Hãy để màu xanh áo lính 'nảy mầm' những yêu thương
(DNTO) - Hôm nay, khi thành phố bắt đầu phủ xanh màu áo lính, người dân Sài Gòn lại tíu tít truyền nhau những niềm tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mình có thói quen ngắm nhìn thành phố vào đêm muộn. Nhìn cả ngày dài thành phố đương đầu với cơn đại dịch bằng tâm thế điềm tĩnh và trân trọng hết thảy những gì tuyến đầu đang tận hiến. Phải nói rằng, đó là một sự tận hiến không hề nao núng, một cuộc trường kì dập dịch mà hồi kết chưa thể đoán định chắc chắn vào lúc nào. Hôm nay, khi thành phố bắt đầu phủ xanh màu áo lính, dân Sài Gòn lại tíu tít truyền nhau những niềm tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khắc sâu vào tâm khảm người dân thành phố, chính là những hình ảnh gian truân nhưng chẳng nề hà của những người lính qua bao biến thiên của thời cuộc. Quả thật, người Sài Gòn cũng ít phân biệt được đâu là lính của Quân khu nào, của sư đoàn nào, thậm chí lính từ đâu điều đến. Ngay khi chúng mình nói chuyện với nhau, cũng chỉ biết hơn 1.000 lính từ Học viện quân y ngoài phía Bắc đã vào, hơn 2.000 lính từ Tây Ninh đổ về, rồi lính từ trung đoàn Gia Định, lính của Quân đoàn 4 cũng góp mặt... Chỉ biết, cứ thấy màu xanh là gọi bộ đội. Thấy ai lớn tuổi gọi anh bộ đội, thấy ai trẻ hơn thì là chú bộ đội. Cứ mặc nhiên tất cả đều là bộ đội chẳng phân biệt từ đâu.
Chỉ gói gọn một ý niệm, họ tề tựu về mảnh đất này, là chung lòng cùng Sài Gòn đi qua thời khắc nguy nan khôn lường này. Là thương bộ đội, là quý người lính.
Ngay từ khuya hôm qua, đã thấy các tài khoản mạng khoe nhau khu phố mình đã có bộ đội về. Sáng sớm đã có nghe bạn bè bên Phú Nhuận bảo có phát loa thông báo hỗ trợ từ Quân khu 7. Bên quận 3 thì bảo lính đang tập hợp từ đầu hẻm, có thấy xe quà. Phía quận 5 thì í ới khoe lính về đến phường rồi, đang dàn quân xuống từng ngõ hẻm. Rồi thì Bình Thạnh bảo xóm Bà Chiểu các chú quân y đang triển khai test nhanh. Chỉ 6 chú bộ đội mà làm việc nhịp nhàng lại rất nhỏ nhẹ.
Đâu đâu cũng nghe khoe được những người lính động viên "bà con yên tâm". Thì dân Sài Gòn yên tâm thiệt. Hễ nghe hai tiếng "bà con" là thấy cái nghĩa đồng bào nó dâng tràn cảm xúc trong lúc này đây. Lúc mà quả thật phải nhìn nhận thẳng thắn, thành phố này đang điêu đứng. Con số hàng ngàn ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu ngừng. Bà chị bên Bình Thạnh bảo mấy anh lính quân y phát thuốc và căn dặn kĩ càng các ca nhiễm nhẹ, lại cho hẳn số điện thoại của trực ban y tế 24/24. Nghe vậy thôi mà nhẹ lòng, mà an tâm, dẫu biết trăm ngàn ca nhiễm đang điều trị tại nhà, nhưng lâu lắm rồi mới có những sự chu đáo như vậy. Xóm nghèo chợ Bà Chiểu nay được phát quà, phát rau.
Hay như bên Tân Phú, len lỏi vào tận các hẻm trọ sâu với số nhà xuyệt năm bảy vạch, mấy anh lính đẩy xe hàng trao tận tay những hộ phong tỏa, và xóm trọ lao động nhập cư đang thấp thỏm trong cơn đói. Ngay cả những quận nội thành như Q3, Q5, Q10 thiên hạ vẫn kháo nhau "thấy bộ đội về tới hẻm rồi nhen!". Đó chỉ bấy nhiêu thôi là thấy sự trân quí của người Sài Gòn dành cho bộ đội. Ngay từ khi thông tin có sự tiếp ứng kiểm soát từ quân đội, nhiều người Sài Gòn vẫn nhắn tin nhau bảo phải vậy thì an tâm. Suy cho cùng với 3 tháng ròng rã, nói thiệt tuyến đầu cũng mỏi mòn.
Bạn bè mình làm trong tuyến đầu nhiều, có đứa đi hun hút tròn 3 tháng chẳng về nhà. Thoảng khi mình nhắn tin hỏi thăm có đứa thành F0, có đứa F1. Những đứa không bị dính bệnh thì lao đầu vào công việc miệt mài, tin nhắn đôi khi 2 hoặc 3 ngày mới nhận được trả lời. Công việc quá nhiều, chỉ còn đúng thời gian ăn ngủ. Mà ăn vội, ngủ chập chờn. Có việc thì lại xốc mình dậy mà chạy miệt mài. Còn sức là còn làm. Vậy nên, mình hiểu ngay thời điểm này, màu áo xanh lá phủ kín thành phố đó chính là thời khắc quan trọng nhất, không chỉ là sự tiếp ứng, mà còn là một cuộc đánh lớn, cuộc đánh tổng lực với mục tiêu dứt điểm. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của hầu hết người dân thành phố.
Ngày đầu tiên các anh lính xuất trận, mật độ giao thông của thành phố giảm 85% so với bình thường. Các chốt được khóa chặt và kiểm soát gắt gao hơn. Đường phố đúng nghĩa giãn cách và rõ ràng là một cuộc "phong thành" như tụi mình hay nói với nhau. Hình ảnh về đường phố Sài Gòn trong ngày đầu được hầu hết mọi người tiếp nhận trong tâm thế "ưng lòng". Các bài toán hỗ trợ người dân đi chợ được hoàn thành trong ngày đầu còn nhiều điểm hơi lóng ngóng, nhưng thiết nghĩ sự vận hành nào ban đầu cũng sẽ có phần cập rập.
Tuy vậy, thành phố với hơn 10 triệu dân còn đang bám trụ sẽ phần nào nhịp nhàng, quy củ hơn vào những ngày tiếp theo của công tác hỗ trợ người nghèo, và đi chợ giúp các khu vực. Chỉ mới ngày đầu nhưng nhiều hình ảnh về các anh lính áo xanh đã khiến dân Sài Gòn hồ hởi "thương quá chừng". Bởi ai cũng biết, từ trong môi trường quân ngũ, giờ đi ra ngoài xã hội để giúp dân đương đầu với cơn dịch, là một sự dịch chuyển công tác mà chẳng phải chuyên môn hay nhuần nhuyễn được. Chuyện chuyển hàng hay chợ búa nào phải là chuyên môn của quân đội. Nhưng lúc này, họ tận lực làm các công đoạn này cho dân là để giảm thiểu mối nguy hiểm dính bệnh cho người dân. Giảm đi chuyện tụ tập dễ dàng lây nhiễm chéo.
Thậm chí, họ phải chia ca ngày đêm canh gác để trợ lực cho thành phố kiểm soát dịch. Nhiều lắm những công việc mà sự có mặt của họ giúp cho tuyến đầu đỡ đuối sức. Tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân ít ỏi lợi dụng hình ảnh của những anh lính áo xanh mà truyền đi những thông điệp không tích cực. Ngay trong nhóm chat của mình ngày hôm nay cũng xảy ra những quan điểm bất đồng khi ai đó lợi dụng hình ảnh các anh lính để làm nổi quan điểm cá nhân của mình lên, cố tình dựng lên những luận điệu cũ rích để lập lờ và đánh tráo sự tích cực của chiến dịch giúp dân này. Thật ra, chẳng có một ai vui vẻ gì khi thành phố chúng ta đang hàng ngày lo âu với sự tàn phá của cơn dịch. Số lượng nhiễm, số ca chết, những con đường giăng dây, những chiếc xe cấp cứu lao đi với tiếng còi hụ, và những mảnh đời túng cùng đói kém.
Chúng ta vẫn còn hiện hữu nơi đây, đó đã là một điều may mắn. Nên khắc giây này, cần lan tỏa một tinh thần tích cực, cần chia sẻ những điều tử tế và hơn hết là trao nhau một niềm tin sống còn. Đó mới là điều nên làm thời khắc này.
Khi chúng ta còn đàng hoàng ăn ngủ và nói cười thì ngoài kia biết bao nhiêu con người đang rã rời suốt 3 tháng chống dịch. Một người bạn tôi vì mỗi ngày 3 lần xịt cồn khắp người để làm việc trong khu điều trị của bệnh viện dã chiến Cần Giờ mà tóc rụng rất nhiều. Một người bạn khác, tình nguyện viên rong ruổi trong kíp tiêm vaccine đến nay đã 2 tháng. Chích ngày, chích đêm. Đêm nào không chích thì lại đến các bệnh viện thu dung mà trực hỗ trợ. Suốt thời gian ấy chưa một lần về nhà để ăn bữa cơm gia đình với mẹ. Gia đình bạn đơn chiếc chỉ mẹ và con.
Trong những tin nhắn cùng nhau, bạn hay thở dài với một nỗi lo, lỡ mẹ bạn có gì... liệu bạn có về được? Rất nhiều cuộc ly biệt mùa dịch này mà tuyến đầu vẫn chịu tang tại nơi trực chiến chứ không kịp về nhìn người thân lần cuối. Có chăng là nhìn chiếc quan tài lạnh lẽo tiêu sơ qua màn hình trực tuyến của điện thoại.
Vậy nên thời khắc này, đừng hoài nghi vào họ, những người đang đứng nơi tuyến đầu, bởi với họ ngày về chưa bao giờ hiện hữu trong đầu. Với họ, chuyện nhiễm bệnh là đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng rồi. Nghĩa đồng bào thời khắc này chính là sự chung lòng cùng nhau, đừng để bất cứ một ý niệm nào làm phai phôi đi tấm lòng ấy. Từ giãn cách đến phong thành và rồi giới nghiêm, cho đến bây giờ là sự vào cuộc quyết liệt của những chiếc áo màu xanh lá này, tin rằng những ai đang sống ở Sài Gòn thời khắc này đều hiểu được tầm quan trọng của người lính.
Đừng đặt thêm nhiều câu hỏi vô nghĩa với họ. Mình tin rằng, những anh lính chẳng quan tâm hay trả lời đâu. Họ cứ cắm cúi làm phần việc của họ. Họ cứ im lặng mà hoàn thành các mục tiêu được đặt ra. Bởi họ là lính, câu trả lời của họ chính là hành động. Họ đã đến với Sài Gòn vào chính lúc chúng ta cần nhất, và rồi họ sẽ đi khi thành phố bình yên với nhịp sống hối hả lệ thường. Họ vẫn sống một cuộc sống xanh lành như thế. Bao biến thiên của thời cuộc, bao phải trái của nghĩ suy, những người lính cũng chỉ lặng im mà kí thác những hạt mầm yêu thương trên những chặng đường họ đi qua. Từ ấy cho đến mãi về sau, đời sẽ tự khắc ghi!
SG 23/8/2021
Nhà văn Tống Phước Bảo