Mục tiêu tăng trưởng 6,5% khả thi, cổ phiếu vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi nhiều
(DNTO) - Xuất phát từ luận điểm đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng cho sáu tháng cuối năm, tăng trưởng nền kinh tế vẫn đạt mục tiêu như kỳ vọng, nhóm cổ phiếu ngành đá, nhựa đường, xây dựng, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng được cho sẽ được lợi nhiều nhất.
Điểm nhấn đầu tư công
Trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, xác định đây là động lực tăng trưởng chính trong những tháng còn lại của năm, nhiều công trình trọng điểm liên tiếp được khởi công, theo đó nhiều nhóm ngành được nhận định sẽ được hưởng lợi.
Nhận định về triển vọng đầu tư sáu tháng cuối năm, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam tại chương trình "Khớp lệnh", nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm ngành đá, nhựa đường, nhóm xây dựng và đặc biệt nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng.
Cụ thể, nhu cầu về đá tăng cao cho các dự án, sẽ giúp ngành đá hưởng lợi trực tiếp, nhất là các doanh nghiệp phía Nam do có dự sân bay Long Thành. Đặc điểm của ngành đá là chi phí logistics thường lớn có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp. Do đó, những công ty có mỏ đá gần ngay các dự án sẽ là điểm lợi thế lớn.
Tiếp đó, phải kể đến các nhóm ngành như nhựa đường, xây dựng sẽ được hưởng lợi, đặc biệt nhóm vật liệu xây dựng. Nguyên nhân, do thị trường bất động sản thời gian qua hạ nhiệt khiến giá nguyên liệu đầu vào của ngành này cũng hạ nhiệt theo, khi đó, cùng nhu cầu tăng lên, doanh nghiệp được cải thiện đáng kể về biên lợi nhuận.
Sau bốn lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay giảm không đáng kể. Tuy nhiên sau tháng 6, đà giảm của lãi suất cho vay sẽ rõ nét hơn. Theo đó, các nhóm ngành nhạy cảm như chứng khoán, bán lẻ cũng sẽ được hưởng lợi.
Hiện tại, sau chuỗi tăng liên tục, chứng khoán đã tạo đỉnh ngắn hạn, theo ông Nguyễn Thế Minh, dự đoán thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh, bước vào giai đoạn tích luỹ. Dòng tiền sẽ phân hoá và co cụm ở một vài nhóm ngành chứ không rải đều. Rủi ro ngắn hạn của thị trường có thể xảy ra do áp lực điều chỉnh. Theo chuyên gia, nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, thực hiện chiến lược phòng thủ là chính, ngoài ra có thể mua mới hoặc nâng tỷ trọng.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi
Theo chuyên gia, so với quý 1, nhiều chỉ số vĩ mô đã được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở các lĩnh vực như đầu tư công, du lịch, hàng không. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu hồi phục, tín hiệu tốt cho xuất khẩu.
Hiện Chính phủ đang có động thái là nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá, ngoài ra còn nhiều động thái kích thích tiêu dùng khác. Đầu tàu kinh tế TP.HCM cũng bắt đầu trở dậy, kỳ vọng quay lại mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm, ít nhiều cũng tạo động lực cho nền kinh tế trong nước.
Trên nền tăng trưởng thấp của quý 3, 4 năm 2022, hai quý cuối năm nay, lợi nhuận các doanh nghiệp cũng sẽ khả quan hơn.
Mặt khác, khả năng Fed khả năng vẫn tiếp tục tăng lãi suất, tuy nhiên động thái của các ngân hàng trung ương đã có phần thận trọng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có nguồn dự trữ, các yếu tố vĩ mô trong nước ít biến động, do đó "trước mắt từ đây đến cuối năm, Việt Nam vẫn có bài toán ngược về nới lỏng chính sách tiền tệ".
Do đó, theo ông Minh, con số mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6,5% là khả năng có thể đạt được. Ông khá lạc quan về tình hình thị trường chứng khoán sáu tháng cuối năm, xu hướng tăng sẽ rõ nét hơn và mở ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.