Bệnh nhân Covid-19 rất cần được nâng đỡ tinh thần bằng tình yêu thương
(DNTO) - Bệnh nhân Covid-19 cũng như các bệnh nhân thông thường khác, sự nâng đỡ tinh thần và tình yêu thương có ý nghĩa rất đặc biệt đối với họ.
Do tập quán, ở nước ta lâu nay cứ hễ một người nằm viện là có thêm một người “nuôi” bệnh. Về mặt tinh thần và tâm lý bệnh nhân thì những người “bạn đồng hành” này góp phần không ít giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật một cách nhẹ nhàng hơn.
Nâng đỡ tinh thần cho người bệnh là một liệu pháp không thể thiếu trong y học. “Đi tìm thuốc” trong âm nhạc, thi ca, hội họa là những “bài thuốc chữa bệnh tâm hồn” mà cố Bác sĩ Trương Thìn đã tận tâm nghiên cứu và áp dụng trong cách chữa trị cho bệnh nhân của mình.
Nâng đỡ tinh thần cho người bệnh còn là việc mang lại tình thương yêu để xoa dịu nỗi đau và sự cô độc trong những ngày người bệnh trải qua sự hành hạ đau đớn của bệnh tật.
Nhưng điều này không thể áp dụng với căn bệnh Covid-19 bởi sự lây lan vô cùng khốc liệt của nó. Tách F0 là cách để hạn chế lây lan. Tách F0 đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải một mình, một mình trong khu cách ly, một mình chống chọi với bệnh tật trong bệnh viện, và nếu xảy ra trường hợp không may thì họ cũng sẽ một mình giã từ cuộc sống mà không có người thân bên cạnh.
Về bệnh lý, sự cô độc ấy ảnh hưởng như thế nào lên bệnh tình của bệnh nhân? Điều này thuộc về một đề tài khác với những người có chuyên môn. Riêng tôi, đã từng trải qua mấy lần thấp thỏm chờ đợi em tôi ngoài phòng mổ, nhiều lần lê la trước cửa phòng hồi sức đếm thời gian chờ má chồng tôi được đẩy ra ngoài, từng nhiều ngày ăn ngủ trong bệnh viện khi ba tôi lâm trọng bệnh. Với tâm thế của một người nuôi bệnh, tôi hiểu rõ sự nâng đỡ tinh thần và tình yêu thương có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người bệnh.
Sài Gòn rơi vào tâm dịch trong thời gian qua đã khiến số người nhiễm bệnh tăng đột ngột, các bệnh viện quá tải dẫn đến tình trạng F0 phải tự cách ly điều trị ở nhà. Tôi tin ngoài việc người dân đã hiểu biết nhiều hơn về dịch bệnh, việc được ở tại nhà mình khiến họ cảm thấy thoải mái tự tin hơn…, thì sự nâng đỡ tinh thần và tình yêu thương của người thân trong khi vật lộn với Covid-19 đã giúp nhiều bệnh nhân nhanh chóng bình phục.
Một phụ nữ mắc Covid-19 nhập viện. Người chồng xin vào chăm sóc vợ vì không nỡ để vợ một mình, trong khi cô ấy rất cần có người lau mát khi lên cơn sốt; cần có người hỗ trợ cử động chân tay giúp máu huyết lưu thông, tránh việc đông máu; cần người dỗ dành ăn uống để đủ chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng trong khi cô ấy không thể nuốt nổi những thứ đồ ăn không có mùi vị; cần có người dìu đi nhà vệ sinh khi sức lực suy kiệt…
Trong tình trạng bệnh viện quá tải, thiếu trầm trọng nhân viên y tế, tất cả những việc như vậy khó bề được giúp đỡ một cách chu đáo. Nghe anh chồng trình bày, sau một hồi trấn an, bác sĩ đồng ý. Tất nhiên, người chồng sau đó cũng trở thành F0. Nhưng sau 20 ngày chiến đấu, cả hai đã âm tính, khỏe mạnh, xuất viện về nhà.
Trên đây là câu chuyện được lan truyền trên mạng mấy ngày vừa qua với thông điệp: “Đừng để F0 một mình chống chọi với bệnh tật”. Không biết mức độ đúng sai ra sao, nhưng đây là một câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm.
Còn bây giờ là câu chuyện của nhà tôi. Con trai tôi gần 30 tuổi, khỏe mạnh vạm vỡ, bỗng một đêm nó tiêu chảy liên tục và sốt li bì trong khi vừa “nghe đồn” cơ quan nó có F0. Giữa cơn Sài Gòn đang bùng dịch, nỗi sợ hãi trong tôi như một cái bong bóng bơm lố tay, căng cứng, chực nổ tung. Là đứa có chính kiến, có suy nghĩ độc lập, mạnh mẽ là vậy, trong phút chốc con trai tôi nhăn nhúm như con mèo ướt, mẹ bảo gì cũng làm, nói gì cũng nghe.
Việc đầu tiên là test kiểm tra, kết quả ban đầu cho ra âm tính. Nhưng nó vẫn không chủ quan. Nó “tuyệt giao” với tôi, bảo chờ sang ngày thứ ba test lại đã. Tâm trạng nặng nề nhất của con tôi khi đó là sự dằn vặt, nếu như mình mắc bệnh mẹ sẽ bị liên lụy…
Tôi đọc được điều này trong lời nói, hành động, ánh mắt của con tôi. Tối đó, tôi chat zalo với con trai. Tôi nói rằng, mình là mẹ con, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Mẹ đã xác định, nếu không may con mắc bệnh thì mẹ cũng sẽ bệnh vì không thể khác. Mẹ không sợ. Rất nhiều người mẹ mạnh khỏe vẫn theo chăm sóc con trong bệnh viện mà vẫn không bị nhiễm nếu biết bảo vệ đúng cách. Nhưng cho dù có chết vì con cũng không bà mẹ nào sợ hãi.
Tôi nghe tiếng con thở ra nhè nhẹ, gánh nặng tâm lý oằn nặng trước đó như được trút bỏ. Nó nói, thôi mẹ ngủ đi con không sao.
Con trai tôi trải qua ba ngày vật vã vì rối loạn tiêu hóa phải ra sức bù nước và hạ sốt. Cẩn thận, tôi vẫn chăm sóc con theo kiểu “cách ly Covid”. Nhưng tâm trạng nó đã thoải mái, vui vẻ và nhanh chóng khỏe lại. Kết quả test lần ba vẫn là âm tính. Thế là mọi chuyện trôi qua nhẹ nhàng.
Sau này con tôi kể lại, vì câu mẹ nói “Mẹ không sợ” khiến con thoát khỏi tâm lý là người có lỗi nên con cũng không sợ. Nó vẫn chưa biết, thật ra khi nói câu đó tôi… rất sợ. Có điều tôi xác định, con tôi đang bệnh (ơn trời, không phải mắc Covid-19), nó cần điểm tựa tinh thần và tình thương yêu để vượt qua sự sợ hãi.