Thứ bảy, 29/03/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Bao giờ trở lại… ngày xưa, Sài Gòn ơi! 

Lương Gia Cát Tường
- 19:30, 12/09/2021

(DNTO) - Rồi sẽ đến ngày Sài Gòn trở lại cuộc sống bình thường mới. “Bình thường mới” - tôi nghĩ mãi về cụm từ này; với Sài Gòn của tôi, Sài Gòn ngày mai, chữ “mới” thật đầy đặn, ý nghĩa bởi bên cạnh niềm vui sẽ là sự trống trải, lạ lẫm. Bao giờ trở lại… ngày xưa, Sài Gòn ơi! 

Không biết đầu cua tai nheo thế nào nhưng cứ nghe giọng thằng em mừng rỡ trong điện thoại, tôi cũng vui lây: Quê mình gỡ phong tỏa rồi Hai. Là sao? Là 16 xuống 15. Xuống một nút mà cũng mừng quá thể vậy hả? Mừng chứ, dẫu sao cũng thấy mặt phố phường, nghe được gió sông Hàm Luông sườn sượt qua tai… Đã gì đâu!

Câu “Đã gì đâu!” phát ra qua giọng nói hớn hở của thằng em tôi, nghe... đã gì đâu! Vậy mà không dưng tôi buồn, buồn đứt ruột.

Sài Gòn mang trên mình đầy vết cào xước bởi rào chắn thép gai, những cái barie màu đỏ, những lều gác dã chiến dựng trên đường. Ảnh: Đan Hà

Sài Gòn mang trên mình đầy vết cào xước bởi rào chắn thép gai, những cái barie màu đỏ, những lều gác dã chiến dựng trên đường. Ảnh: Đan Hà

Sài Gòn với các Chỉ thị 15, rồi 16, rồi 16 plus, rồi 16 siết chặt… Đến 18g mỗi ngày, Sài Gòn buộc phải đi ngủ sớm dù con mắt vẫn còn thao thức, xáo láo xơ lơ… Thời gian giãn “hứa” bằng tuần, bằng tháng, bằng nhiều tháng… không khác chi lời hứa của anh chàng đào hoa, lãng tử, con nhà giàu, đẹp trai, nhà mặt phố, bố làm to, không biết đến khi nào thì kết thúc.

Nhiều lúc tôi tự ví mình như “con hổ nằm dài trong cũi sắt, trông ngày tháng dần qua” (ý thơ của Thế Lữ). Tất nhiên, sự so sánh nào cũng đều khập khiễng, nhưng những ước mơ về một khung trời đầy nắng gió bụi bặm, đầy âm thanh của tiếng động cơ, tiếng còi xe đinh tai, tiếng bì bõm trên đường sau những cơn mưa bất chợt, ầm ào từ trên trời “quất” xuống như trận đòn say của ông chồng vũ phu… trong quá khứ (nếu hôm qua được gọi là quá khứ) luôn làm cõi lòng tôi quay quắt khôn nguôi.

Những vết cào xước loang lổ biến những cung đường trung tâm Sài Gòn vốn thẳng tắp, thênh thang nay bỗng vòng vèo, xa ngái.

U uất, bất lực trước nỗi đau mà đại dịch Covid-19 mang đến, chán ghét cảnh sống tù túng loanh quanh trong bốn bức tường, đằng sau những cánh cổng suốt ngày im ỉm đóng… Đó là tâm trạng có thật của rất nhiều người.

Nhưng tôi vẫn tự an ủi mình và động viên bạn bè, con cháu rằng: Mình vẫn may mắn, sung sướng và diễm phúc hơn nhiều những anh chị em nơi đầu sóng ngọn gió; những người không may mang trên mình “bí số” F0, F1 phải sống ngột ngạt đầy lo âu trong những khu cách ly; hay những bệnh nhân nặng đang sợ hãi, đuối sức cố “tập” làm một công việc tưởng rằng hiển nhiên: “tập thở”, trong các bệnh viện hồi sức.

Rằng trước cơn sóng hung hăng của đại dịch, phận người trở nên bé nhỏ mong manh yếu đuối vô cùng nên phải biết trân quý từng ngày được sống. Rằng tất cả đều là tạm thời, là sứ mệnh thiêng liêng của công dân yêu nước: Ở đâu, ở yên đó.

Bằng niềm an ủi vô biên ấy, tôi đã bớt khơi dậy niềm “khát khao tự do” trong tôi, bớt đau niềm đau của một Sài Gòn mang trên mình đầy vết cào xước bởi hàng nghìn rào chắn thép gai, những cái barie màu đỏ, những lều gác dã chiến dựng trên đường. Những vết cào xước loang lổ biến những cung đường trung tâm Sài Gòn vốn thẳng tắp, thênh thang nay bỗng vòng vèo, xa ngái.

Sẽ đến ngày Sài Gòn trở lại cuộc sống bình thường mới, bên cạnh niềm vui là trống trải, lạ lẫm. Ảnh: TL

Sẽ đến ngày Sài Gòn trở lại cuộc sống bình thường mới, bên cạnh niềm vui là trống trải, lạ lẫm. Ảnh: TL

Đã mấy lần áp dụng các chỉ thị nên những hình ảnh ấy không còn xa lạ, nhưng cũng không thể gọi là quen vì nó buồn bã, trống trải quá; lạnh lùng, hoang vắng, đau thương quá. 

Chưa bao giờ mọi liên kết trở nên lỏng lẻo và xa cách đến thế. Chưa bao giờ những lời chúc nhau chỉ loanh quanh mấy cụm từ: "Mạnh khỏe, bình an". Chưa bao giờ hàng trăm ngôn từ hoa mỹ như thành đạt, hạnh phúc, hồng phát, viên mãn, thịnh vượng, cát tường… trở nên xa xỉ, không còn giá trị. Chưa bao giờ sự an ủi mang đến cho người ta niềm tin mãnh liệt như bây giờ.

Thằng em tôi nghe thấy chị Hai nó không hào hứng gì với tin báo quê mình vừa "sụt" xuống Chỉ thị 15, bèn an ủi: "Tình hình này Sài Gòn sẽ sớm ổn thôi, lại gỡ bỏ giãn cách, lại trở về bình thường... mới" (nó như hụt hơi mới thốt ra từ… “mới”). “Bình thường mới” - tôi nghĩ mãi về cụm từ này bởi với Sài Gòn của tôi, "Sài Gòn ngày mai”, từ “mới” thật đầy đặn, ý nghĩa.

Không mới làm sao được khi dãy phố vốn từng tấp nập những shop quần áo, giày dép thời trang; những hàng ăn, quán uống tấp nập... nay chỉ lác đác vài căn mở cửa vì mấy tháng dịch dã không chịu nổi tiền mặt bằng, chủ quán đã bỏ về quê. Không biết số tiền dành dụm bấy lâu, ngồi không ăn tiêu qua mùa dịch, có ai còn đủ để tàu xe trở lên, sắm sanh mua bán?

Chưa bao giờ mọi liên kết trở nên lỏng lẻo và xa cách đến thế. Chưa bao giờ những lời chúc nhau chỉ loanh quanh mấy cụm từ: "Mạnh khỏe, bình an".

Không mới làm sao được khi những tiếng rao vốn nhờ có nó mà Sài Gòn bớt cô quạnh, nay thưa thớt, ngắt quãng bởi người ta ngại không biết rồi dịch có bùng lại nữa hay không, thôi thì ở quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, trở vô Sài Gòn làm gì?

Không mới làm sao được khi gánh bún nước lèo ở góc phố cạnh cơ quan tôi mỗi trưa tan tầm nhộn nhịp tiếng “oder” í ới, ngày mai sẽ quạnh vắng đìu hiu bởi hai vợ chồng chị chủ gánh đã ra đi vì Covid-19. Và lấy gì để chắc chắn rằng cô phá lấu, chị chè đậu, anh hột gà nướng, thậm chí bác bảo vệ… đã không bị Covid mang đi xa.

Bao giờ trở lại… ngày xưa, Sài Gòn ơi! Ảnh: NC

Bao giờ trở lại… ngày xưa, Sài Gòn ơi! Ảnh: NC

Không mới làm sao được khi má tôi suốt mấy ngày qua ngồi khóc miết vì nghe tin bà lão bán vé số thường hay ghé nhà bán cho má mấy tờ vé số rồi trò chuyện như hai bà bạn già, đã qua đời vì dịch bệnh. Những người bán vé số đa phần già cả, tàn tật, đau bệnh, khi Sài Gòn trở lại bình thường mới, họ còn được bao nhiêu người?

Sẽ đến ngày Sài Gòn trở lại cuộc sống bình thường mới, nhưng bên cạnh niềm vui sẽ là trống trải và lạ lẫm. Bao giờ trở lại… ngày xưa, Sài Gòn ơi!  

Tin khác

Văn hoá - Xã hội
Công tội phân minh, “vụ án” viện kẹo rau coi như đã rõ. Tuy nhiên, dư âm "cơn bão" vẫn không hạ nhiệt. Mới đây, người đại diện nhà hàng cơm niêu Cku Linh đã “kêu cứu” trước tình trạng "hơn 100 nhân viên vô tội đang bị tổn thương". 
1 ngày
Văn hoá - Xã hội
Đây là chương trình hành động vì cộng đồng "1.000 lượt tư vấn, khám và 12 trường hợp phẫu thuật miễn phí dành cho bệnh nhân ung thư cùng đội ngũ giáo sư Nhật Bản" nhằm giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, chuyên sâu từ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
1 ngày
Văn hoá - Xã hội
Ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh, một biểu tượng của điện ảnh Hollywood gốc Việt, đã về Việt Nam để tham gia một dự án phim đặc biệt cùng nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh. Đồng hành trong chuyến trở về của bà là hai nhà sản xuất, điều hành Sir Daniel K. Winn và Randall J. Slavin. 
2 ngày
Văn hoá - Xã hội
Nhà tổ chức Sen Vàng đã công bố các dự án Miss Wold Viet Nam, Miss Grand Viet Nam, Strong Viet Nam và Cuộc đời nở hoa, hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ với những sự kiện đặc sắc, đa dạng từ lĩnh vực sắc đẹp, văn hóa – giải trí và thể thao, góp phần lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
2 ngày
Văn hoá - Xã hội
Ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ sau nhiều năm ấp ủ chị đã hoàn thành kế hoạch mơ ước với sự hỗ trợ của nhiều bạn bè, đồng nghiệp khi ra mắt album Vết lăn trầm dưới định dạng đĩa than. Album được thực hiện và phát hành nhân dịp tưởng nhớ 24 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất.
3 ngày
Văn hoá - Xã hội
Lễ hội âm nhạc Tràng An - Ninh Bình (FORESTIVAL) 2025 sẽ diễn ra sẽ diễn ra tại đảo Khê Cốc vào ngày 31/5 /2025 với tham gia của hàng loạt ngôi sao âm nhạc.
3 ngày
Văn hoá - Xã hội
Hai chị em cột chặt tay nhau nhảy xuống sông. Thi thể được tìm thấy trong tư thế ôm chặt nhau. Một lá thư tuyệt mệnh cho hay “Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa…” của những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành nói cho chúng ta biết điều gì? 
4 ngày
Văn hoá - Xã hội
Đây là lần đầu tiên ngày hội Tóc xanh vạt áo tổ chức màn đồng diễn Việt phục kết hợp flashmob hoành tráng trên nền ca khúc đầy ý nghĩa Một vòng Việt Nam (sáng tác: Đông Thiên Đức), quy tụ hàng nghìn người tham gia trong trang phục truyền thống.
4 ngày
Văn hoá - Xã hội
Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thuỷ vinh dự là 1 trong 8 gương mặt trẻ được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2024.
4 ngày
Văn hoá - Xã hội
Sau thời gian ra rạp tại 5 thành phố lớn, bộ phim tài liệu Chúng ta là người Việt Nam của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh được mở rộng đến nhiều tỉnh thành và có các buổi chiếu giao lưu với sinh viên học sinh.
4 ngày
Văn hoá - Xã hội
Tái xuất với ngoại hình trẻ trung, ca sĩ Đan Trường khiến khán giả và báo giới bất ngờ với nhiều dự án mới cho năm 2025. Anh chân thành chia sẻ nhiều cảm xúc khi được gặp lại nhiều bạn bè, người quen, đồng thời cho biết vẫn luôn dành nhiều tâm huyết cống hiến cho âm nhạc.
6 ngày
Văn hoá - Xã hội
Ca sĩ Hà Anh Tuấn trở thành đại sứ chiến dịch Rừng lặng (The Voiceless Forest), do tổ chức Save Vietnam’s Wildlife khởi xướng, phối hợp thực hiện cùng Viet Vision và STORII. Chiến dịch hướng đến mục tiêu chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
6 ngày
Văn hoá - Xã hội
Tác phẩm điện ảnh Hồng Kông lấy đề tài lừa đảo trực tuyến với tên gọi “Love Lies: Yêu vì tiền điên vì tình” (tựa gốc: Love Lies) đã chính thức ra mắt khán giả, nhận được nhiều lời khen. Ở phiên bản lồng tiếng cho nhân vật chính, nghệ sĩ Hồng Đào cho biết rất hồi hộp chờ phản hồi từ khán giả.
1 tuần
Văn hoá - Xã hội
Dẫu không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng hiện nay, những vụ án giết người rồi phi tang thi thể nạn nhân có chiều hướng gia tăng. Thực tế cho thấy, các hành vi phạm tội man rợ này hầu hết có nguyên nhân từ những quan hệ tình cảm nam nữ trái đạo đức, thậm chí bất hợp pháp.
1 tuần
Văn hoá - Xã hội
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết về 'thần giữ của', Út Lan: Oán Linh giữ của là phim kinh dị Việt Nam đầu tiên có chủ đề xoay quanh nghi thức tâm linh bí ẩn này.
1 tuần
Xem thêm