Sài Gòn không nghỉ của những 'thiên thần áo trắng'
(DNTO) - Giữa Sài Gòn trở nên hoang vắng đến nao lòng, có một nơi luôn đông đúc, "nhộn nhịp”, đó là các bệnh viện dã chiến. Ở đó, các "thiên thần áo trắng" của chúng ta không chút cảm nhận “thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình” (*). Ở đó, họ đang "chạy marathon".
Tiếng còi xe cứu thương chở bệnh nhân mắc Covid-19 rú liên hồi, nối tiếp nhau xé toạc không gian, hòa trong tiếng mưa nặng hạt của chiều muộn, tạo thành một chuỗi âm thanh rợn người.
Trong cơn hoảng loạn, em gái tôi bất giác thốt lên: “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người…” (**).
Tôi không phải tín đồ nhạc Trịnh nên không hiểu rõ tác giả muốn nói điều gì qua những ca từ ấy. Nhưng là người theo đạo Phật, tôi tin, Phật không bỏ loài người. Chỉ là Ngài đang chuyển giao đức độ, tài năng và tình yêu minh triết của mình cho các "thiên thần áo trắng".
Trong trí tưởng tượng của tôi hồi bé, thiên thần nhất định phải có đôi cánh trắng, phải đẹp, đầy quyền năng và mang trong mình sứ mệnh cao cả.
Sau này lớn lên, nghe người ta gọi bác sĩ nói riêng và những người phục vụ trong ngành Y (xin gọi chung là bác sĩ) là những "thiên thần áo trắng", tôi nghiệm ra không phải sự so sánh nào cũng khập khiễng, ít nhất là với riêng tôi.
Nếu chịu khó để ý một chút, các bạn sẽ nhận ra, hầu hết những đứa trẻ ở tuổi mầm non, khi được hỏi "lớn lên con sẽ làm gì?", đều trả lời "con thích làm bác sĩ". Đơn giản bởi, sau bố mẹ, người mà chúng được tiếp xúc sớm nhất, thường xuyên nhất là bác sĩ. Bất kỳ đứa trẻ nào khi vừa lọt lòng mẹ, người đầu tiên bé nhìn thấy, chính là bác sĩ. Sau đó, ngoài những lúc phải đến gặp bác sĩ để chủng ngừa, trẻ còn là “bệnh nhi thường xuyên” của bác sĩ vì những căn bệnh lặt vặt mà không đứa trẻ nào tránh khỏi.
Lớn lên một chút, khi bắt đầu biết tự chơi đồ hàng, trong các món đồ chơi của trẻ con, nhất định không thể thiếu bộ đồ nghề Y để trẻ khám bệnh, mà "bệnh nhân" của chúng là ông bà, bố mẹ, anh chị. Mỗi thao tác của trẻ là sự học hỏi qua quan sát những thao tác của bác sĩ từ những khi đi khám bệnh.
Tôi không biết hồi bé xíu, mình có giống các bạn nhỏ với ước mơ làm bác sĩ không. Nhưng lớn lên, khi chuẩn bị thi vào đại học, tôi rất ngưỡng mộ, khâm phục và gọi mấy đứa bạn ghi tên thi tuyển vào trường Y là những “chiến binh dũng cảm”.
Đơn giản, để thi vào trường Y, về trí tuệ, các bạn thường phải có học lực giỏi đến cực kỳ giỏi. Về tâm hồn, các bạn chắc chắn là người có tấm lòng nhân hậu, dạt dào tình yêu với con người với cuộc sống.
Thêm nữa, họ phải là người gan dạ, ít ra là không sợ… máu, không sợ những bộ xương cách trí dùng làm giáo cụ (còn nhiều cái sợ nữa tôi không dám nói vì rất…sợ). Các bạn còn phải là những người có đôi bàn tay khéo léo và sự nhạy cảm cần thiết để cầm dao mổ.
Nhưng trước tiên là sự kiên trì, bởi thời gian học tập ở trường Y so với các trường đại học khác là rất dài. Đặc biệt là phải học suốt đời, vừa làm việc, vừa nâng cao trình độ, phát triển chuyên môn.
Cuộc đời của bác sĩ hầu như gắn liền với sức khỏe của người bệnh. Niềm vui của sự hồi sinh, nỗi buồn của sự kết thúc khiến họ đôi khi phải giấu đi niềm vui, nỗi buồn của riêng mình. Thời gian dành cho công việc của họ có khi là thâu đêm, có khi phải chạy đua để giành lại từng nhịp thở cho bệnh nhân.
Đời thường đã vậy, khi chiến tranh, dịch bệnh, họ không khác gì chiến sĩ ngoài mặt trận. Hơn một năm qua, kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca dương tính với Covid-19, cả nước ta như một chiến trường khổng lồ, hết nơi này nổ ra đến nơi khác bùng phát.
Những "thiên thần áo trắng" không còn mang trên mình đôi cánh trắng. Họ bị "nhốt" trong những bộ đồ bảo hộ màu xanh kín mít đến độ phải ghi tên mình trên lưng áo để nhận diện nhau. Những bàn tay héo úa, những tấm lưng loang lổ, những bữa cơm vội vã, những giấc ngủ vật vạ, chớp nhoáng nhưng rất ngon lành, là những gì mà các "thiên thần" đang phải trải qua.
Khi con số bệnh nhân mỗi ngày tăng lên đến vài ngàn ca; bệnh viện dã chiến được cấp tốc mở ra và đưa vào hoạt động; mấy chục ngàn giường bệnh được thiết lập trong thời gian không thể ngắn hơn… cũng đồng nghĩa với việc những thiên thần của chúng ta phải vắt kiệt sức mình.
Tôi vẫn muốn tự mỗi người tưởng tượng ra mặc dù thật khó tưởng tượng, các thiên thần của chúng ta đã làm gì để hôm nay, 28/7, có được 4.353 bệnh nhân Covid-19 xuất viện.
Tôi dành sự tôn trọng của mình cho các anh chị bằng cách sẽ không kể lể ra đây, dù đã có lúc tôi thật sự đau đớn khi nghe thấy đâu đó lời kêu gọi khẩn thiết của thiên thần.
Lạ thay, tuyệt nhiên họ không kể than gì cho mình, họ chỉ tha thiết thông báo bệnh viện đang thiếu vật tư y tế, thiếu trang bị bảo hộ, thiếu giường nằm cho bệnh nhân. Kể cả lúc sắp sửa gục ngã, họ cũng chỉ vì người bệnh mà cầu cứu.
Họ sợ không cứu được đồng bào, sợ con số tử vong mỗi ngày sẽ nhích lên. Họ sợ mình sẽ gục ngã vì những điều đó, chứ không phải gục ngã vì thiếu ăn, đói ngủ.
Mấy hôm nay, Sài Gòn trở nên hoang vắng, im lặng đến nao lòng. Giữa bao nhiêu cảm xúc tràn ngập trên không gian mạng về một “Sài Gòn chưa từng có”, “Sài Gòn những ngày lịch sử”, tôi đã để trí tưởng tượng của mình về một nơi luôn đông đúc, “nhộn nhịp” tiếng động cơ, tiếng còi hụ, luôn sáng đèn và thức sáng đêm…, đó là các bệnh viện dã chiến.
Ở đó, các "thiên thần áo trắng" của chúng ta không chút cảm nhận “thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”. Ở đó, họ đang "chạy marathon".
Yêu quý và mang ơn các anh chị, các em, mỗi người dân chúng ta hãy hy sinh một chút niềm vui riêng tư, hy sinh một chút thiệt thòi kinh tế, cố gắng hết sức có thể, không đi ra đường. Đơn giản vậy thôi, chúng ta ở nhà, để các thiên thần cũng sớm được về nhà.
(*), (**) Lời trong nhạc phẩm Tình xa và Này em có nhớ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.