Từ bù nhìn rơm đến robot đuổi chim nhưng nông nghiệp thông minh vẫn xa vời với startup Việt
(DNTO) - Cơ hội thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp đang dành cho phần lớn cho các startup nhưng vẫn chưa nhiều công ty khởi nghiệp tận dụng được điều này.
Số lượng startup đếm trên đầu ngón tay
Trước kia, trên các cánh đồng, người nông dân thường lắp các bù nhìn bằng rơm để xua đuổi các loài chim, động vật phá hoại mùa màng. Giờ đây, các robot đã thế vào chỗ đó. Phát hiện loài chim thường nhạy cảm với mùa xanh lá cây, các nhà nghiên cứu phát triển robot có sử dụng tia laser xanh lục, có khả năng chiếu xạ lên tới 600 feet (183 mét). Robot có khả năng ngăn chặn 70-90% số loài chim đến kiếm ăn tại cánh đồng, giúp giảm thiệt hại cho cây trồng.
Họat động sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây phát thải nhà kính lớn. Ở Việt Nam, nhiệt độ tăng 0,9 độ C chỉ trong năm 2019 đã dẫn đến tình trạng hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long và tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều phân bón có thể làm giảm chất lượng đất, tăng sâu bệnh. Để giải quyết vấn đề này, các startup toàn cầu đã không ngừng phát triển công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), tự động hoá, blockchain (công nghệ chuỗi khối)... nhằm tối ưu hoá sử dụng tài nguyên, tăng chất lượng cây trồng.
Nhờ vậy, doanh thu Agtech và Foodtech toàn cầu lần lượt đạt 19,5 tỷ USD và 233 tỷ USD năm 2019 và dự báo tăng lên 46 tỷ USD và 385 tỷ USD vào năm 2030 (theo growthmarketreports.com và sphericalinsights.com).
Các khoản đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ nông nghiệp vì thế cũng tăng với tốc độ ấn tượng. Năm 2018, đầu tư vào AgriTech và FoodTech đạt tổng cộng 20,4 tỷ USD thì đến năm 2021, đã đạt 51,7 tỷ USD. Năm 2022, mặc dù dòng vốn giảm mạnh trong “mùa đông gọi vốn" do lãi suất tăng, lo ngại lạm phát, con số huy động được chỉ đạt dưới 30 tỷ USD, giảm 44% so với năm trước đó, nhưng vẫn là một con số ấn tượng.
Nông nghiệp và thực phẩm là ngành đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, lại đang đối diện với vô vàn thách thức từ biến đổi khí hậu, chiến tranh… vì vậy, cơ hội để startup ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng rộng mở.
Israel là quốc gia nổi tiếng với những phát kiến về nông nghiệp, khi mà quốc gia này không có lợi thế về tài nguyên. Họ có 500 startup trong lĩnh vực Agtech (công nghệ nông nghiệp) và Foodtech (công nghệ thực phẩm), theo Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021.
Nhưng, các startup nông nghiệp ở Israel hoạt động ở tầng thượng nguồn của chuỗi giá trị nông nghiệp, cung cấp các giải pháp robot và tự động hoá, thì số lượng startup Việt Nam còn khiêm tốn.
Một số cái tên nổi bật ở các phân khúc công nghệ nông nghiêp Việt Nam có thể kể đến như tự động hoá (Meiko, Asop…), phân tích đất nông nghiệp (Namix), giám sát sâu bệnh (Agras, Plantix…), nền tảng giám sát IoT (Hachi, Appa Group, Agriconnect…), cảm biến giám sát nông trại (Tepbac, Mismart, Farmtech…)...
Ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm, có một số startup nổi bật trong robot sản xuất và tự động hoá (NextFarm, Leanwares…), công nghệ chế biến (Emmay, Cricketone…), sàn giao dịch (FoodMap, FoodHub, F99, Chopp…), kiểm soát an toàn thực phẩm (iCheck, Kamereo…), logistics và chuỗi cung ứng lạnh (ABA cooltrans…)...
Vốn đầu tư vẫn lạnh nhạt
Theo thống kê của Nextrans, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Foodtech Việt Nam chỉ chiếm 3% trong tổng số 855 triệu USD mà các startup Việt huy động trong năm 2022. Như vậy con số là tương đối nhỏ và chủ yếu tập trung vào mảng giao đồ ăn và thương mại điện tử thực phẩm và nông sản. Còn việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, học máy, robotics, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật... trong đó robotics và trí tuệ nhân tạo là yếu tố chính đưa robot nông nghiệp lên tầm cao mới, thì ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu tiên.
“Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có thể chúng ta đã bắt đầu hơi muộn nhưng vẫn còn cơ hội để đưa robot và cánh đồng, góp phần đưa nông nghiệp cất cánh”, PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh, Trưởng bộ môn Tự động hoá, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Uỷ viên BCH Hội Tự động hoá Hà Nội, cho hay.
Ở khía cạnh người tiêu dùng, ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions, cho biết trên thị trường có quá nhiều những tuyên bố và quảng cáo về sản phẩm hữu cơ, sạch, chất lượng cao nhưng lại có quá ít các giải pháp để khách hàng kiểm chứng những tuyên bố đó.
“Hệ quả là trắng đen lẫn lộn, khách hàng mất niềm tin và những người làm nông nghiệp nghiêm túc không sống được. Nếu có thể tận dụng thành tựu của blockchain, thực tế ảo hay công nghệ streaming trong xác minh nguồn gốc nông sản, đặt mua từ đầu mùa hay thậm chí nuôi trồng chung thì hẳn vấn đề này sẽ được giải quyết", ông Việt nói.
Ở góc độ kĩ thuật, PGS.TS Thục Anh cho biết, thực tế không phải công việc nào cũng có thể tự động hoá, robot có thể rất thành công trong công nghiệp nhưng chỉ trong môi trường công việc lặp đi lặp lại. Nhưng trên cánh đồng lúc nắng, lúc mưa, khi áp dụng công nghệ sẽ rất khác.
“Ví dụ công nghệ như xử lý ảnh, vào lúc trời nắng, ánh nắng mặt trời chiếu vào khiến camera không hoạt động. Lúc đó phải có biện pháp thủ công như làm bạt để che. Hay những chiếc xe ban đầu chế tạo không nghĩ đến việc đất trồng dứa rất lún, chúng tôi phải làm lại hệ thống bánh lồng để đi lại trên đất đó”, bà Thục Anh nói.
Thế nhưng, điều khó khăn nhất với các nhà nghiên cứu, sáng chế không phải là sửa đi sửa lại sản phẩm, mà là đầu ra cho sản phẩm.
“Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm đến người sử dụng sao cho hiệu quả. Nhưng các nhà khoa học không mạnh về việc thương mại hoá sản phẩm. Đây là khó khăn mà chúng tôi đang vấp phải. Sản phẩm chúng tôi mặc dù đưa đi triển lãm một số nơi nhưng giá thành vẫn còn khá cao do sản xuất thử nghiệm ban đầu. Sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi cá nhân hoá, sản xuất riêng cho đối tượng nào đó, ví dụ sang cánh đồng khác phải thay đổi kết cấu. Vì vậy chưa thể sản phẩm thương mại hoá”, bà Thục Anh nói.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á, cho rằng các nhà đầu tư rất mong muốn rót vốn vào nông nghiệp thông minh vì đây là xu hướng tương lai, nhưng việc các startup nông nghiệp khó hút vốn là do chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
“Startup cần xác định gọi vốn cần phát triển chứ không phải tồn tại, vì nhà đầu tư mong muốn khoản đầu tư sinh lợi nhuận. Ngoài ra, startup nông nghiệp chủ yếu mạnh về sản phẩm, nhưng yếu kĩ năng marketing, phát triển thị trường, quản trị… nên vấn đề lo nhất của nhà đầu tư là startup lãng phí quá nhiều nguồn lực ngoài tiền", bà Vân nói.