Dù chiến sự nhưng doanh nghiệp Nga, Ukraine vẫn muốn làm ăn với Việt Nam
(DNTO) - Phía Nga và Ukraine đều coi Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế quan trọng để giúp họ phục hồi sau chiến tranh.
Dòng thương mại được tiếp tục chảy
Cuộc chiến căng thẳng chưa có hồi kết giữa Nga – Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Con số thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nga đạt 192,26 triệu USD giảm 46,10% so tháng 12 năm 2022 và giảm 68,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo mới đây của Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết, năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục giảm mạnh, do những tác động của các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga của Hoa Kỳ và đồng minh.
Tương tự, với Ukraine, tình hình thương mại giữa Việt Nam và nước này cũng không mấy khả quan. Ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine, cho biết trong giai đoạn này, và cả năm 2023 dự báo sẽ khó khăn cho việc hợp tác thương mại giữa hai nước, việc triển khai các hợp đồng đã ký kết đang vướng mắc, các hợp đồng ký kết mới sẽ được hai bên quan tâm nhưng sẽ cân nhắc rất kỹ. Hiện nay các doanh nghiệp và nhà nước Ukraine ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và quân đội.
Dẫu vậy, song song với việc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Chính phủ Ukraine đang trình bày một kế hoạch toàn diện để phục hồi đất nước trong 10 năm và đã nhận được sự đánh giá và hỗ trợ tích cực từ các đối tác quốc tế. Ukraine đang cố gắng xúc tiến Hiệp định Thương mại Tự do với nhiều nước, ký các thoả thuận để thực hiện các biện pháp thiết thực giúp đỡ hoạt động kinh doanh của Ukraine trong điều kiện thời chiến.
Ông Chại cũng thông tin, các doanh nghiệp hai bên đã bắt đầu có các hoạt động trở lại sau 4 tháng dừng hẳn, đã có các đoàn doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp về Việt Nam để xúc tiến và tìm nguồn hàng. Thương vụ cũng nhận được nhiều sự quan tâm về mặt hàng gạo, lương thực và các sản phẩm vải phục vụ cho may mặc…
“Ukraine cũng nhìn nhận rằng việc hợp tác kinh tế với Việt Nam đặc biệt tốt cho nước này trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh”, ông Chại nói và cho biết tại các siêu thị Ukraine hiện nay, các mặt hàng thực phẩm khô như: phở, bún miến, gạo, mỳ tôm…của Việt Nam chiếm phần lớn trên các kệ hàng. “Lần đầu tiên hàng Việt Nam chiếm đa số so với hàng Thái Lan và các nước khác của Châu Á”.
Ở phía Nga, theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương Vụ Việt Nam tại nước này, thời gian gần đây các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư ngày càng tăng.
Đơn cử như Công ty Leroy Merlin East (công ty con của Tập đoàn Leroy Merlin) chuyên về bán lẻ vật liệu xây dựng, đồ nội thất, ngoại thất, đang tích cực tìm kiếm doanh nghiệp đối tác Việt Nam để thúc đẩy đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị bán lẻ của họ tại Nga.
“Tập đoàn sẽ cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp với các đối tác Việt Nam nếu tìm được khoảng 10 – 15 doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của Leroy Merlin”, ông Dương Hoàng Minh cho hay.
Nguyên tắc lúc này là cẩn trọng
Trong giai đoạn bất ổn như hiện nay, theo vị Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine, việc tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ là cần thiết nhưng cần lưu ý cẩn trọng.
“Trong quan hệ thương mại cần tìm hiểu thông tin và trao đổi kỹ phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, bảo hiểm …. Vì đã có rất nhiều trường hợp giả mạo để lấy tiền cọc trong thanh toán trước và rất khó đòi”, ông Hoàng Đình Chại nói.
Đặc biệt, dự báo trong thời gian tới Mỹ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nga cũng khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết sẽ hỗ trợ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 10-15 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Liên Bang Nga trong năm 2023.