Ngành bán lẻ đã đi qua vùng đáy?
(DNTO) - Lãi suất giảm, cùng đó là kỳ vọng sự hồi phục kinh tế, tiêu dùng được thúc đẩy khiến bán lẻ nhận được nhiều dự báo tích cực. Nhiểu cổ phiếu ngành bán lẻ đã có biến động rõ nét.
Đang đi lên từ vùng đáy?
Ngành bán lẻ đã trải qua nửa đầu năm 2023 không mấy tích cực. Lãi suất tăng cao, xuất khẩu trong nước giảm, những rủi ro từ lạm phát... khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bán lẻ đi xuống.
Dù vậy, khi kết quả quý 2 vẫn chưa được công bố, nhiều cổ phiếu của nhiều ông lớn bán lẻ đã rục rịch tăng giá.
Trong một tháng qua, mã DGW của Công ty cổ phần Thế Giới Số tăng hơn 28%; mã FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT tăng gần 25%; mã MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đã tăng gần 20%, PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tăng gần 8%.
Điều này cho thấy, câu chuyện mới với ngành này có thể đang được bắt đầu với những kỳ vọng tích cực bất chấp những khó khăn hiện tại.
"Chúng tôi cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi", SSI Research cho biết.
Theo luận điểm của SSI, đà hồi phục của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ đến từ: việc đẩy mạnh tiêu dùng của người dân; các yếu tố kinh tế vĩ mô cải thiện, các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và mức tồn kho của doanh nghiệp sẽ thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý 2 vừa qua.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, cũng nhận định, các doanh nghiệp theo sự hồi phục vĩ mô, đi theo tạo đáy cùng nền kinh tế, điển hình là ngành bán lẻ. Tăng trưởng GDP cải thiện đang cho thấy sức mua của ngành bán lẻ có tín hiệu tốt.
Kết quả kinh doanh có thể không như kỳ vọng nhưng biến động về giá cổ phiếu ngành bán lẻ rất khác biệt khi đang đi lên từ vùng nền thấp. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã có góc nhìn dài hạn và rõ ràng với bán lẻ.
Triển vọng tích cực
Lãi suất huy động có xu hướng giảm, cùng đó tiếp tục tác động tới lãi suất cho vay giảm theo, sự kiểm soát lạm phát trong phạm vi cho phép từ Chính phủ và sự phục hồi trong xuất khẩu được xem là chìa khoá quan trọng với ngành bán lẻ trong thời gian còn lại của năm nay.
Cầu tiêu dùng sẽ được kích hoạt trở lại khi các công ty tài chính tiêu dùng đã bắt đầu giải ngân trở lại từ tháng 5. Áp lực trả lãi vay mua nhà đối với người tiêu dùng cũng được giảm bớt. Gánh nặng đến từ chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lắng xuống, mức tồn kho sẽ dễ chịu hơn.
Tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cũng mở rộng nhờ cạnh tranh về giá cả bớt khốc liệt hơn khi mà chi phí lãi vay thấp hơn. Theo phân tích của SSI, hiện cạnh tranh về giá thể hiện rõ ràng nhất giữa sản phẩm iPhone trước áp lực giải phóng hàng tồn kho cũ trước khi mẫu mới ra mắt, dự kiến vào tháng 10. Tuy nhiên, khi lượng hàng này được giải phóng, tài chính các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh từ nền so sánh thấp của năm ngoái.
Một điều đáng lưu ý, triển vọng dài hạn của doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty, đây có thể là chỉ báo dẫn trước cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.
Theo ước tính của SSI, tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại của ngành ICT & CE hiện ở mức cao, chiếm khoảng 70-75% tổng thị trường, trang sức có thương hiệu chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu; mảng bách hóa và dược phẩm rất nhỏ ở mức 14% và 5%. Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý nhà đầu tư cần xem xét việc định giá lại chuỗi Long Châu và Bách hoá xanh tùy thuộc vào hoạt động tăng vốn từ hai doanh nghiệp.