Châu Á vẫn ‘thèm’ thịt, nhưng sản xuất cần trở nên ‘xanh’ hơn
(DNTO) - Sản xuất thịt tại châu Á đã theo xu hướng bền vững, thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, các sản phẩm thịt làm từ thực vật vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài.
Nếu hỏi một người dân Hàn Quốc món ăn yêu thích nhất của họ là gì, nhiều người sẽ chọn thịt bò nướng. Tại Nhật, một trong những món ăn được ưa chuộng nhất là yakiniku, thịt nướng than. Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, tầm quan trọng của thịt heo lớn đến mức các nhà kinh tế đo đạc tình trạng nền kinh tế Trung Quốc bằng biến động giá cả thịt heo.
“Mối tình ẩm thực” này có một mặt trái. Thay đổi khí hậu đang đe dọa toàn thế giới và thực phẩm hay nông nghiệp, tuy là cần thiết cho sự sống còn của con người, lại chiếm đến 30% lượng khí thải nhà kính nhân tạo. Riêng ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm cho một nửa con số đó.
Sự tiêu thụ thịt quá nhiều cần phải được giảm thiểu. Nhưng nguồn thực phẩm từ các động vật trên cạn như thịt bò, sữa bò và trứng, có thể đem lại nhiều lợi ích dinh dưỡng mà các thực phẩm đến từ cây cối không thể làm được.
Nhiều nhà hoạt động cho lợi ích môi trường chắc chắn sẽ chống đối ý kiến này, nhưng sự thật là tiêu thụ thịt không thể bị xóa bỏ hoàn toàn. Ít nhất là tại châu Á, nơi mà nhiều vùng vẫn còn phải chống chọi với nạn suy dinh dưỡng.
Thịt dựa trên phương thức sản xuất tế bào trong phòng thí nghiệm không thể thay thế được do chất lượng dinh dưỡng không đủ. Tuy đây là một sự thật khó có thể nuốt trôi, nhưng việc cải thiện tính bền vững, thân thiện với môi trường trong sản xuất thịt, lại chính là con đường đúng đắn.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đầu về chế độ ăn ít thịt hơn do các yếu tố văn hóa và tôn giáo, cũng như vai trò trung tâm của gạo và các loại ngũ cốc khác. Ngoại trừ châu Phi, các vùng khác trên thế giới tiêu thụ lượng thịt bình quân đầu người cao hơn gấp đôi so với châu Á.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt đang tăng nhanh ở châu Á do thu nhập cao hơn và những thay đổi trong chế độ ăn uống. Dự kiến, khu vực này sẽ chiếm 52% trong thương mại sản phẩm thịt toàn cầu vào năm 2030.
Ví dụ, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người hàng năm ở Hàn Quốc là 58kg vào năm 2022, lần đầu tiên vượt qua lượng gạo. Trong khi đó, tỷ lệ người Trung Quốc ăn thịt thường xuyên đạt 57%, tiệm cận mức 60% của Mỹ.
Các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam và Thái Lan cũng đang nhanh chóng nối đuôi theo. Mức tiêu thụ sản phẩm thịt trên toàn khu vực châu Á, ở hầu hết các thể loại, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2029.
Một hướng đi khả dĩ là sử dụng các chương trình truyền thông đại chúng để khuyến khích chế độ ăn uống ít sản phẩm thịt, nhưng không dễ gì để các chương trình này thành công. Trong khi đó, việc cải thiện tính hiệu quả và bền vững của ngành sản xuất thịt dễ triển khai hơn.
Cải cách trong ngành chăn nuôi là cần thiết. Thú nuôi từ bò đến cừu tiêu hóa thức ăn qua việc lên men trong đường ruột, tạo ra một lượng lớn khí methane. Giải pháp thích hợp là cải thiện thức ăn gia súc bằng các chất phụ gia và sử dụng các bể phân hủy phân gia súc để thu khí methane. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm đến các loại thức ăn gia súc cho ra ít khí methane hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng tại sao thịt vẫn cần phải hiện diện trên bàn ăn. Câu trả lời rất đơn giản, hiện tại đang có quá nhiều người, chính xác là 735 triệu tính đến 2022, vẫn còn bị suy dinh dưỡng, một nửa trong số đó ở trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thực phẩm từ động vật đóng vai trò quan trọng để cung cấp đủ dưỡng chất theo tiêu chuẩn dinh dưỡng của Hội đồng Y tế Thế giới. Thế nhưng tại châu Á, ngành chăn nuôi vẫn hoạt động một cách không bền vững. Khoảng 40% khí methane trên toàn thế giới bắt nguồn từ khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Trong 2021, tổng lượng khí nhà kính từ sản xuất thịt tại châu Á được ước tính lên đến gần 1 tỷ tấn carbon dioxide, cao hơn rất nhiều so với 700 triệu tấn của Mỹ Latin và 200 triệu tấn của cả châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.
Điều này lại càng đặt nặng tầm quan trọng của cải cách cho ngành sản xuất thực phẩm thịt. Áp dụng các chính sách tổng thể để gắn kết chuỗi sản xuất địa phương với các hoạt động bền vững là điều cần thiết.
Điều này bao gồm nhân giống chọn lọc, nâng cao năng suất, quản lý chăn thả, công nghệ cho ăn chính xác và giáo dục nông dân, tất cả đều phải là ưu tiên của chính phủ. Thúc đẩy thương mại nhiều hơn cũng rất quan trọng, vì rất cần thiết để các nhà sản xuất đã đạt mức tiêu chuẩn hiệu quả hỗ trợ cung cấp cho các thị trường mà hoạt động sản xuất vẫn chưa được tối ưu hóa.
Sẽ cần có nhiều thời gian để các sản phẩm thay thế thịt, hay các sản phẩm bền vững giá trị cao, được chấp nhận bởi người tiêu dùng. Và cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn để con người có thể xóa bỏ hoàn toàn nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật. Từ giờ đến lúc đó, ta vẫn có thể xúc tiến cho những thay đổi tích cực của ngành chăn nuôi vốn nhiều tai tiếng.