Các đại gia nông nghiệp dùng công nghệ để xóa dấu chân carbon
(DNTO) - Sử dụng năng lượng tái tạo, dùng công nghệ biogas để xử lý chất thải hay biến phế phẩm thành nguyên liệu..., là phương pháp mà các doanh nghiệp đầu ngành đang áp dụng để tăng tốc chuyển đổi xanh.
Tại PAN Group, một trong những “ông lớn” có hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, đang áp dụng mô hình kinh tế phát thải thấp. Lợi ích về kinh tế nhìn thấy luôn sau quá trình tái chế.
Khoảng 7,5 nghìn tấn phế phẩm đầu và vỏ tôm được chuyển đổi thành đầu vào của những ngành kinh doanh khác. Lượng phế phẩm khi tái chế thành thức ăn chăn nuôi có giá trị tăng 3-5 lần, khi chế biến thành thực phẩm thì tăng 5-10 lần. Tương tự, 2.900 tấn vỏ điều được dùng để ép lấy dầu, sau đó tiếp tục tận dụng bã từ quá trình này tạo ra các viên nén làm chất đốt hàng năm. Tạo nguồn thu lên tới 9 tỉ đồng và giảm đáng kể năng lượng hóa thạch phải sử dụng.
Nông nghiệp được coi là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng lại là ngành phát thải lớn. Dự báo ngành nông nghiệp sẽ phát thải 14.4 gigat tấn CO2 đến năm 2050, nếu không tăng cường chuyển đổi xanh. Để duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng trong giới hạn cho phép 1,5 độ C nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp sẽ phải cắt giảm tổng lượng phát thải hiện tại gần 80%, tức là giảm xuống còn 3,1 gigat tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Trong bối cảnh khí hậu, thị trường và thị hiếu tiêu dùng thay đổi, sản xuất nông nghiệp vì thế cũng phải thay đổi và việc xanh hóa là hướng đi tất yếu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số và phát triển bền vững FPT Digital, cho biết Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) đánh thuế hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU chính thức vận hành 2026. Ngoài 6 ngành ban đầu như điện và hydrogen, phân bón, xi măng, thép, gang, nhôm, xu hướng chung là CBAM sẽ mở rộng phạm vi đánh thuế sang mặt hàng khác.
Ông Tuấn Anh dự đoán là các mặt hàng thuộc ngành nông nghiệp có khả năng sẽ bị đánh thuế tiếp theo. Bởi thống kê cho thấy phát thải trong chuỗi nông nghiệp đóng góp 30% tổng phát thải khí nhà kính trên thế giới. Vì vậy trong tương lai, các mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM.
“Với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần có chuẩn bị nhất định để thời gian khi quy định này có hiệu lực chúng ta không bị quá ngỡ ngàng và vẫn duy trì được sự cạnh tranh nhất định”, ông Tuấn Anh nói trong DxTalks “Net Zero - Hành trình Chuyển đổi xanh ngành Nông nghiệp”, hôm 1/4.
Vì vậy bên cạnh PAN Group, nhiều doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động liên quan tới nông nghiệp tại Việt Nam đã đề ra kế hoạch hành động chuyển đổi xanh và đang trên lộ trình đưa phát thải ròng về 0. Vinamilk hiện có hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng khí CO2. Tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh từ CNG, Biomass, năng lượng mặt trời thay thế cho các nhiên liệu như xăng, dầu DO/FO… trong hoạt động sản xuất hiện đạt gần 87%. Các doanh nghiệp khác như HAGL Agrico, Minh Phú, Vinaseed… cũng trong nỗ lực tương tự.
Sự tiên phong của các doanh nghiệp đầu ngành đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người lao động và người dân để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bởi theo ông Nguyễn Tuấn Anh, với ngành nông nghiệp, tính phân mảnh rất lớn. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân với 70 triệu miếng ruộng nhỏ, mỗi hộ có phương thức canh tác khác nhau. Vai trò của doanh nghiệp là kết nối hàng triệu hộ nông dân đó để cùng đạt tiêu chuẩn chung trong sản xuất, phát thải carbon thấp để cùng đạt mục tiêu chung.
Hiện nay, nhìn trên cả chuỗi doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp từ thu mua, chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi giá trị trong hoạt động bán hàng, xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng bởi các quy định, chính sách về giảm thải carbon hiện tại. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường châu Âu hoặc Mỹ khi hướng tới mục tiêu giảm phát thải cũng phải đặt lại bài toán làm việc với nhà cung cấp, với nông dân làm sao để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn. Vô hình chung tạo ra áp lực cho các chuỗi đằng trước sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như vậy.
Trong quá trình hướng tới nông nghiệp xanh, các công ty sản xuất làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích dài hơn khi chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp có thể đối mặt với khoản chi phí chuyển đổi tương đối cao, nhưng nếu nhìn nhận đây là khoản đầu tư lâu dài cho tương lai thì họ sẽ cân nhắc.
“Các công ty đóng vai trò làm việc trực tiếp với người nông dân sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng người dân chuẩn hóa quy trình. Nestle trong 10 năm qua đã rất tích cực trong việc đào tạo 330.000 hộ nông dân trồng cà phê, ứng dụng các công nghệ số, cung cấp cho người nông dân công cụ ghi chép hoạt động sản xuất hàng ngày. Công cụ này giúp doanh nghiệp kiểm soát sản lượng và chất lượng của hạt cà phê, trong khi chi phí giảm tới 30%”, ông Tuấn Anh nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA cho biết, công nghệ quyết định thành bại trong thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, đưa nền nông nghiệp tiến tới trung hòa carbon. Một số thị trường xây dựng hàng rào kiểm soát sản phẩm để xác định liệu nó có được sản xuất trên mô hình bền vững hay không. Công nghệ sẽ trả lời cho điều này.
“Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp luôn dựa vào thiên nhiên quá nhiều. Khi thay đổi mô hình sản xuất, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là công nghệ vì công nghệ mới giúp người nông dân giải phóng sức lao động, nhà quản lý điều chỉnh chính sách và các doanh nghiệp quyết định có phát triển sản phẩm hay không.
Đặc biệt, chỉ công nghệ mới giúp thị trường minh bạch, giúp mọi thành phần trong sản xuất từ nông dân, khí hậu, logistics, vốn tài chính, nguồn nhân lực, thu hoạch chế biến… đều chạy trên con đường chung”, ông Tùng nói.