Một doanh nghiệp giấy trên sàn đặt tham vọng ra quốc tế nhờ ESG
(DNTO) - HHP Global (Mã HHP: HOSE), vốn hoá hiện tại hơn 632 tỷ đồng, cho biết khi yêu cầu của đối tác quốc tế ngày càng khắt khe, buộc doanh nghiệp phải chuyển mình nhanh chóng để thực hành ESG (tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị).
Bước ngoặt từ một đường link
HHP Global, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, là một trong 25 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận được gói hỗ trợ 150.000 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). Top 3 doanh nghiệp chiến thắng Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023.
Chia sẻ về hành trình “xanh hóa” doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HHP Global cho biết đó là quá trình nỗ lực thay đổi tư duy từ ban lãnh đạo cho tới từng nhân viên.
Bà Phương kể, nỗi đau của doanh nghiệp sản xuất và tái chế giấy phế liệu là khi nhắc tới ngành, mọi người nghĩ ngay đến ô nhiễm môi trường. 10 năm trước, công ty tiếp nhận một nhà máy bị phá sản và thực hiện tái cấu trúc. Nhưng khi đưa vào hoạt động thì gặp phải phản ứng dữ dội của người dân xung quanh đó.
“Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng phải làm sao hòa tan sự mặc cảm của người dân và các cơ quan ban ngành. Chúng tôi ước mơ có thể đầu tư một nhà máy mới, công nghệ tiên tiến, để chứng minh cho mọi người thấy ngành tái chế phế liệu không như mọi người nghĩ. Vấn đề môi trường trong các nhà máy lớn, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong ngành luôn rất chú trọng đến vấn đề môi trường, họ luôn đạt chuẩn cao”, bà Phương nói.
Năm 2020, HHP Global nhận được quyết định chủ trương đầu tư nhà máy mới ở cụm công nghiệp Tiên Lãng (Hải Phòng). Công ty quyết định xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED của Hoa Kỳ. Lúc đó, vị lãnh đạo cho biết vẫn hoàn toàn chưa biết đến khái niệm ESG.
Đến năm 2022, một cổ đông của công ty, là quỹ đầu tư nước ngoài, nói rằng nên nghiên cứu tìm hiểu về ESG vì đây là xu hướng trên thế giới. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến các doanh nghiệp sản xuất có cam kết thực hành ESG. Giai đoạn đó, HHP đang đầu tư một nhà máy đạt công trình xanh nên bà Phương nghĩ rằng khái niệm đó họ giới thiệu rất hay nhưng để sau khi đầu tư xong hãy quan tâm đến nó. “Và cứ thế tôi quên luôn”, bà Phương nói.
Cho đến giữa tháng 3/2023, bà Phương nhận được một đường link từ người bạn giới thiệu Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam. Đây chính là cú hích cho việc chuyển hướng của doanh nghiệp.
“Tôi đọc và thấy rằng nó rất mix (hòa trộn) với mình, bắt đúng những gì chúng tôi đang khao khát, mong muốn nhưng loay hoay không biết làm thế nào. Ngay lập tức, tôi ra quyết định sẽ tham gia cuộc thi này, bắt đầu khai form, nộp hồ sơ ở giai đoạn cuối cùng, dù trước đó chúng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều buổi đào tạo của chương trình”, bà Phương kể.
Quyết định liên quan đến sự thành – bại
Kỳ vọng từ phía người tiêu dùng, các nhà đầu tư về tính bền vững, thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm đã đặt ra áp lực với các doanh nghiệp. Trước xu thế đó, các doanh nghiệp muốn nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách hàng và các nhà đầu tư phải chủ động áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp). Để thực hiện và báo cáo ESG, doanh nghiệp trên thế giới thường sử dụng các chuẩn mực và tiêu chuẩn từ một số tổ chức quốc tế được công nhận toàn cầu.
Lãnh đạo HHP Global cho biết dù thực hành ESG khá muộn nhưng vẫn may mắn vì có quyết định chuyển mình nhanh chóng, mạnh mẽ.
"Chúng tôi chỉ thực sự thực hành ESG khi lọt Top 20 Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam và mọi chuyện thay đổi đột biến khi kọt vào Top 10. Tại đây, chúng tôi được tham dự chương trình đào tạo 2 ngày, gặp được rất nhiều chuyên gia với những buổi huấn luyện 1:1. Trong 2 tháng như vậy, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.
Trước khi bảo vệ dự án tại vòng chung kết, chúng tôi họp Hội đồng quản trị và quyết định thay đổi chiến lược, thành lập một Tiểu ban ESG. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là thắng bại trong cuộc thi mà trở thành chiến lược đường dài của doanh nghiệp, quyết định sự thành bại trên thương trường. Chúng tôi quyết định đổi tên công ty, từ Công ty Cổ phần giấy Hoàng Hà Hải Phòng thành Công ty Cổ phần HHP Global, với mong muốn quá trình chuyển sang sản xuất xanh sẽ giúp chúng tôi vươn tầm quốc tế”, vị Giám đốc nói.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, HHP GLOBAL đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì carton với chứng chỉ Quản lý rừng bền vững FSC. Công ty sở hữu nhà máy có công suất lên tới 100.000 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn LEED được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ với hệ thống thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
“Tiểu ban ESG của chúng tôi hiện hoạt động rất tích cực. Quan trọng chúng tôi có đội ngũ trong doanh nghiệp luôn có ý thức đi theo con đường phát triển bền vững. Mỗi một nhân viên luôn có tư duy tìm mọi cách tuân thủ vận hành máy móc thiết bị, tiêu dùng vật phẩm trong công ty theo hướng bền vững, giảm phát thải ngay từ những chi tiết rất nhỏ như chuyển sang dùng chai thủy tinh đựng nước uống thay vì chai nhựa, cốc dùng 1 lần”, bà Phương nói.