‘Khẩu vị’ của đối tác: Trung Quốc thích an toàn, Mỹ ưa hàng ‘xanh’, Hàn Quốc cần chữ tín…
(DNTO) - Những bạn hàng lớn ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe buộc doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn làm ăn lâu dài phải đáp ứng tiêu chí của họ đề ra.
Trung Quốc: Vẫn 'siết' kiểm dịch
Trung Quốc, nguồn cung và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam, trước đây thường được các doanh nghiệp Việt Nam xem là thị trường “dễ tính”. Thế nhưng, với việc hàng hóa Việt Nam luôn nằm trong top đầu bị “tuýt còi” về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nước này đã có những động thái mạnh tay hơn.
Chưa kể, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Trung Quốc đã tỏ ra là một nước khá thận trọng với dịch bệnh. Khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đã mở cửa và nối lại các luồng thương mại, nước này vẫn kiên trì thực hiện chính sách “Zero Covid” trong gần 3 năm trời. Khi thị trường tỷ dân thực hiện “bế quan tỏa cảng”, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mối làm ăn với đối tác bên kia biên giới đã “thấm đòn”.
Hiện nay, sau khi mở cửa trở lại, nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới vẫn rất thận trọng. Hải quan Trung Quốc cũng đã ban hành Thông báo nhằm kiểm soát người và hàng hóa đến từ các nước và vùng lãnh thổ có diễn biến phức tạp đối với dịch đậu mùa khỉ. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp Việt buộc phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy định của phía bạn.
“Thời gian gần đây, Trung Quốc đang tiếp tục rà soát và dự báo sẽ đưa ra một số chính sách về quản lý nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt là hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu) trong bối cảnh các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm hay dịch đậu mùa khỉ trên thế giới còn phức tạp”, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thông tin.
Hoa Kỳ: Tăng dùng 'đòn' phòng vệ thương mại
Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây đang có hứng thú với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nắm bắt được “khẩu vị” này, giai đoạn 2020-2023, cơ quan chức năng đã bắc cầu cho nhiều “ông lớn” về sản xuất các sản phẩm bao bì và các sản phẩm nhựa, bao bì tái chế từ Việt Nam như: Stavian Chemical USA, Anphat, La Print Solution… để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tại Hoa Kỳ.
Một số doanh nghiệp đã kết nối được 1 số đơn hàng mới đầu năm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, thuỷ hải sản… Một số doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư, thành lập công ty tại Houston đã chủ động liên kết với các nhà sản xuất, cung ứng lớn như Hoa Phat, BRG, KingCoffee, Royal Crystal, Stavian, La Print, An phat, Phuc Khang…. để từng bước thâm nhập vào các hệ thống phân phối nước ngoài tại đây.
Nhưng xứ cờ hoa cũng là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến hết năm ngoái, Hoa Kỳ khởi xướng 52 vụ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. Vì vậy, để hàng Việt xuất khẩu ổn định, bền vững sang thị trường này, doanh nghiệp cần theo dõi và tuân thủ các khuyến cáo, cảnh báo sớm của cơ quan chức năng về phòng vệ thương mại.
“Doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Houston, Texas (Hoa Kỳ) khuyến cáo.
Nhật Bản: Không nên có tâm lý "mua đứt, bán đoạn"
Mặc dù là thị trường có tiêu chuẩn cao, khó vào, nhưng nếu hàng Việt đã xuất khẩu vào thị trường này sẽ có chỗ đứng ổn định và lâu dài. Do đó, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng cho đối tác Nhật Bản là rất quan trọng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cách tốt nhất để doanh nghiệp nắm được thị hiếu của người Nhật là hợp tác với đối tác Nhật Bản, để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.
Điểm đặc biệt khi làm ăn với đối tác Nhật là không nên có tâm lý “mua đứt – bán đoạn”, đừng nghĩ bán xong hàng là xong, vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Doanh nghiệp nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
“Ví dụ như sản phẩm thực phẩm Việt gần hết hạn nhưng vẫn được nhà nhập khẩu bán tại thị trường Nhật… tạo ra ấn tượng không tốt với người tiêu dùng...”, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, khuyến nghị.
Đại diện Thương vụ cho biết doanh nghiệp tăng cường sự hiện diện của mình ở thị trường này bằng cách tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
Hàn Quốc: Ưu tiên sản phẩm ăn liền
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, trong 5 năm gần đây, các sản phẩm ăn liền, sản phẩm thay thế thịt, sản phẩm organic, thực phẩm cho người già tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc. Người tiêu dùng nước này cũng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được đóng gói trong bao bì “xanh”, hạn chế sử dụng bao bì làm từ nhựa. Các công ty ưu tiên lựa chọn sản phẩm của đối tác có mô hình quản trị ESG, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch.
Bên cạnh chất lượng và hương vị, thì các sản phẩm xuất khẩu muốn tiêu thụ tốt ở thị trường này cần đảm bảo ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết.
“Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài”, thương vụ nhấn mạnh và khuyến cáo các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian để hiểu rõ “khẩu vị” của người tiêu dùng Hàn Quốc, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS).
Ngoài ra, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.