'Ranh giới': Rơi nước mắt cùng những thước phim chân thực đầy ám ảnh
(DNTO) - Tối 8/9, bộ phim VTV đặc biệt "Ranh giới", được phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam, đã gây chấn động khán giả về những hình ảnh chân thực đầy ám ảnh với hành trình chiến đấu giúp các bệnh nhân là sản phụ bị mắc Covid-19 thoát khỏi ranh giới sinh tử.
Bộ phim với thời lượng 50 phút, được thể hiện bằng hình ảnh và những âm thanh chân thực, không lời bình, ghi lại khung cảnh khu K1 Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM, nơi điều trị cho những sản phụ mắc Covid-19. Cuộc chiến tại tâm dịch được chuyển tải đến người xem, cho thấy độ khốc liệt, ám ảnh dù "kẻ thù" không xuất hiện, nhưng sự mất mát, đau đớn và sự hy sinh là có thật với đầy đủ những cung bậc, khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt.
Theo số liệu từ các đơn vị chức năng, tính từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, khu K1, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19. Các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn để giữ lấy sinh mạng cho cả hai người - mẹ và những hài nhi bé bỏng.
Những khung hình trắng toát của đồ bảo hộ, của giường bệnh bao trùm không gian khiến người xem nín thở, bởi xung quanh những âm thanh gấp gáp của tiếng gọi bác sĩ, tiếng điện thoại cầu cứu, âm thanh của các thiết bị y tế ..., là thực tế trần trụi mà ai cũng cảm nhận suốt 50 phút phim thể hiện.
Trong bối cảnh đó, hình ảnh những người thầy thuốc đã trở thành điểm tựa tinh thần tuyệt đối cho những bệnh nhân. Không chỉ có niềm tin vào các y bác sĩ từ chuyên môn, mà với các bệnh nhân, họ cũng chính là những người gần gũi, giúp đỡ thương yêu, giúp bệnh nhân vượt qua những nguy hiểm khôn lường từ con virus giết người.
Hình ảnh những y bác sĩ, hộ lý, y tá không còn ý niệm về thời gian, quên đi nỗi sợ tử thần, không có giấc ngủ yên, bất kể giờ giấc luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân, cho thấy không còn ranh giới giữa bệnh nhân và bác sĩ. Trong hoàn cảnh các bệnh nhân hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến, không có người nhà bên cạnh, nên các bác sĩ đã choàng gánh, sẻ chia những khó khăn với người bệnh. "Mỗi bệnh nhân trong khu K1 đều không có người nhà bên cạnh, đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Do vậy, bù đắp được cho họ cái gì thì mình bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương tâm sự.
Câu chuyện trong phim kể lại quá trình làm việc bị phơi nhiễm của một nữ hộ lý trong khu K1, khi cách ly điều trị bệnh, thậm chí con trai cũng nhiễm bệnh, nhưng cô không lo lắng cho bản thân và gia đình, mà điều tiếc nuối là nhiễm bệnh quá sớm, không thể cùng mọi người tiếp tục cuộc chiến. Bởi với cô "bệnh viện có quá nhiều việc mà mình lại bị nhiễm sớm quá", đã khiến nhiều khán giả xúc động.
Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, anh cùng ê kíp 5 người gồm các đạo diễn, quay phim có mặt tại nơi tâm dịch, chứng kiến sự hy sinh của các y bác sĩ, cảm nhận được sự hy sinh quên mình của những chiến sĩ áo trắng, đã giúp anh củng cố ý tưởng, thực hiện đường dây bộ phim rõ nét hơn.
"Chứng kiến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở, dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối, nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại. Nếu không nghe theo bác sĩ thì chỉ số SPO2 của bệnh nhân sẽ tụt rất nhanh. Ranh giới sống chết lúc này bộc lộ rõ nhất, chỉ trong khoảnh khắc là thai phụ có thể bị ngất xỉu, mê man.
Khi ấy, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá. Chính vì vậy, tôi quyết định đặt tên phim là "Ranh giới", và dự định nói về ranh giới sự sống, cái chết, rồi sự ra đời của các em bé ở trong này", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.
Từng cho biết bị sốc khi chứng kiến thực tế quá kinh khủng, đạo diễn và ê kíp đã mong muốn chuyển tải đến khán giả có cái nhìn tường tận về sự khắc nghiệt khi mắc Covid-19 như thế nào.
Đúng như nhận định của ê kíp sản xuất , bộ phim đã tác động mạnh mẽ đến người xem. Rất nhiều ý kiến khán giả bày tỏ sự cảm phục đối với sự hy sinh của các y bác sĩ, cũng như ám ảnh trước những mất mát, đau đớn vì Covid-19. Không chỉ bày tỏ sự khâm phục các nhà làm phim, các khán giả cũng nhắc nhau cần phải cẩn trọng, tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Thông qua bộ phim, các khán giả sẽ thấy quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống và những gì đang có, quý trọng sự hy sinh của đội ngũ y tế ở tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch. Quý trọng tình cảm mà họ trao cho nhau, dành cho nhau, quý trọng sự tử tế đoàn kết vượt khó của cả một đội ngũ.
"Thông điệp của phim chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hy sinh quên mình của các bác sĩ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con, và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp Covid-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhắn nhủ
Được biết, sau "Ranh giới", bộ phim thứ hai "Ngày con chào đời" của ê kíp VTV, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thực hiện sẽ lên sóng tiếp theo trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam, dự kiến được phát sóng vào ngày 22/9.