‘Vé thông hành’ cho hàng thực phẩm xuất khẩu ngày càng khó kiếm
(DNTO) - Vùng nguyên liệu thiếu hụt trong khi yêu cầu của bạn hàng ngày càng khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp thực phẩm, nông sản Việt Nam chật vật khi xuất khẩu.
2 thế trở ngại
Tại Hội nghị Giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023, tổ chức ngày 28/2, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dù tình hình thế giới đã có những phục hồi tích cực, tuy vậy, ngành chế biến thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023.
Những cú sốc về chuỗi cung ứng tại các thị trường xuất khẩu làm giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành hàng hóa ở mức cao, nhu cầu tiêu giảm, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu của các bạn hàng sụt giảm khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đói đơn hàng”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đang gặp khó khăn. Điều này dẫn tới xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản, thực phẩm trong 2 tháng đầu năm giảm mạnh tới 2 con số như cà phê, hạt điều giảm hơn 14%, gạo giảm gần 11%, cao su giảm hơn 23%; cá tra giảm hơn 64%, tôm giảm gần 55%...
Ngoài ra, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, Châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.
Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.
Doanh nghiệp thiếu tiền để đi kiếm bạn hàng
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tại Hà Nội, cho biết, hiện nay, có đơn hàng không cần giấy chứng nhận chất lượng vẫn có thể xuất khẩu, nhưng đây chỉ là con đường may rủi và không bền vững.
Tại Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, 100% sản phẩm xuất khẩu của các thành viên đều có tem truy xuất nguồn gốc, 40% là sản phẩm hữu cơ trong đó 90% có chứng nhận hữu cơ. Một số doanh nghiệp đang có sản phẩm xuất khẩu sản phẩm hữu cơ khá tốt như Vietcoco, Viethouse Organic… 50% hội viên đã và đang xuất khẩu, có doanh nghiệp đang xuất khẩu tới 20 quốc gia như Thuỷ sản Minh Phú, Thủy sản Vĩnh Hoàn…
“Với các sản phẩm được coi là “sạch”, bắt buộc phải có tiêu chuẩn và công cụ chứng minh. Hiện Công cụ mà các thành viên AFT đang sử dụng là truy xuất nguồn gốc kèm theo nhật kí sản xuất điện tử, chứ không phải truy xuất bằng việc chống chế là dán một cái tem để quét QR”, bà Liên cho hay.
Tuy nhiên, khó khăn mà các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam hiện đang gặp phải là thiếu vùng nguyên liệu và yếu về năng lực chế biến. Bởi để lựa chọn nguyên liệu sạch đưa vào sản xuất, chỉ có mã số vùng trồng là chưa đủ, phải có các chứng nhận như VietGab… thì mới có thể đưa vào sản xuất chế biến. Nhưng vùng nguyên liệu của Việt Nam chưa nhiều, buộc doanh nghiệp phải mua gom từ nhiều vùng miền. Điều này làm tăng giá sản xuất, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn gia tăng doanh thu, thị phần xuất khẩu nhưng khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế.
“Do là thành viên của Hiệp hội nhỏ nên việc đi đến triển lãm, hội chợ ở nước ngoài chưa được ngân sách hỗ trợ, chủ yếu trông chờ vào năng lực doanh nghiệp. Mà lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn bởi đại dịch, cộng thêm chi phí nguyên nhiên liệu gia tăng… dẫn đến năng lực tài chính hạn chế để tìm kiếm người mua ở nước ngoài”, bà Thu Liên cho biết.
Đại diện AFT đề xuất Bộ Công thương thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm, truyền thông thương hiệu thực phẩm chế biến Việt Nam.
“Chúng ta có nguồn nông sản đa dạng nhưng sản phẩm chế biến chưa có nhiều để thế giới phải trầm trồ. Hiện đã có những sản phẩm như nước nha đam hay nước măng tây với hàm lượng kẽm, magie cao có khả năng xuất khẩu… Vì vậy nên có có ưu tiên để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ Việt Nam”, đại diện AFT kiến nghị.
Để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, doanh nghiệp, hiệp hội cần bắt tay chặt chẽ hơn với các cơ quan xúc tiến thương mại và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, doanh nghiệp nên coi khoản chi phí cho hoạt động xúc tiến là khoản đầu tư chứ không phải chi phí.
“Các thương vụ cần có sản phẩm của doanh nghiệp để quảng bá đến bạn hàng. Tuy nhiên, với sản phẩm thực phẩm, phải tổ chức các buổi dùng thử, các buổi giao lưu ẩm thực để tiếp cận với thực khách và đối tác địa phương. Muốn làm được việc này thương vụ cũng cần chi phí. Nguồn chi phí của thương vụ cũng có hạn, vì vậy doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp hơn để hoạt động quảng bá tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần nắm bắt diễn biến nước sở tại, thị trường khu vực để đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, bảo vệ quyền lợi của đất nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.