Hãy cho các con sức mạnh và niềm tin để tự bước đi
(DNTO) - Không có gì chắc chắn rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên con, một lúc nào đó, bất ngờ sẽ buộc phải buông tay con giữa đường. Bố mẹ sẽ an tâm hơn rất nhiều nếu biết rằng khi không may chẳng thể ở bên, các con vẫn có thể bước tiếp, vững vàng và mạnh mẽ.
Mỗi đứa trẻ khi rơi vào cảnh mồ côi là rơi vào một bi kịch cuộc đời. Nhưng khi điều đó xảy ra hàng loạt trong sự ngỡ ngàng, không ngờ tới của cơn lốc đại dịch Covid-19 thì mức độ đau thương tăng lên gấp bội. Bất hạnh ập tới khiến các em không kịp chuẩn bị tinh thần, tâm lý lẫn điều kiện sinh hoạt, ăn ở, học hành để có thể thích nghi với cuộc sống, đó là nỗi trăn trở của mọi người và của toàn xã hội.
Tuy nhiên qua thực tế, ở một góc nhìn thiên về giáo dục, các chuyên gia nhận thấy, ngoài sự khác biệt về cấu tạo tâm sinh lý ở mỗi đứa trẻ, thì đặc điểm về tính cách có khả năng làm cho mức độ suy sụp và sức chống đỡ của các em khác nhau rõ rệt.
Một đứa trẻ vài ba tuổi nhưng đã biết tự mặc áo, mang giày, tự xoay xở với cái muỗng, đôi đũa trên bàn ăn, tự đứng lên sau khi ngã mà không chờ bố mẹ chạy tới đỡ dậy, xuýt xoa rồi vờ đánh vào cái bàn cái ghế làm cho em ngã. Những đứa trẻ từ nhỏ được rèn luyện tính tự chủ, tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh, khi gặp biến cố, với các kỹ năng nhất định, sự tự tin, can đảm, ý chí mạnh mẽ… các em sẽ dễ dàng vượt qua hơn.
Khi đột ngột rơi vào cảnh mồ côi, những đứa trẻ ấy sẽ chống chọi với nỗi cô đơn, cảm giác nhớ nhung, thậm chí một chút sợ hãi nhưng do đã quen tự chủ, các em sẽ không gặp khó khăn, trở ngại và không dựa dẫm vào người khác, ít nhất là trong các sinh hoạt hàng ngày.
Ngược lại có nhiều trẻ, thậm chí đã học cấp hai vẫn không tự thực hiện được các sinh hoạt cá nhân bình thường như đánh răng rửa mặt, tắm rửa, mặc quần áo; không thể tự xúc cơm ăn, tự rót nước uống, soạn cặp sách đi học. Nhiều khi không phải trẻ không có khả năng mà do các con quen được ông bà, cha mẹ bao bọc làm thay, hoặc ỷ lại vào người làm.
Với những đứa trẻ quen được chăm bẵm thái quá, sống dựa dẫm và phụ thuộc như thế, khi lâm vào cảnh mồ côi đột ngột, các em sẽ rất hụt hẫng, mất thăng bằng và bị chấn thương tâm lý nặng nề.
Phải chăng chính một thế hệ trẻ vốn được sống trong sự bảo bọc của bố mẹ theo kiểu “nâng trứng hứng hoa”, nên khi trở thành bố mẹ, các bạn rất lúng túng trong việc dạy con tự lập? Thậm chí nhiều bạn hiểu tự lập là giao quyền cho đứa trẻ nên sợ con đứng ngoài vòng kiểm soát của bố mẹ.
Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, dạy cho con tính tự lập trước hết là ngay từ khi trẻ còn nhỏ, phải dạy bé cách tự mình thực hiện các hoạt động phục vụ cá nhân hàng ngày, phù hợp và tăng dần theo lứa tuổi. Sau đó, tập cho trẻ phụ giúp việc nhà, giao việc vừa sức để con có thói quen, kỹ năng và yêu thích lao động. Khuyến khích con tập suy nghĩ, có chính kiến riêng, tự tin và có trách nhiệm với hành động của bản thân mình.
Song, điều quan trọng là bố mẹ phải tin tưởng con cái để làm động lực cho trẻ tự tin mà cố gắng thể hiện hết khả năng của mình. Bố mẹ hãy tin rằng trẻ có thể làm được, có thể sửa sai nếu làm sai vì ai cũng phải trải qua nhiều vấp ngã mới trưởng thành.
Sợ con thất bại ngay lần đầu và không cho con được trải nghiệm thất bại là sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ hiện nay. Cũng vì sợ con thất bại nên lúc nhỏ khi con gặp khó khăn trong học tập, có bố mẹ ra tay giải bài tập, làm thủ công hoặc viết bài thuyết trình giúp con... đây là cách bố mẹ tạo điều kiện cho con hình thành tính ỷ lại và không chịu nỗ lực.
Càng lớn, trẻ sẽ nhận ra bố mẹ là một cây đại thụ vững chắc và yên tâm làm một thứ dây leo, ngày càng xum xuê, xanh tốt. Nhưng chúng không thể sống và phát triển nếu không có thân cây để bám vào, và điều này là lợi bất cập hại.
Do đó, dạy con tính tự lập rất quan trọng và các bậc cha mẹ nên làm từ sớm. Tính tự lập giúp các con trải qua nghịch cảnh, biến cố một cách nhẹ nhàng hơn. Những câu chuyện thương tâm xảy ra trong đại dịch đã cho chúng ta một bài học thực tiễn về sự vô thường của cuộc sống, giúp mọi người suy nghĩ khác hơn về cách cha mẹ đặt tình thương vào con trẻ.
Không có gì chắc chắn rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên con, một lúc nào đó, bất ngờ sẽ buộc phải buông tay con giữa đường. Bố mẹ sẽ an tâm hơn rất nhiều nếu biết rằng khi không may chẳng thể ở bên, các con vẫn có thể bước tiếp, vững vàng và mạnh mẽ.