Đi chợ online trong thời đại dịch
(DNTO) - Việc đi chợ online trong thời đại dịch là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời các bà nội trợ. Bên cạnh không ít câu chuyện dở khóc dở cười, những giá trị đạo đức trong việc bán buôn cũng được thay đổi, sắp xếp lại.
Tuân theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hạn chế ra đường để tránh lây lan dịch bệnh, đi chợ online là chọn lựa của hầu hết chị em nội trợ. Khi xảy ra hiện tượng quá tải khiến chuỗi siêu thị, các cửa hàng tiện ích không đáp ứng được đơn hàng của khách thì các chợ online tự phát kiểu “Chợ online quận abcd…” nở ra rầm rộ.
Nhiều mặt hàng phong phú thượng vàng hạ cám không thiếu thứ gì được giới thiệu hàng ngày kèm theo giá cả minh bạch giúp giải tỏa phần lớn nỗi lo khan hiếm hàng hóa lương thực thực phẩm, kể cả các món “ăn chơi”. Nhưng đồng thời cũng mang đến cho chị em một thử thách không nhỏ, nhất là với những người còn hạn chế khả năng sử dụng công nghệ.
Lợi ích lớn nhất của hình thức đi chợ online trong mùa dịch trước hết là an toàn cho sức khỏe, không lo mang virus từ đám đông về nhà. Đi chợ online không lệ thuộc nắng mưa; bất kể sớm, trưa, chiều, tối; không cần đánh quần đánh áo, tô son trát phấn; không phải mỏi chân đi lui đi tới; ngồi đứng trườn bò gì cũng được, còn thêm cái lợi không tốn xăng xe…
Tất nhiên, so với đi chợ truyền thống hoặc siêu thị, dạo chợ online cũng có một số hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất là “mua trâu vẽ bóng” mà trình độ “vẽ bóng” của smarphone thời đại 4.0 là cực kỳ lợi hại. “Ảnh Hằng Nga hàng ra Thị Nở” khiến nhiều chị em dở khóc dở cười. Hạn chế tiếp theo là phải động não vận dụng tối đa khả năng phán đoán, chọn lựa, tổng hợp, so sánh… làm sao để tìm được điểm nào bán tương đối đủ các loại hình vừa thịt cá, hải sản, rau quả, trái cây... ở vị trí, cự ly gần nhất, như vậy mới đỡ tốn tiền ship lại hạn chế giao nhận nhiều lần.
Những trải nghiệm đi chợ online mùa dịch kể trên thật ra chỉ là những khác biệt về hành vi. Còn có một thứ rất quan trọng mà không phải ai cũng nhận ra. Đó chính là sự sắp xếp lại giá trị “đạo đức thương mại” trong cách thức “buôn phường bán chợ” lâu nay theo quan niệm dân gian: Nói thách, cân thiếu, trộn hàng…
Thú thật, khi chấp nhận hình thức đi chợ online tự phát, tôi đã đánh cược niềm tin của mình vì sức khỏe và vì sự tuân thủ chỉ thị của Chính phủ, góp phần phòng, chống dịch bệnh. Thời gian đầu khi gửi đơn hàng đi, tôi rất hồi hộp về chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Để triệt để giữ an toàn, khi nhận điện thoại của người vận chuyển báo rằng hàng sắp giao tới, tôi sẽ đem tiền để sẵn trên một cái ghế bên ngoài cổng nhà. Hàng hóa, kèm theo tiền thối nếu có, cũng sẽ được để ngoài cổng. Sau đó, khi shipper đi rồi, 10 đến 15 phút sau, tôi mới ra xịt cồn sát khuẩn và mang vào nhà.
Với cách giao nhận hàng như thế, thực tế người bán có đề nghị kiểm tra trước khi nhận hàng cũng không làm sao thực hiện được, nếu bị bên bán hàng lợi dụng mùa dịch để bắt chẹt người tiêu dùng; giao hàng kém chất lượng hoặc cân thiếu hay tính sai tiền, tôi cũng không có cách nào khác là ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nhưng may mắn trong suốt hai tháng qua, tôi không lần nào gặp “sự cố”. Chẳng những thế, nhiều nơi sau khi giao hàng còn nhắn tin hỏi thăm khách có vừa ý không, có đóng góp ý kiến gì không, và mời ủng hộ lần sau, thậm chí còn được chúc ăn ngon, ngủ ngon… như một hình thức chăm sóc khách hậu mãi rất chuyên nghiệp và văn minh.
Nhanh chóng, gọn nhẹ, kịp thời cũng là một điểm cộng thêm cho các chợ online thời Covid mà bản thân tôi đã trải nghiệm và tin rằng cũng có rất nhiều chị em nội trợ nhận thấy như mình.
Có thể trong cơn khốc liệt của dịch bệnh, người ta cảm nhận được sự vô thường của cuộc sống; có thể trong cơn hoạn nạn hiểm nguy, phần thiện lương trong mỗi con người mới bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất… nhưng cho dù vì lẽ gì, chúng ta cũng rất mong những chuẩn mực đạo đức thương mãi như thế sẽ phát huy bền vững trong cuộc sống, để xã hội ta ngày càng văn minh, tốt đẹp, xóa đi trong dân gian định kiến về giới “bạn hàng”, thậm chí loại “hàng tôm hàng cá”.