Không trả bình oxy sau khi được cấp cứu: Sự tàn nhẫn, độc ác của lòng tham
(DNTO) - Nhiều bệnh nhân điều trị tại nhà rất cần bình oxy để hỗ trợ việc thở. Bên cạnh ngành y tế, các tổ chức thiện nguyện cũng tham gia cung cấp miễn phí bình oxy đến tận nhà, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy cấp. Nhưng thật đáng buồn, sau khi bình phục, một số người đã giữ luôn vỏ bình, không trả lại.
Liên tiếp những ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều đội thiện nguyện đã chia sẻ thông tin “cầu cứu” xin trả lại bình oxy. Mới đây, nghệ sĩ Việt Hương đã phải đích thân lên tiếng về việc này. Trong livestream, nghệ sĩ Việt Hương cầm bộ van gõ vào thân bình tạo ra tiếng kêu bong bong và nói, trước khi đem bán vỏ bình, bà con nên gõ vầy nè, nghe giống tiếng chuông chùa, để thức tỉnh mà trả vỏ bình lại cho Việt Hương. Nhìn thoáng qua, sẽ thấy hình ảnh trên mang tính chất hài hước nhưng từ trong sâu xa, nó nói lên rất nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CEO Công ty Vũ Trụ Xanh, thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, người đề xuất hội thành lập Chương trình ATM Oxy cho biết, hiện con số bình oxy còn đang “bị kẹt” lại trong cộng đồng của chương trình là 500/1.500 bình. Nhiều người sức khỏe đã hồi phục tốt, không cần dùng tới oxy nữa nhưng họ vẫn không chịu trả bình.
Tương tự, bác sĩ Võ Xuân Sơn, người đang trực tiếp điều hành hoạt động thiện nguyện “Oxy cho sự sống” chia sẻ, có một số đối tượng lợi dụng lòng tốt của hoạt động thiện nguyện chiếm đoạt bình oxy rồi mang đi bán lại cho bệnh nhân khác.
Muốn “lấy của người làm của riêng mình” là một tật xấu xuất phát từ lòng tham của con người. Tật xấu này thường được ngụy biện bằng những lý lẽ đại loại như “chuột chạy cùng sào", "chó cùng rứt giậu".
Thực tế, lòng tham là một thói xấu không liên quan tới sự giàu nghèo. Chứng minh cho điều này, trên mạng xã hội từng xuất hiện những clip quay lại cảnh nhiều vụ ngang nhiên trộm cây cảnh, chó mèo ngoài đường phố mà “thủ phạm” là những người ăn mặc sang trọng, bước ra từ những chiếc xe hơi bóng lộn. Người thì trộm chú chó đang nằm chơi trước sân nhà; người thì bứng trộm cây chuối pháo đang trổ bông rực rỡ trồng ở bồn hoa ven đường; người thì bê một chậu hoa đẹp trước nhà người khác. Cũng từ thói quen xấu thích "lấy của người làm của mình”, nhiều lễ hội hoa đã biến thành “lễ hội cướp hoa” dung tục.
Luận về lòng tham của con người là một đề tài nói bao nhiêu cũng không hết. Nhưng những hành vi tham lam, vơ vét, lấy của chung làm của riêng trong hoàn cảnh toàn dân đang ra sức gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 như hiện nay là đồng nghĩa với tội ác, đáng lên án và không thể chấp nhận.
Lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tấm lòng thiện nguyện của bà con, nhiều người sẵn sàng “luồn lách” để được cấp phát nhiều phần quà cứu trợ về dự trữ trong khi lẽ ra nên nhường cho các gia đình khó khăn hơn mình. Nhiều người “chen lấn” đi nhận quà dù gia cảnh không đến nỗi khó khăn… là chuyện có thật.
Nhưng đến mức chiếm đoạt cả vỏ bình oxy người ta mang đến để cứu mạng mình thì cực kỳ tàn nhẫn. Hành vi này không khác gì gián tiếp tước đi quyền sống của nhiều bệnh nhân khác. Nó tạo nên sự khan hiếm bình oxy trên thị trường. Nó làm hao hụt ngân sách chống dịch của Chính phủ, làm thất thoát một khoản tiền rất lớn của các tổ chức thiện nguyện quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm mà đáng lý họ sẽ giúp được cho nhiều người bệnh có thêm cơ hội sống.
Chiếm đoạt luôn vỏ bình oxy sau khi đã được cứu sống còn là một hành vi phản bội lại công lao của các nhân viên y tế và tình nguyện viên. Những người có tấm lòng nhân đạo, xem tiếng cầu cứu của gia đình bệnh nhân là mệnh lệnh của trái tim mình đã bất kể ngày đêm, bất kể mưa nắng, bất kể vác nặng luồn lách trong những con hẻm sâu hun hút chật hẹp, tất tả chạy đua với thời gian để tiếp ứng kịp thời oxy, giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
Muốn không mất chậu hoa đẹp, người ta sẽ dùng dây xích sắt, xích chặt nó vào tường, nhưng muốn không đánh mất lòng nhân ái, thiện lương, trong hoàn cảnh này, những ai khi có ý định giữ lại một chiếc bình oxy để bán, thu về 500 ngàn đồng hãy dành một chút thời gian suy nghĩ: Khi không thở được, các cô bác, anh chị đã tuyệt vọng ra sao, cần được cứu giúp như thế nào… thì nhiều người bệnh khác trong tình trạng thiếu oxy để thở, họ cũng tuyệt vọng, đau đớn, cũng sợ hãi và cần được cấp cứu như thế.
Hãy trả lại vỏ bình oxy sau khi dùng xong để cứu sống người khác, đó là lòng nhân đạo, là sự trả ơn, là tiếng nói của nhân tâm.