề xuất xây dựng trung tâm hỗ trợ thông quan tại các cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu giải quyết nhanh các vướng mắc vì hiện nay tình trạng tắc nghẽn cục bộ ở các cửa khẩu vẫn thường xuyên diễn ra.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam có 12 mặt hàng rau củ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 4 mặt hàng đã kí Nghị định thư: sầu riêng, chuối, khoai lang, măng cụt.
Mặt hàng sầu riêng, chuối hiện phát triển rất mạnh, cho thấy Nghị định thư rất quan trọng với các hàng rau củ quả. Vị này đề xuất Chính phủ thúc đẩy kí kết nghị định thư cho 8 mặt hàng còn lại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Ngoài ra, ông Nguyên đề xuất nên tiến tới kí nghị định thư cho xuất khẩu dừa. Năm 2019, Trung Quốc mua rất nhiều dừa. Năm 2020 dừa Việt Nam không được xuất chính ngạch nên sản phẩm tụt giá còn 2.000-3.000 đồng/trái, trong khi công ty Thái Lan xuất dừa sang Trung Quốc với giá 40.000-50.000 đồng/trái.
“Ngành dừa vì thế hiện phát triển èo uột, nông dân trồng dừa như ở Bến Tre họ bỏ, không thèm chăm sóc. Dừa là cây trồng lâu năm, nếu việc canh tác mai một, việc phục hồi rất khó”, ông Nguyên nói.
Với sầu riêng, hiện mã số vùng trồng sầu riêng Việt Nam còn quá ít so với Thái Lan. Việt Nam cần đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và cần có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng chung mã số vùng trồng một cách bất hợp pháp, làm mất thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Ông Nguyên cho biết, sau 4 tháng Trung Quốc khôi phục thông quan kể từ đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kì. Tại thị trường Trung Quốc, nông sản Thái Lan, Chile đang chiếm phần lớn thị phần vì họ có 2-3 chục năm phát triển nông nghiệp. Do đó, Việt Nam phải có thời gian mới đuổi kịp hai đối thủ này.
“Mexico chiếm đa số thị phần cung cấp rau quả cho nước láng giềng Hoa Kỳ. Việt Nam có biên giới giáp Trung Quốc, không có lý do gì không chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc. “Nhất cự ly, nhì cường độ”, trong vòng 2-3 năm nữa, chúng ta sẽ so tài ngang ngửa với Thái Lan tại Trung Quốc. Vì diện tích trồng rau củ của Việt Nam lớn hơn Thái Lan, đội ngũ nông dân thông minh, cần cù. Việt Nam cũng có hệ thống thương vụ ở nước ngoài làm việc hiệu quả”, ông Nguyên nói.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Quý đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ.
Thị trường 1,5 tỷ dân hiện không còn “dễ tính” trong nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
‘Việt Nam xuất siêu sang rất nhiều quốc gia nhưng luôn luôn nhập siêu từ Trung Quốc. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải sản phẩm nào, tiêu chuẩn nào cũng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu nói quan hệ với Trung Quốc, không nước nào thuận như Việt Nam, nhưng cũng không nước nào chịu nhiều thách thức như Việt Nam. Vì vậy, hai bên cần có thêm nhiều buổi làm việc, hợp tác, đánh giá đúng và khai thác trúng tiềm năng lợi thế thương mại của hai nước”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.