Trẻ em đang đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức trong cuộc sống
(DNTO) - Hằng ngày, trong khi người lớn phải đương đầu với bao nhiêu áp lực, thách thức xảy ra trong cuộc sống, thì trẻ em cũng không khác gì, chúng cũng phải đối mặt với các nguy cơ mà đôi khi các bậc phụ huynh không lường hết.
Mỗi ngày, ngoài đường phố, dọc theo các vỉa hè, chị gánh hàng rong kĩu kịt nhọc nhằn thả vào không gian ồn ã những tiếng rao lẻ mọn; anh công nhân trong các nhà máy, công trường lưng áo đẫm mồ hôi bạc trắng; trên cánh đồng người nông dân đội nắng, đội mưa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; trong các phiên tòa, vị thẩm phán phải căng não ra để cầm cân nảy mực sao cho không sai một li đi một dặm; trên thương trường, các doanh nhân vừa lo cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa chăm lo đời sống cho hàng vạn người lao động trong ngôi nhà chung của mình…
Họ gánh chịu tất cả sự vất vả khó khăn, đương đầu với bao nhiêu áp lực, thách thức, trước hết là để giải quyết gánh nặng cơm áo gạo tiền, trang trải mọi chi phí trong gia đình, đặc biệt và quan trọng hơn hết là chăm lo cho con cái, mong muốn các con có một cuộc sống đầy đủ và một tương lai rạng ngời.
Nhưng không phải ai cũng biết, trẻ con ngày nay đã qua rồi cái thời “như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Chúng đang đứng trước những thách thức và nguy cơ rất lớn trước cuộc sống, ngoài xã hội, trong nhà trường, thậm chí ngay tại chính ngôi nhà của mình.
Ngoài xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch về đẳng cấp ngày càng rõ nét. Các tệ nạn xã hội cùng với sự thiếu hụt sân chơi lành mạnh khiến môi trường sống mất an toàn, vấn đề ô nhiễm và tai nạn giao thông, nạn bắt cóc trẻ em... Môi trường kỹ thuật số khiến trẻ bị chi phối bởi các thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Gần đây, đỉnh điểm bị đẩy lên bởi các hoạt động livestream với những cuộc khẩu chiến, chửi rủa bằng những ngôn ngữ thô tục, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân hoặc đơn giản chỉ để câu like kiếm tiền. Có thể thấy, đây là mối nguy cơ rất lớn đối với trẻ em.
Một thách thức mà trẻ phải đối mặt rất đáng quan ngại là tình trạng gia tăng bệnh tâm thần ở thanh thiếu niên do tác động của môi trường sống - theo cảnh báo của Giám đốc điều hành UNCIEF Henrietta Fore, trong bức thư ngỏ nhân kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Công ước Quyền trẻ em.
Trong nhà trường, nổi rõ rất là tình trạng chia phe nhóm, tệ nạn bạo lực học đường, sự phân biệt đối xử giữa việc có và không học thêm với giáo viên bộ môn; những tiêu cực xảy ra ngay trong đội ngũ thầy cô giáo… Đặc biệt, hiện nay, nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, cũng là một thách thức với các em.
Các vấn đề đến từ gia đình tưởng như không đáng kể nhưng lại là áp lực rất lớn, quyết định đến sự hình thành và phát triển tính cách, đến cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ.
Trước hết là do bận rộn làm ăn, thiếu thời gian quan tâm, theo dõi con cái, giao phó trẻ cho ông bà hoặc người giúp việc; nạn bạo lực gia đình, bao gồm các cuộc “chiến tranh vũ lực nóng bỏng” và cả những cuộc “chiến tranh lạnh” với mọi sắc thái.
Do trình độ hạn chế, nhiều bố mẹ không thể định hướng việc học tập và nghề nghiệp cho con… Trong khi ngược lại, nhiều bố mẹ quá kỳ vọng vào con mình nên gây áp lực không nhỏ cho trẻ, bắt ép trẻ học quá tải, áp đặt, không cho trẻ cơ hội và quyền được nói lên mong muốn, nguyện vọng của bản thân, dẫn đến trình trạng hoặc là trẻ nổi loạn, hoặc là trẻ rơi vào trầm cảm, tự kỷ…
Ăn uống thừa dinh dưỡng dẫn đến trẻ em dậy thì sớm hoặc béo phì cũng là một thách thức lớn cho trẻ từ phía gia đình.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số trẻ em phải sống trong môi trường cách ly tập trung, giãn cách xã hội. Nhiều em bị gửi về quê tránh dịch phải xa cha mẹ, xa gia đình trong một thời gian dài. Hàng ngàn em nhỏ không may rơi vào cảnh mồ côi trong đại dịch Covid-19 còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
“Tuổi thơ đã thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận", bà Fore viết. Còn Thạc sĩ tâm lý, Giảng viên Nguyễn Hà Thành thì chia sẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý đến những trải nghiệm hằng ngày trong cuộc sống, để dần dần từng bước giúp trẻ hình thành kỹ năng và ý chí vượt khó, vượt khổ sau này.
Tóm lại, để có thể vững vàng đối mặt và sẵn sàng đương đầu với những nguy cơ thách thức trong cuộc sống, trẻ em cần được quan tâm, chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe thể chất, kiến thức, kỹ năng và hơn hết là cần được người lớn chia sẻ, nâng đỡ và bảo vệ.