Doanh nghiệp xuất khẩu mệt mỏi vì kiểm tra chuyên ngành quá nhiều
(DNTO) - Đã khai quan, thông quan điện tử nhưng khi đến điểm chốt cuối cùng, doanh nghiệp vẫn phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Đây chỉ là một ví dụ trong hàng loạt thủ tục kiểm tra chuyên ngành rườm rà mà doanh nghiệp đang gặp phải.
59% doanh nghiệp gặp ít nhất một khó khăn nào đó trong việc tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo VCCI. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã rất nỗ lực để cải thiện các thủ tục xuất nhập khẩu, nhưng những vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục thương mại qua biên giới vẫn còn.
Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên" ngày 2/3, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cũng phản ánh về điều này.
Bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, trình tự kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, còn phức tạp, danh mục hàng phải kiểm tra quá nhiều trong khi việc thực hiện còn phiền hà.
“Tuy kiểm tra chuyên ngành thực hiện ở cửa khẩu nhưng vẫn có những trường hợp doanh nghiệp phải về tận Bộ ngành mới được giải quyết. Hay có trường hợp dù khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Đã nộp thuế online, nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan”, bà Hương nêu ví dụ.
Ngoài thời gian kiểm tra thông quan chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, theo ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ ngành trở lên.
Xuất nhập khẩu hiện nay chỉ có thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ, chưa thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã chuyển sang điện tử nhưng theo ông Cương, các doanh nghiệp logistics vẫn đang thực hiện gần hết các công đoạn trong chuỗi cung ứng logistics từ việc khai báo hải quan, kiểm tra chất lượng, xin cấp C/O, kiểm dịch động thực vật.
Với thương mại điện tử xuyên biên giới, việc khai báo hải quan hiện nay chủ yếu dưới hình thức tờ khai hàng phi mậu dịch (PMD), quà biếu, quà tặng qua đường chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, đặc tính của hàng thương mại điện tử là số lượng nhỏ, giá trị thấp, cá nhân gửi. Do cá nhân nhập khẩu thường không có mã số thuế, nên việc khai báo tờ khai hải quan phải thông qua đại lý hải quan (đại lý là người nhận hàng, đồng thời cũng là người mua hàng) trên tờ khai.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nghị định về quản lý hàng thương mại điện tử sớm được ban hành để tạo thuận cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thực hiện.
"Hiện hải quan chỉ cho phép bên thứ 3 là đại lý hải quan thực hiện khai báo bằng chữ ký số của họ, còn các bên khác thì không. Bộ Công Thương nên xem xét chấp thuận cho đại lý hải quan thực hiện việc cấp C/O", ông Cương kiến nghị.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý thống nhất hướng dẫn quy định để việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới. Đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA...
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 732 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD. Sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nếu tính riêng 4 địa phương gồm: TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và tỉnh Hưng Yên, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt xấp xỉ 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục xuất, nhập khẩu, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan đã tự động hóa, 99,8% thuế hải quan thu qua điện tử… Năm 2022, thời gian thông quan trung bình đối với hàng nhập khẩu giảm gần 19 phút, hàng xuất khẩu giảm hơn 17 phút so với năm 2021.
“2 tháng đầu năm, các chỉ số xuất nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước từ hoạt động hải quan rất khó khăn. Vì vậy, cơ quan hải quan ghi nhận những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục có những cải thiện chính sách và thủ tục hành chính, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả trong thời gian tới”, ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.