Bữa ăn bán trú cho học sinh: Trách nhiệm và lương tâm
(DNTO) - Năm học 2023 - 2024 sẽ chính thức khai giảng vào tuần sau. Cũng như hằng năm, đây là thời điểm phụ huynh “vắt giò lên cổ mà chạy”… Trong đó, chạy tiền để đáp ứng các khoản chi phí, làm nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ. Với các bố mẹ có con học bán trú, còn thêm nỗi lo thường trực về chất lượng bữa ăn ở trường của con em mình, gọi nôm na là bữa ăn bán trú.
Hiện nay, hầu hết phụ huynh ở các gia đình hạt nhân mà cả hai vợ chồng đều đi làm suốt ngày không thể đón con về nhà để lo bữa trưa, thì cho con học bán trú là chọn lựa ưu tiên hàng đầu của họ vì nó phù hợp và cần thiết. Học bán trú các em được ăn chính bữa trưa, ăn nhẹ bữa xế và được ngủ nghỉ tại trường vào giờ trưa. Điều này giúp bố mẹ yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm từ các bữa ăn bán trú thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong nhiều năm qua gây tâm lý hết sức hoang mang và lo lắng cho phụ huynh.
Xôn xao dư luận bởi con số nạn nhân lên đến hơn 600 người và có 1 trường hợp tử vong, đó là vụ ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang vào hồi cuối năm ngoái. Tác nhân gây ngộ độc là vi khuẩn Salmonella có trong món cánh gà chiên theo kết luận của Viện Pasteur Nha Trang.
Sự việc này tưởng sẽ làm cho ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú của học sinh được quan tâm cải thiện tối đa. Nhưng cũng không có gì khác, chỉ mấy tháng sau, ngày 28/3/2023, tại Trường tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) 72 học sinh lại nhập viện với các biểu hiện ngộ độc. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân ban đầu là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn. Rất may không có em nào tử vong.
Hai tuần sau đó, ngày 12/4/2023, tại địa bàn TP.HCM, 38 học sinh dùng bữa ăn trưa tại Trường THCS Rạng Đông (đường Phan Chu Trinh nối dài, P.12, Q.Bình Thạnh) lại bị ngộ độc. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây ra trong món cơm trắng ăn cùng chả trứng hấp thịt.
Hiện nay việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Về hình thức bếp ăn bán trú, trước đây các trường thường tổ chức bếp ăn tự nấu tại đơn vị. Hiện nay hầu hết bữa ăn bán trú là do nhà trường ký hợp đồng liên kết với nhà thầu hoặc các đơn vị cung ứng suất ăn sẵn.
Từ đây đã nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng bữa ăn; về vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhiều tiêu cực xảy ra xung quanh bữa ăn bán trú của học sinh như danh sách thực đơn niêm yết và món ăn thực tế không trùng khớp, khẩu phần ăn bị cắt xén khiến bữa ăn của các em sơ sài; Vô hiệu quá vai trò giám sát của phụ huynh; Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm về trường thì được báo trước… Bên cạnh đó, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm nhập nhằng, xử lý kỷ luật qua loa nên không đủ răn đe.
Lại vào năm học mới, bữa ăn bán trú học sinh lại đặt chúng ta trước một thách thức tuy không mới nhưng đòi hỏi chúng ta phải triệt để “chiến thắng” bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con em chúng ta.
Về phía nhà trường: Phải nhìn nhận rằng, các trường có chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường phải thêm một gánh nặng rất lớn bên cạnh nhiệm vụ chăm lo phát triển cơ sở vật chất, nhân sự, nâng cao chất lượng dạy và học… Việc chú trọng bữa ăn bán trú chất lượng an toàn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc chăm lo sức khỏe học sinh trong thời gian ở trường. Những sự cố xảy ra đều nằm ngoài ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố xung quanh bữa ăn bán trú, trách nhiệm tiên quyết thuộc về nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng là không thể thoái thác. Vì thế, nhà trường không nên có tư tưởng giao khoán cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nấu ăn hay các dịch vụ cung cấp bữa ăn sẵn với ý nghĩ khi có sự cố sẽ dễ dàng quy trách nhiệm cho họ.
Khi lập hợp đồng nhà trường ký kết với công ty cần nêu rõ những điều khoản ràng buộc liên quan tới bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có thể nên mua bảo hiểm đề phòng rủi ro xảy ra… Trong hợp đồng cũng cần nêu rõ trách nhiệm của các bên như thế nào khi bữa ăn bán trú gặp sự cố.
Mặc dù các quy định về an toàn thực phẩm đã được ghi rõ trong nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế nhưng về phía các cơ quan hữu quan ở từng địa phương nên tạo điều kiện giúp các nhà trường có cơ sở pháp lý để hợp đồng giám sát quản lý, kiểm soát bữa ăn với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh. Đồng thời khi xảy ra sự cố cần nghiêm khắc xử lý sai phạm với các hình phạt có tác dụng răn đe.
Tất nhiên, trên đây cũng chỉ là những quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý. Bản chất của doanh nghiệp kinh doanh là luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Bữa ăn có bảo đảm chất lượng dinh dưỡng hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có tình trạng lương thực thực phẩm tăng giá liên tục.
Về an toàn thực phẩm, đa phần việc kiểm tra có báo trước hoặc bị rò rỉ thông tin không mang lại hiệu quả gì. Thậm chí, cho dù phụ huynh có được phép kiểm tra đột xuất thật ra cũng rất khó, bởi vì phụ huynh ít người có chuyên môn sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, họ cũng chỉ biết tin vào cảm quan và nhãn mác được dán trên bao bì sản phẩm. Càng không thể sờ bằng tay, nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi mà phát hiện được thực phẩm có an toàn hay không.
Vì thế, chất lượng và sự an toàn trong bữa ăn bán trú của học sinh cuối cùng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào LƯƠNG TÂM và TRÁCH NHIỆM của nhiều phía. Đặc biệt là của ban giám hiệu nhà trường và công ty cung cấp bữa ăn bán trú, trong đó có các đơn vị cung ứng thực phẩm.
Đối tượng phục vụ của chúng ta là trẻ em, là thực khách thụ động, không đủ trí khôn, không có quyền lực. Ăn không dám bỏ thừa, không thể chê khen, không quyền đòi hỏi. Nhiều bố mẹ bận rộn quá, lại ỷ y vào bữa ăn ở trường, không quan tâm bổ sung bữa ăn tối cho con, thế là con suy dinh dưỡng.
Để xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến trẻ con phải chịu nhiễm độc, đau đớn, không may thiệt mạng, là tội của người lớn. Mặc dù có thể không bị xử lý hình sự nhưng sự trừng phạt của lương tâm sẽ làm chúng ta ray rứt suốt đời.