Những câu chuyện xúc động trong tâm dịch Sài Gòn
(DNTO) - Ở một nơi vốn đã có nhiều câu chuyện kể, Sài Gòn những ngày rơi vào tâm dịch còn có biết bao điều để nói. Bên cạnh những câu chuyện về chống dịch, về sự mất mát đau thương, nhiều câu chuyện kể thật xúc động, cho chúng ta cảm giác ấm áp tình người cũng được nhân lên từ trong khó khăn vất vả.
Từ những câu chuyện nhường cơm sẻ áo đời thường…
Ai cũng biết Sài Gòn giống như một ngôi nhà có hai cánh cửa. Một cánh cửa mở ra cho sự nguy nga tráng lệ, lộng lẫy xa hoa. Cánh cửa còn lại dành cho những phận đời tha hương nương náu để mưu sinh. Khi dịch bùng phát, cánh cửa thứ hai tức thì khép lại. Những người lao động chạy ăn từng bữa bằng nghề bán vé số, đánh giày, chạy xe ôm truyền thống, những gánh hàng rong cùng với những tiếng rao dài chơi vơi trong ngày nắng, đêm mưa cùng với thành phố những ngày giãn cách, bất ngờ… bỗng trở nên túng thiếu, cái đói lởn vởn trước mặt họ trong những gian phòng trọ chật chội nhếch nhác.
Thế là những câu chuyện về lá lành đùm lá rách nở ra như những bông hoa thiện lương rực rỡ sắc màu. Những suất cơm hộp tức thời “chữa cháy” để người nghèo không đứt bữa, sau đó rồi tính. “Rồi tính” sau đó là gạo, đường, nước tương, nước mắm, trứng, rau củ quả với những gian hàng, siêu thị 0 đồng lịch sự văn minh, hoặc “đánh lẻ” từng “bọc” phân phát tận tay những người cần đến. Đa phần những chủ nhân trong các câu chuyện kể này không ai biết họ là ai. Người ta gọi họ bằng cái tên chung của một nhân vật trong “truyền thuyết”: Mạnh Thường Quân.
Khi từng con hẻm bị rào chắn, từng khu cách ly mọc ra, F0 như những con Zombie chạy khắp hang cùng ngõ hẻm thì nhiều câu chuyện “lạ” được truyền tai nhau. Chuyện kể: Ở một chung cư, chị cán bộ về hưu sống một mình trên tầng 7, cứ vài ba ngày lại dậy thật sớm, đi dọc theo hành lang vắng ngắt, khẽ khàng đặt trước từng cánh cửa nhà đóng im ỉm một túi “an sinh”, khi thì một ít rau củ, khi thì vài gói mì, khi thì chai nước tương, có khi vài quả trứng… Lần đầu tiên, có người mở cửa thấy, la toáng lên “ai đi chợ về đánh rơi rau nè”. Sau người ta bảo nhau: “Lại có quà cô Tấm”.
Ở một khu nhà trọ khác, chủ nhà trọ có căn biệt thự “bự xự” bên kia bờ sông Sài Gòn, nhưng những ngày dịch bệnh căng quá, anh dọn qua ở chung với cư dân khu trọ, làm thủ lĩnh của mấy chục em sinh viên và công nhân. Anh nói, tụi nhỏ xa quê trong túi không tiền, lỡ bệnh hoạn không biết làm sao. Anh qua ở chung cho tụi nó có điểm tựa về tinh thần lẫn vật chất. Anh nói đùa, trước khi đi anh đã xuất sắc hoàn thành công trình “hai năn”: Một là năn nỉ vợ cho “đi chiến dịch” (qua nhà trọ ở hết dịch thì về). Năn thứ hai là năn nỉ vợ cho cầm theo cái thẻ ATM và được tùy nghi sử dụng hết món tiền “bộn bộn” trong đó vì anh đã “free” tiền nhà trọ từ tháng rồi.
… Đến chuyện đóng góp có tính chất “quốc gia đại sự”
Vượt lên chuyện cơm áo gạo tiền, rất nhiều mạnh thường quân, trong đó đa số là các tổ chức doanh nghiệp, các cá nhân doanh nhân đã đóng góp công sức bằng những số tiền kếch xù không thể tưởng tượng - điển hình là doanh nhân Phạm Nhật Vượng, cùng với chính phủ đồng bào và Sài Gòn chống dịch bằng giá trị của nhiều chuyến bay chuyên chở dụng cụ y tế, đồ bảo hộ, hàng ngàn viên thuốc trị bệnh, hàng mấy chục ngàn liều vaccine… Những nhà máy cung cấp oxy miễn phí mọc ra, những cống hiến mặt bằng cơ sở làm bệnh viện dã chiến, làm khu cách ly; những nhà xe đưa cả tài sản của mình là những chiếc xe đời mới, chuyển đổi công năng thành xe vận tải, chuyên chở rau củ quả từ cao nguyên về tiếp tế cho Sài Gòn…
Trong đó Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã phát động chương trình "ATM F0 chống dịch" nhằm gây quỹ hỗ trợ kinh phí cho các F0 đã vượt qua "lưỡi hái tử thần" Covid-19, giúp họ có việc làm, có thu nhập - từ 6 – 8 triệu đồng/tháng - trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh. Đây là một ý tưởng mới, có “tầm cỡ”, thời gian qua cũng đã chứng tỏ được hiệu quả đáng ghi nhận.
Chuyện kể về một giám đốc của công ty chuyên sản xuất vải không dệt đã tham gia may khẩu trang chống dịch, khi cả nước còn khan hiếm khẩu trang nghiêm trọng. Anh đã từng thức trắng đêm với công nhân, sáng ra tự lái xe chở hàng thiết yếu và trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, khu cách ly...
“Có những sáng ngủ dậy thấy trời mưa tầm tã, muốn chui ngược lại vào trong chăn, nhưng vẫn phải đi, bởi ngoài kia nhiều người đang cần mình. Trước kia cứ đi đâu lâu một chút là gia đình lại trông, lại hỏi bao giờ về. Bây giờ có “đi mút chỉ” cũng không ai hỏi vì biết mình đi làm tình nguyện”, anh chia sẻ.
.… Và những câu chuyện về lực lượng tuyến đầu
Lực lượng tuyến đầu gồm rất nhiều thành phần. Nhưng khi nói nói đến cụm từ này, lập tức người ta nghĩ ngay đến y bác sĩ. Bởi vì họ là những người trực tiếp tham gia vào việc điều trị bệnh, góp phần quyết định sự sống còn của người nhiễm Covid-19.
Khi những trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được phép cách ly tại nhà thì bên cạnh việc phát thuốc tại chỗ, sự tư vấn theo dõi từ xa của bác sĩ là rất quan trọng, không thể thiếu cho bệnh nhân.
Ngoài các trang cá nhân của một vài bác sĩ nổi tiếng được đông đảo người dân biết đến như Bác sĩ THK, NĐT, trên mạng xã hội còn xuất hiện rất nhiều trang nhóm như Giúp nhau mùa dịch, Bác sĩ của bạn… Ngày càng nhiều các dòng “trạng thái” rất cảm động và dễ thương xuất hiện, kiểu như: “Em là bác sĩ… chuyên khoa… đang công tác tại… có kinh nghiệm… trong nghề. Xin góp một phần nhỏ bé cùng quý đồng nghiệp san sẻ khó khăn mùa dịch cùng bà con. Em xin được tư vấn và điều trị bệnh từ xa miễn phí… Hãy gọi cho em vào bất kỳ giờ nào. Số của em là…”.
Cậu học trò cũ của tôi là bác sĩ sản nhi, cũng tham gia chống dịch kiểu như thế vì thấy các thai, sản phụ mắc Covid-19 ngày càng nhiều. Cậu ấy kể: Đang đêm, điện thoại reng reng, bên kia đầu dây, giọng thanh niên hớt hãi, bác sĩ ơi, vợ em hai vạch. Anh bình tĩnh kể tôi nghe tình trạng của vợ anh hiện tại sao rồi. Thì ra vợ cậu ấy hai vạch trên que thử thai. Cậu học trò tôi đang chưa tỉnh ngủ bực mình “nện” cho anh kia một trận. Hóa ra không phải anh ấy đùa mà nghiêm túc thật. Anh ta muốn bác sĩ tư vấn xem trong thời gian dịch bệnh như thế này có nên sinh em bé không, vì hai vợ chồng đang trong tình hình vỡ kế hoạch vì giãn cách.
Đấy là những câu chuyện kể thật cảm động, ấm áp và cả hài hước nhưng lại thấm đẫm tình người trong đại dịch.