Thế giới cung Hằng cho trẻ mồ côi

(DNTO) - Hai hũ cốt được đặt cạnh nhau trên ban thờ hiu hắt khói nhang. Đứng bên cạnh là hai đứa trẻ gương mặt buồn thiu, thẫn thờ trong không gian lạnh lẽo, gai người. Cha mẹ các em qua đời vì Covid-19. Từ hôm nay, chúng bắt đầu cuộc sống mồ côi.
Còn đúng một tuần nữa là đến Rằm Trung Thu. Bóng trăng đã bắt đầu rướn qua phía bên kia bán nguyệt, chuẩn bị lấp đầy vành khuyết cho đầy đặn một đêm trăng vằng vặc sáng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Rằm tháng Tám, tôi thường biên cho các thiên thần nhỏ của mình trên khắp mọi miền đất nước mấy dòng về cái mênh mang của trời đất trong đêm trăng. Tôi lại kể cho các em về chú Cuội khờ khạo đáng yêu, về chị Hằng Nga xinh đẹp, về con thỏ trắng ngộ nghĩnh và về gốc đa già ngàn năm tuổi… Tôi vẫn muốn các em tin rằng cung Hằng là thế giới thần tiên có thật chứ không chỉ là một hành tinh lổn nhổn những đất đá vô tri.
Tôi tin tuổi thơ là khoảng trời hồn nhiên hoa mộng nhất của mỗi đời người nhờ vào những niềm tin như thế. Cũng như tôi vẫn hằng tin, khi lớp độc giả này lớn lên, vơi bớt đi sự “ảo mộng cung Hằng” thì tôi vẫn còn những độc giả khác tấn lên, vừa ti vú mẹ vừa nghe kể chuyện đời xưa dưới bóng trăng vành vạnh của đêm Rằm tháng Tám - vì trẻ em không bao giờ hết trên hành tinh này.

Các con cần gia đình, cần các tổ chức xã hội và Chính phủ quan tâm bù đắp vật chất, tinh thần trong hành trình thích nghi với cuộc sống mới. Ảnh: TL
Năm nay, như thường lệ, tôi cũng chuẩn bị cho mình một câu chuyện kể - cũ mèm, xưa lơ xưa lắc cùng những ý tưởng cũng không mới mẻ hơn bao nhiêu.
Nhưng rồi, những hình ảnh mà tôi tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe kể, mục kích mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông gần đây về những trẻ em vừa mất cha mẹ trong trận dịch Covid-19 kinh hoàng lần thứ 4, khiến tôi bị ám ảnh. Tôi chần chừ không biết sẽ viết gì về ánh trăng, về đêm Rằm tháng Tám, về Trung Thu năm nay.
Với những đứa trẻ mồ côi, các con còn một quãng đời dài, rất dài để sống và cần nhiều hơn thế; cần bàn tay mẹ chăm sóc, vỗ về; cần tình thương yêu, giáo huấn của cha để nên người tử tế.
Mồ côi là một biến cố lớn trong cuộc đời mỗi người, không ai tránh khỏi. Nhưng mồ côi khi còn bé thơ là một bi kịch nghiệt ngã. Hàng loạt mảnh đời bỗng chốc mồ côi trong đại dịch; mồ côi cả cha lẫn mẹ cùng một lúc như những bé thơ ấy… càng hết sức tang thương.
Cha mẹ mất vì dịch bệnh, hầu như các con không được thấy mặt đấng sinh thành lần cuối; nhiều em không được tiễn đưa họ về nơi an nghỉ sau cùng; thậm chí có em không thể quấn lên đầu vành khăn sô trắng. Nhiều cháu còn quá nhỏ để nhớ mặt cha mẹ, để giữ cho ký ức tồn tại, để cảm nhận hết nỗi mất mát không thể nào bù đắp này.
Những người không may “ra đi”, cho dẫu theo nhiều đức tin họ không biến mất, họ chỉ về với thế giới vĩnh hằng, đêm đêm vẫn nhìn xuống nhân gian, độ trì cho người còn sống… nhưng với những đứa trẻ mồ côi, các con còn một quãng đời dài, rất dài để sống và cần nhiều hơn thế; cần bàn tay mẹ chăm sóc, vỗ về; cần tình thương yêu, giáo huấn của cha để nên người tử tế.
Trong tình cảnh dịch bệnh kéo dài, kinh tế của mỗi gia đình nghèo thật sự kiệt quệ, câu hát “Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm khát nước biết người nào lo” nói lên một thực tế đau lòng.
Với mọi người, bằng nỗ lực, chịu khó vượt qua kiếp nạn chung, chúng ta có thể ăn ít, mặc thiếu trong một thời gian nhất định rồi sẽ vượt qua, sẽ đứng dậy như trong lịch sử dân tộc ta đã từng trải qua mấy đận chiến tranh, một thời bao cấp và thường trực hàng năm đối mặt với thiên tai bão lũ… Nhưng với những trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19, khó khăn không chỉ ngày một ngày hai; vượt qua mất mát, đau thương là điều không dễ dàng. Các con mãi mãi hứng chịu bất hạnh như một di chứng tồn tại vĩnh viễn không bao giờ xóa được.
Các con cần gia đình, cần các tổ chức xã hội, cần Chính phủ quan tâm bù đắp cả vật chất, tinh thần trong hành trình thích nghi với cuộc sống mới. Ở đó, các con được lấp đầy khoảng trống tình thương, có người chăm lo khi đói cơm khát nước. Ở đó, các con được đảm bảo cuộc sống lâu dài; được chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội để phát triển bình thường, khỏe mạnh; được học hành đến nơi đến chốn, ngõ hầu trở thành những công dân tử tế.

Dù trở thành trẻ mồ côi bất hạnh, thế giới thần tiên trên cung Hằng kia vẫn thuộc về các con. Ảnh TL
Khi tôi sắp sửa kết thúc những dòng suy tư này, ở đầu hẻm nhà tôi có một người người cha vừa qua đời vì Covid-19, anh để lại hai cô con gái nhỏ song sinh đẹp tựa thiên thần.
Thi thể người cha được nhanh chóng đưa đi. Ngôi nhà rơi vào tĩnh lặng và buồn bã nao lòng. Đau lòng hơn khi người vợ nuốt nước mắt vào trong để giữ cho các con nụ cười thiên thần, hồn nhiên như chưa hề có cuộc chia ly…; các con chỉ vừa lên 2 tuổi!
Tôi ước không có dịch bệnh, mấy bữa nữa, khi con trăng tháng Tám đầy tròn, rọi xuống nhân gian những ánh vàng lấp lánh, tôi vẫn sẽ kể cho các con nghe: “Ngày xửa ngày xưa, có một anh tiều phu tên là Cuội…”, bởi dù các con may mắn còn đầy đủ ba mẹ hay bất hạnh trở thành trẻ mồ côi, thế giới thần tiên trên cung Hằng kia vẫn thuộc về các con.