Đối tác quốc tế ngày càng gây áp lực, 'ngâm' tiền hàng 90 ngày mới thanh toán
(DNTO) - Nhiều đối tác quốc tế hiện không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C (thanh toán theo thư tín dụng), mà yêu cầu thanh toán chuyển tiền TT (điện chuyển tiền), cùng với nhiều yêu cầu bất ngờ mà doanh nghiệp Việt Nam không lường trước.
Chia sẻ trong tọa đàm về đầu tư và thương mại quốc tế thuộc chuỗi sự kiện VIETNAM ADR WEEK 2023 chiều 8/5, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết từ cuối năm 2022, ngành dệt may nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh môi trường đầu tư, thương mại quốc tế liên tục biến động.
Không chỉ khó khăn về đơn hàng, các doanh nghiệp còn gặp nhiều vấn đề về pháp lý và tranh chấp thương mại với các đối tác quốc tế.
Ông Giang lấy ví dụ trong việc thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam liên tục bị đối tác gây áp lực và không còn đàm phán bình đẳng. Đối tác thậm chí còn không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng (L/C), mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền TT (điện chuyển tiền) với độ trễ từ 30-60 ngày, thậm chí đòi thanh toán chậm lên tới 90 ngày. Điều này gây ra rủi ro cực lớn với doanh nghiệp xuất khẩu.
“Không chỉ vậy, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của ta vào nước họ tăng đột biến, các nước nhập khẩu lập tức dựng lên các hàng rào kỹ thuật và tăng những yêu cầu khắt khe. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn do chưa có quy định, đối tác lập tức cắt đơn hàng”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, các doanh nghiệp đều đang tìm mọi cách để khai thác các thị trường mới như Mỹ Latinh, châu Phi, hay Trung Đông. Nhưng song song với đó, rủi ro về pháp lý cũng tăng cao. Vì vậy, kỹ năng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp hiện rất quan trọng với các doanh nghiệp giao thương quốc tế.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Các hiệp hội không chỉ là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đối tác, mà còn là đầu mối thu thập khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phối hợp cùng cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hội viên. Đó là lý do ngay từ khi ra đời, Hiệp hội này đã thành lập Ban Pháp chế để phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giao thương với quốc tế.
Các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh thương mại quốc tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức, doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể, chú trọng đến việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh tuân thủ tiêu chuẩn xã hội, lao động, môi trường trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan.