Một lĩnh vực tỷ USD nhưng vẫn vắng bóng các ‘cá mập’
(DNTO) - Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần vốn lớn trong khi rủi ro lại cao, cơ chế chưa thực sự cởi mở khiến dòng vốn vào lĩnh vực này chưa thực sự bùng nổ.
Đầu tư không tới sẽ rất dễ thất bại
Có mặt tại Việt Nam vào những năm 2008, De Heus, tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi 112 năm tuổi từ Hà Lan là một trong những “đại bàng” thành công khi khai phá mảnh đất tiềm năng hình chữ S.
Ông Gabor Fluit, Giám đốc De Heus châu Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất mà De Heus đã đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong lĩnh vực này đã có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Cách đây 15 năm, chi phí một trại nuôi gà ở Việt Nam cao hơn từ 30-40% so với Thái Lan, một thị trường mạnh nhất, nhưng giờ đã ngang bằng. Tại trại nuôi heo, trước đây năng suất chỉ có 15-16 heo con/1 heo nái/năm, giờ những trại công nghệ cao có thể lên tới trên 30 heo con/1 heo nái/năm.
“Trong từ 10-15 năm, Việt Nam đã gần sát với những nước có nền nông nghiệp tốt nhất trên thế giới, so với châu Âu, Nhật Bản, Mỹ thì Việt Nam đang đi rất nhanh”, ông Gabor Fluit nói trong buổi đối thoại “Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao”, hôm 16/1.
Nhưng Việt Nam vẫn vắng bóng những “đại bàng” như De Heus. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2022, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,59% tổng số dự án và khoảng 0,25% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Trong nước, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, chỉ có 40-50.000 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 900.000 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, đây là con số rất khiêm tốn.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) phân tích, đầu tư cho nông nghiệp thực sự rủi ro và mạo hiểm vì kèm theo yếu tố bất khả kháng như thời tiết, dịch bệnh.
Doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư không tới sẽ rất dễ thất bại. Bởi hiện tại nếu sử dụng công nghệ lạc hậu, trang thiết bị, nguồn điện không đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới vận hành về sau của cả trang trại. Do vậy, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp phải đạt tiêu chí về năng lực, chất lượng trang thiết bị máy móc, tiêu chuẩn về trang trại… thì mới được địa phương chấp nhận cho đầu tư.
“Vừa rồi chúng tôi đi khảo sát các vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên, người dân muốn sử dụng điện thoại, máy tính nhưng tại đó không có sóng. Chúng tôi buộc phải đầu tư hệ thống viễn thông vào khu vực đó để gắn kết người nông dân”, ông Hùng nói.
Không ai có thể “ăn tất làm cả”
Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao lên tới 3,83%, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng GDP 5,05% của cả nước. Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp khoảng trên 35% vào tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua. Dự kiến con số này sẽ tăng lên mức 50%.
Ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ quan trọng và vững chắc của nền kinh tế. Ngành đặt mục thu hút 25 tỷ USD vốn FDI đến năm 2030, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các dự án khoa học công nghệ cao, phát triển bền vững…
Vì vậy, muốn thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Gabor Fluit, ngành nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết các vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, các doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ ở châu Âu, họ chuyên về một phân khúc trong lĩnh vực nông nghiệp. Như De Heus chuyên sản xuất thức ăn và luôn khẳng định không muốn cạnh tranh với người chăn nuôi, vì vậy không làm từ đầu đến cuối mà muốn làm tốt một phân khúc trong chuỗi liên kết. Do vậy, các thành phần còn lại trong chuỗi liên kết phải nâng cao năng lực để duy trì chuỗi giá trị ổn định và phát triển.
Nguyên nhân thứ 2 là Luật Đất đai ở Việt Nam. Một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp được nhiều ưu đãi. Việt Nam thành công trong việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp từ những năm 90 ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và gần đây là các tỉnh phía Bắc. Còn lĩnh vực nông nghiệp, một số phân khúc nông nghiệp cần nguồn đất rộng. Một đất nước 100 triệu dân đôi khi sẽ thiếu đất hoặc nếu có thì giá thuê rất đắt.
Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài thì nguồn lực từ địa phương rất quan trọng. Các doanh nghiệp tham gia một số phân khúc của chuỗi giá trị chứ không thể trực tiếp tham gia các việc của người nông dân. Vì vậy để người nông dân phát triển nông nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng.
Khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn là chi phí ban đầu lớn và thiếu nhân lực chất lượng có thể sử dụng thành thạo công nghệ. Ban đầu, De Heus phải đưa chuyên gia kĩ thuật từ nước ngoài về Việt Nam và cử nhân lực Việt Nam ra nước ngoài học, mời một số chủ trại lớn đến châu Âu để họ nhìn thấy trực tiếp hiệu quả khi áp dụng công nghệ cao. Khi nhiều người áp dụng thì việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao không còn khó khăn.
“Ban đầu khi đầu tư, chúng tôi cũng không biết chắc chắn rằng mình có thể lấy lại vốn hay không, có đi đúng đường và đúng thời điểm hay không. Vì lúc đó nhiều người nói rằng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam rất khó, đầu tư lớn mà không biết có hiệu quả hay không. Chúng tôi và các đối tác kiên định nhìn nhận rằng Việt Nam sẽ phải chuyển dịch để bước vào nông nghiệp công nghệ cao”, ông Gabor Fluit nói.
Thay đổi từ khâu đầu tiên và khâu nhỏ nhất
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết hiện những doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu đang liên kết thành giá trị chuỗi, nói nôm na là “mỗi người một việc” thì giá trị tạo ra rất lớn. Nhưng một chuỗi giá trị cần có sự liên kết và hướng dẫn, quản lý mới có thể vận hành trơn tru. Điều này yêu cầu các bên tham gia phải có tính cam kết rất lớn.
Ở góc độ người nông dân nên hướng tới hoạt động theo khuôn khổ quy định pháp luật. Đặc biệt khi kí kết hợp đồng với đối tác, giá trị uy tín cần đặt lên hàng đầu mới có thể hình thành hệ thống chuỗi và đáp ứng xuất khẩu. Không phải cứ thấy nơi nào giá cao thì bán cho nơi đó.
“Mười mấy năm chúng tôi tồn tại với các doanh nghiệp châu Âu không đơn giản, phải hiểu được cách làm, hướng đi và hiểu được nhau để cùng mang lại giá trị cho nhau. Người nông dân Việt Nam rất giỏi trồng trọt, chăn nuôi nhưng thiếu tầm nhìn xa. Họ nghĩ rằng đầu tư 10 đồng vẫn có thể bán được sản phẩm nhưng không thể nhìn được nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ mất cả chì lẫn chài.
Còn với cách làm hiện đại, chúng tôi phải phòng ngừa ngay rủi ro từ khâu đầu tiên như con giống, thức ăn, chăn nuôi cho đến giết mổ, chế biến. An toàn phải đặt lên hàng đầu và rủi ro chia sẻ, chi phí thì tất cả chuỗi cùng gánh. Đây là cách các doanh nghiệp FDI đang làm và người nông dân Việt Nam phải học để định hướng phát triển lâu dài”, ông Hùng nói.