'Ái ngữ' là thông điệp của tình thương và trí tuệ
(DNTO) - Ông bà ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Còn theo nhà Phật, “ái ngữ” chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ.
Mấy hôm nay, trong khi tình hình dịch bệnh căng thẳng với con số ca nhiễm được gọi là “kỷ lục” thì tin ca sĩ Phi Nhung qua đời góp thêm phần làm xôn xao cõi mạng. Ở thời điểm hiện tại, thêm một người qua đời vì Covid-19 là thêm một nỗi đau, mặc dù điều đó không còn là một thông tin thuộc loại hy hữu. Thật ra, nghệ sĩ được “khai tử” trên cõi mạng trong khi còn đang sống sờ sờ ra đó cũng không phải là chuyện chưa từng xảy ra.
Trước khi có một cõi khác cõi đời được mang tên là “cõi mạng” thì từ những tin đồn vượt sóng đại dương, các nghệ sĩ hải ngoại như Thành Được, Hùng Cường… đã chết không biết bao nhiêu lần trước khi các anh ấy chết thiệt. Gần đây nhất, tin ca sĩ Cẩm Vân, Thúy Nga, thậm chí MC Lại Văn Sâm, nghệ sĩ Hồng Vân… cũng từng bị "chết oan" trên mạng xã hội.
Nhưng đến khi tin qua đời được gán cho ca sĩ Phi Nhung thì nó đã trở thành trò đùa ác nghiệt. Ác nghiệt bởi vì nó dựa trên cái nền sự thật là Phi Nhung bị mắc Covid-19 trong khi đi làm từ thiện và bệnh tình trở nặng phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Trong bối cảnh như thế, tin Phi Nhung qua đời lập tức khiến người ta tin ngay đó là sự thật mà không kịp kiểm chứng. Sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú này đã khiến cả làng giải trí và khán giả bị một phen xôn xao.
Người Việt Nam chúng ta quan niệm phao tin một người đang sống nhưng đã chết được xem là lời nguyền rủa, và người Việt vốn rất kiêng kỵ lời nguyền rủa. Người ta ít thấy mình chịu tổn thương khi bị chửi bới, sỉ vả nhưng dễ bị ám ảnh bởi lời nguyền rủa. Cho nên những chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội mấy ngày qua kiểu như: Ca sĩ Phi Nhung vừa qua đời; Xin chia buồn với gia đình ca sĩ Phi Nhung; Chị Phi Nhung ơi, em không tin là sự thật, R.I.P chị; Trời ơi chị Phi Nhung ơi, sao chị lại mất rồi… làm cho khán giả mộ điệu, bạn bè và người thân, nhất là con gái Phi Nhung, rất đau lòng.
Cũng có thể do một số người không vừa lòng, thậm chí oán ghét Phi Nhung vì bất đồng một quan điểm, một lối sống nào đó; với một số người có thể đơn giản hơn, chẳng qua chỉ muốn chứng tỏ bản thân có được nguồn tin nóng nhất, sốt dẻo nhất, thậm chí để câu view, câu like… thế thôi.
Nhưng cho dù vì lý do gì thì khi đưa ra một thông tin, nhất là khi thông tin đó liên quan đến mạng sống con người, làm tổn thương và chạm đến nỗi đau của người khác, bạn nên chắc chắn đó là sự thật và thái độ cùng lời lẽ đưa tin cũng nên cẩn trọng, chừng mực.
Ông bà ta có dạy: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong cuộc sống, lời nói rất quan trọng. Nó là công cụ giao tiếp không thể thiếu giữa con người với con người. Lời nói đúng và đẹp biểu lộ tính cách, phẩm chất đạo đức của người nói, dễ dàng thuyết phục và cảm hóa người nghe.
Lời nói mang tính lừa dối, ly gián, thêu dệt, cay nghiệt, ganh tỵ, độc ác, đơm đặt, không đúng chỗ, đúng lúc làm hạ thấp phẩm cách con người, dễ bị người khác chê bai và khinh thường. Lời nói ác ý, mưu mô ám hại người khác có khi còn khiến chủ nhân của nó mang họa vào thân mà không lường tới. Đó là những trường hợp phao tin giả gần đây đã bị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc.
Trong đời sống hàng ngày, nói “cho vừa lòng nhau” không phải khó, ai cũng làm được. Trước hết, khi nói, nhất là những lời nói mang tính chất thông tin, cần phải thật chính xác và khách quan. Những lời nói mang ý nghĩa giao tiếp chia sẻ trong đời sống cần nhất sự chân thành, lòng khoan dung độ lượng…Bên cạnh ngôn ngữ trong sáng nhẹ nhàng còn cần thái độ, giọng điệu từ tốn… Vì thế trong ngôn ngữ mua bán, người ta coi trọng nói làm sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Còn trong lời dạy của tiền nhân không thể không nhớ câu “trước khi nói, nên “uốn lưỡi bảy lần”.
Trong thực tế, cũng có nhiều người tự bào chữa: "Do tính tình bộc trực, khẳng khái có phần nóng nảy nên ăn nói đao to búa lớn thế thôi chứ thật ra không có ác ý". Có thể là không ác ý thật nhưng khi lời nói của bạn làm tổn thương, gây đau khổ, bất lợi, thậm chí là sự khó chịu cho người khác, bạn cũng nên tránh.
Một từ ngữ mang hơi hướm tâm linh mà các bạn trẻ ngày nay hay sử dụng để chỉ hành vi này, đó là “Khẩu nghiệp”. Xin mượn mấy câu thơ chợt nhìn thấy trên bức tranh thư pháp để kết thúc cho bài viết này: "Lời nói không là dao/Mà cắt lòng đau nhói/Lời nói không là khói/Mà mắt lại cay cay/ Lời nói không là mây/Mà đưa ta xa mãi/Sao không ngồi nghĩ lại/Nói với nhau nhẹ nhàng".