‘Doanh nhân nông nghiệp’ - những doanh nhân chân đất
(DNTO) - “Cứ bám nông thôn, cứ gắn nông nghiệp theo cách xưa cũ bằng mọi giá mà không chuyển được thành doanh nhân nông nghiệp và nông dân thông minh thì không giàu được”, theo Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng 3/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả bình chọn Danh hiệu “100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023". Cũng trong tháng 10 chúng ta lại có Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Ngày tôn vinh doanh nhân không thể không nhắc tới đội ngũ doanh nhân xuất thân từ nông dân mà theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long thì: “Cứ bám nông thôn, cứ gắn nông nghiệp theo cách xưa cũ bằng mọi giá mà không chuyển được thành doanh nhân nông nghiệp và nông dân thông minh thì không giàu được”.
Nhiều năm qua, khái niệm "doanh nhân nông nghiệp", “doanh nhân nông dân” hay "doanh nhân Hai Lúa" không còn xa lạ với người dân. Nó cho thấy có một đội ngũ doanh nhân đã được hình thành và phát triển từ người nông dân.
Con đường trở thành một doanh nhân của người nông dân có “muôn vạn lối”. Có người, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dầm sương dãi nắng làm ra hạt lúa, củ khoai, quả ngon, trái ngọt. Quá trình gieo trồng, chăm bón thì bị thị trường phân thuốc tăng giá vô tội vạ. Đến khi thu hoạch nông sản thì bị thương lái ép giá…
Và họ bứt phá, mạnh dạn tự sản tự tiêu, đứng ra tập hợp nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm và đưa lên sàn giao dịch... Theo đó một đội ngũ giám đốc HTX nông nghiệp ra đời với tâm huyết, nhiệt tình, trở thành những doanh nhân thành đạt ngay trên mảnh đất mà họ sinh ra và lớn lên.
Song song với ý thức "làm ra nhiều nông sản", người nông dân đã dần chuyển sang tư duy "làm ra nhiều giá trị từ nông sản". Một trong những mô hình khai thác giá trị “phi vật thể” từ nông sản là mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Từ đó xuất hiện mô hình hội quán du lịch và một đội ngũ nông dân trở thành doanh nhân làm du lịch nông nghiệp ra đời. Bằng cách làm kinh tế du lịch, những “doanh nhân Hai Lúa” đã biến mỗi sản vật thành câu chuyện kể về truyền thống văn hóa lịch sử, thành một bức tranh danh lam thắng cảnh của địa phương.
Ngoài ra họ còn là những chủ trang trại, đồn điền, kinh doanh, sản xuất liên quan tới nông nghiệp, nông thôn… Từ một nông dân, có người cả ba bốn đời sống chết với ruộng đồng, vườn tược, chuồng trại, trình độ đa số còn hạn chế, nay thoắt cái để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế chung, họ buộc phải thay đổi tư duy, từ “Trông trời trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió…” nay họ phải dám nghĩ, dám làm, dám tiếp cận, ứng dụng khoa học, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý, điều hành…
Có nghĩa là để trở thành một doanh nhân thực thụ với tư duy của một nhà doanh nghiệp, có kiến thức có trình độ công nghệ, biết áp dụng số hóa trong giai đoạn chuyển đổi số ở thời kỳ cách mạng 4.0… người nông dân đã dành tâm sức rất nhiều, phải học, phải làm, phải nỗ lực gấp nhiều lần một doanh nhân đi lên bằng con đường “truyền thống”.
Có thể họ chưa phải là đại gia. Có thể còn lâu lắm họ mới trở thành Phạm Nhật Vượng, “bầu” Đức, “bầu” Hiển, hay Nguyễn Thị Phương Thảo hoặc Hồ Hùng Anh… Càng khó có thể để trở thành những thiên tài kinh doanh như Henry Ford, Bill Gates hay Elon Musk... Nhưng với những gì mà họ đóng góp, những doanh nhân xuất thân từ những nông dân chân đất, hoàn toàn xứng đáng được xã hội tôn vinh trong Ngày doanh nhân Việt Nam.