Ở một nơi họ xứng đáng được gọi là những thiên thần
(DNTO) - “Ranh giới” vừa trình chiếu trên VTV1 tối 8/9, lập tức được sự quan tâm chia sẻ rộng rãi của cộng đồng mạng bởi sự chân thật sống động và tràn đầy cảm xúc. Ở đó, sự hy sinh và tấm lòng yêu thương vô bờ bến của đội ngũ y, bác sĩ khiến họ xứng đáng được gọi là những thiên thần.
Bối cảnh của bộ phim là dãy nhà Cát Tường của Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, nay biến thành khu K1 - nơi điều trị cho các sản phụ bị mắc Covid-19.
Với những hình ảnh, lời nói, âm thanh được ghi trực tiếp từ hiện trường, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã cho chúng ta nhìn thấy một cách chân thật đến nghẹt thở những gì diễn ra tại khu điều trị K1, nơi mà các y, bác sĩ đang phải làm việc đến cạn kiệt sức mình để giành lại sự sống cho các thai phụ mắc Covid-19.
Điều đặc biệt mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất ở đây chính là, người bệnh đang chiến đấu hoàn toàn đơn độc. Không chỉ giành lại sự sống cho mình, mà họ còn cố vượt qua lưỡi hái thần chết để giữ lại đứa con trong bụng. Trong khi các y, bác sĩ thì ý thức và xác định rất rõ trách nhiệm của họ cần được nâng cao gấp hai lần so với điều trị cho người bình thường. Bởi ở đây, một case không qua khỏi sẽ mất đến hai mạng người. Điều đó đặt lên vai các y bác sĩ một gánh nặng ngàn cân. Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, lời hiệu triệu của vị Giám đốc bệnh viện như mệnh lệnh của trái tim: “Chúng ta có gươm dùng gươm, có súng dùng súng, có dao dùng dao…”.
Và họ đã làm đúng tinh thần như thế. Sự hy sinh vô cùng và tấm lòng yêu thương vô bờ bến là những điều chúng ta cảm nhận rõ rệt nhất ở đội ngũ y, bác sĩ ở khu K1 Bệnh viện Hùng Vương trong thước phim này.
Khác với các bác sĩ ở các chuyên khoa khác. Ở bệnh viện phụ sản, mỗi thiên thần áo trắng mang trong người sứ mệnh và tình yêu thương của một người mẹ thật thụ. Không phải “như từ mẫu”, họ là từ mẫu. Mỗi khi một sinh linh được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, được cất lên những âm thanh cuộc sống thì lúc ấy, trong lồng ngực của người chiến binh áo trắng, trái tim họ đang đập nhịp của tình mẫu tử.
Ngày thường đã vậy. Trong cuộc chiến đấu sinh tử giành lại sự sống cho những thai sản phụ mắc Covid-19, họ phải yêu thương, phải hy sinh gấp mấy trăm phần trăm sức lực và vốn liếng tình yêu sẵn có để hoàn thành nhiệm vụ. Những nỗ lực phi thường và tấm lòng "từ mẫu" ấy trước khi mắt thấy tai nghe, không ai có thể tưởng tượng nổi.
“Ranh giới” không cần thuyết minh, không cần diễn giải bằng những ngôn từ hoa mỹ. Chỉ có hình ảnh, âm thanh… Những tiếng chuông điện thoại réo liên tục, những cuộc gọi đi về như thoi đưa, những bước chân vội vã, những giọng nói gấp gáp hòa trong hơi thở hổn hển, những lời dỗ dành kiên trì nhẹ nhàng mà dứt khoát…, cả tiếng máy móc chạy rì rì cùng tiếng còi báo cấp cứu…, là những âm thanh ám ảnh người xem.
Ở đây không có khái niệm ngày và đêm. Không có “trên dưới”, “cao thấp”, không có “lính và sĩ quan”, không có “đẹp xấu”… Người ta phân biệt nhau bằng mấy chữ viết nguệch ngoạc đằng sau lưng áo. Tất cả các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên, tình nguyện viên đến anh thợ sửa điện nước…, họ đều bình đẳng nhau một cách tuyệt đối ở quyết tâm và ý chí cứu sống cho bằng được người bệnh.
Oxy và những chiếc bóng… Khi không có đủ máy thở, đó là thứ “đồ chơi sinh tử” mà đôi khi các y, bác sĩ phải bóp đến kiệt sức rã rời bằng 300% “thần công lực”. Vậy mà vẫn không tránh khỏi những lúc họ phải buông tay ra, không phải vì mệt, vì mỏi, không phải vì thua cuộc, mà vì con tim của thai phụ đã đánh rớt nhịp cuối cùng.
Đó là khoảnh khắc mà sự xót xa, đau thắt chúng ta dành cho người vừa ra đi và dành cho các y, bác sĩ là ngang nhau. Một bên là đôi mắt khép lại, nhịp tim rơi vào thinh không cùng đứa con chưa kịp chào đời, một bên là đôi mắt mở to, vô hồn, kiệt lực của một người mang tâm trạng thất bại, tiếc nuối.
Vậy mà vẫn còn có những khoảnh khắc còn ám ảnh hơn thế nữa. Đó là khoảnh khắc khi nhân viên y tế phải gọi điện thoại thông báo cho người nhà rằng các bác sĩ buộc phải lựa chọn bỏ thai nhi để cứu mẹ, hay báo tin cho người nhà về sự ra đi của người thân họ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn được an ủi, khi giữa ranh giới mong manh kia còn được nhìn thấy những thiên thần chào đời mang đến cho cuộc sống này biết bao hy vọng về một tương lai xán lạn.
Với những người may mắn còn giữ được an toàn trong cơn đại dịch, rất có thể không bao giờ chúng ta có thể hình dung ra cái nơi "trận mạc" đầy hủy diệt ấy. Ở đấy, cả bệnh nhân sắp bước qua lằn ranh tử biệt và cả những thiên thần đang cố níu họ trở về cõi sống đều xứng đáng được gọi là những chiến binh quả cảm. Họ ngang nhau về sự nỗ lực, ý chí kiên cường, không bỏ cuộc đến giây phút sau cùng. Nhưng các y, bác sĩ còn vượt trội hơn ở sự lựa chọn an toàn hay nguy hiểm, sum họp hay chia ly, an nhàn bản thân hay xông pha trận mạc...
Trước khi "Ranh giới" được trình chiếu, chúng ta biết đến sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch bằng cảm nhận của trí tưởng tượng của tai nghe chuyện kể, đã cảm phục và ngưỡng mộ lắm rồi. Nhưng đến khi được tận mắt, tận tai nhìn thấy những gì mà "Ranh giới" trình diễn, chúng ta mới cảm nhận hết được sự hy sinh của họ.
Mới hay, yêu thương người xa lạ như người thân của mình, không màn vất vả hiểm nguy để cứu sống người khác, đối đãi với bệnh nhân bằng tấm lòng thương yêu, độ lượng… chính là y đức. Trong đại dịch Covid-19, y đức của những thiên thần áo trắng của chúng ta không có gì để bàn cãi.