Doanh nhân kiều bào muốn 'bắt tay' với doanh nhân trong nước chặt chẽ hơn
(DNTO) - Hiện mối liên kết giữa doanh nhân trong và ngoài nước còn lỏng lẻo, ảnh hưởng tới hiệu quả xuất nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam. Trong thời gian tới, các doanh nhân kiều bào mong muốn có sự kết hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong nước để hàng hóa Việt Nam có thể tiến xa hơn ra thế giới.
Chiều 13/10, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài”.
Trong tọa đàm, các doanh nhân kiều bào bày tỏ những trăn trở trong việc đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường thế giới.
Ông Hoàng Mạng Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu
Bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn tư duy "đánh nhanh, thắng nhanh", tức làm sao bán được hàng nhanh nhất, nhiều nhất, như vậy rất khó vào thị trường EU.
Ông Hoàng Mạnh Huê
Hiện nay, hệ thống các trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu ngày càng lớn mạnh, tạo ra hoạt động kinh doanh ổn định cho doanh nhân kiều bào, giúp hàng hóa Việt Nam xuất nhập khẩu ổn định. Đây cũng là nơi quảng bá, marketing cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường ngoại.
Ví dụ, ở thị trường Nga, tổ hợp Hanoi Moscow với vốn đầu tư 250 triệu USD, với hệ thống căn hộ, trung tâm thương mại, là nơi xuất nhập khẩu hàng nông lâm sản Việt Nam với thị trường này.
Tuy nhiên, việc tận dụng năng lực, hiệu quả trung tâm thương mại cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam còn thấp. Hiện có 80% doanh nhân Việt kinh doanh trong các trung tâm thương mại nhưng lượng tiêu thụ hàng Việt chỉ chiếm 10-15%.
Nguyên nhân chủ chốt vẫn là do tư duy kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn tư duy "đánh nhanh, thắng nhanh", tức làm sao bán được hàng nhanh nhất, nhiều nhất, như vậy rất khó vào thị trường EU.
Thời gian tới, phải tăng cường kết nối thông tin giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với hiệp hội doanh nghiệp tại nước ngoài để cùng nhau xây dựng chuỗi phân phối sâu, từ sản xuất đến tiêu thụ vào các thị trường nước ngoài. Chúng tôi có thể đại diện, làm đại lý cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài.
Bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục Đài – Việt
Hình thức B2B theo đặt hàng được chúng tôi tổ chức gần đây giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm đến từng địa phương ở Đài Loan. Đây là hướng đi hoàn toàn mới, hi vọng giúp hàng Việt tiếp cận nhiều hơn đến thị trường Đài Loan.
Bà Ngô Phẩm Trân
Từ trước đến nay, hàng hóa Việt Nam chủ yếu đi vào các siêu thị dành cho người dân Đông Nam Á, chưa thể thâm nhập vào hệ thống siêu thị của Đài Loan để phục vụ người Đài Loan.
Có thể do tiêu chuẩn nhập khẩu của nước này khắt khe, ngang với châu Âu, châu Mỹ nên khó khăn cho hàng hóa Việt Nam vì không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kĩ thuật. Ngoài ra, hàng Việt Nam vào Đài Loan hiện chịu mức thuế nhập khẩu khá cao, đây cũng là rào cản khiến hàng Việt khó cạnh tranh.
Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan nhập khẩu Đài Loan để tìm phương án giảm mức thuế nhập khẩu cho sản phẩm Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp Việt có các kênh phân phối lớn mạnh tại Đài Loan.
Chúng tôi dự kiến, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mỗi năm sẽ tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm Việt Nam tại Đài Loan, xây dựng gian hàng trong các trung tâm thương mại để hỗ trợ quảng bá.
Ngoài ra, những tháng gần đây, chúng tôi tổ chức các chương trình B2B theo đặt hàng, giúp doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành thủ tục nhập khẩu với hàng hóa, sau đó làm kênh B2B với địa phương để tìm đầu ra cho hàng hóa. Đây là bước đi ngược chiều so với cách làm xúc tiến thương mại truyền thống, hi vọng có thể giúp sản phẩm Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đến thị trường Đài Loan.
Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan
Để giảm giá thành và thời gian giao hàng quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước nên kết hợp để thành lập trung tâm logistics, đóng gói chặng cuối tại các thị trường trọng điểm, tận dụng kho bãi, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối của doanh nhân kiều bào để lưu trữ và vận chuyển hàng hóa Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Bình
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm trong việc hoàn thiện sản phẩm chất lượng. Vì vậy cần thành lập bộ phận tư vấn có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt kiều tại các thị trường trọng điểm, giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường.
Chúng tôi đang thành lập một số cơ sở hỗ trợ việc giám định, kiểm định các mặt hàng có thể xuất khẩu sang EU. Ví dụ tại Ba Lan, trong 5 năm qua, thông qua Hiệp định với Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ kiểm định sản phẩm trong vòng 24g, để đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện thông quan.
Dịch Covid-19 khiến giá thành vận chuyển tăng cao và thời gian giao hàng kéo dài, đặc biệt là hàng nông sản. Có những lô hàng trước chỉ mất 40 ngày vận chuyển, trong dịch Covid-19 mất từ 3-4 tháng, thậm chí có đơn hàng không thực hiện được, đành hủy bỏ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để giảm giá thành và thời gian giao hàng, nên thành lập trung tâm vận chuyển, đóng gói chặng cuối tại các thị trường trọng điểm, với sự tham gia của các doanh nhân kiều bào.
Các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước nên kết hợp để thành lập trung tâm logistics, tận dụng các kho bãi, trung tâm thương mại, các cơ sở phân phối của doanh nhân kiều bào tại nước ngoài để giúp lưu trữ và vận chuyển hàng hóa Việt Nam. Tại Ba Lan có mạng lưới vận tải đi khắp 23 nước châu Âu, do người Việt quản lý, vì vậy một ngày chúng tôi có thể giúp hàng Việt phân phối ra toàn châu Âu.
Ông Hồ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Thái Lan
Hiện hàng hóa Thái Lan sang Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt sang Thái lại hạn chế. Bởi hiện hàng
Hàng Việt Nam đưa sang Thái Lan chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch, không thể đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan nếu đặt mua số lượng lớn. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan hai bên để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan
Ông Hồ Văn Lâm
Việt Nam xuất khẩu sang Thái chủ yếu qua đường bộ, nhưng khi thông quan qua Lào, qua Thái khó khăn.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam -Thái Lan đã thành lập Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam tại Thái Lan, đặt trụ sở ở khu vực Đông Bắc nước này để tận dụng sự tiện lợi của hệ thống logistics từ Việt Nam qua Lào qua Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan có gần 70.000 bà con kiều bào đang sinh sống nên nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam rất lớn. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng Trung tâm triển lãm hàng Việt ra nhiều tỉnh thành tại Thái Lan.
Tuy nhiên, hàng Việt Nam đưa sang Thái Lan chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch, để triển lãm thì được, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan nếu đặt mua số lượng lớn. Ví dụ một số sản phẩm Việt Nam như nem nướng, nước mắm rất được người tiêu dùng Thái ưa chuộng, nhưng khó khăn trong việc lưu thông ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.
Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan hai bên để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan thuận lợi hơn.