Thầy thuốc - những người mang sứ mệnh thiêng liêng
(DNTO) - Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, những người thầy thuốc mang sứ mệnh chống dịch, đón ngày lễ trọng đại của ngành mình lặng lẽ nơi tuyến đầu, không lễ hội, không chúc tụng, không vinh danh… Tuy nhiên, trong lòng mỗi người dân, họ chính là những thiên thần áo trắng.
Những đứa trẻ lứa tuổi mầm non khi được hỏi lớn lên con sẽ làm gì, hầu hết chúng đều trả lời là cô giáo hoặc bác sĩ. Đơn giản bởi vì đó là những người mà các con được tiếp xúc sớm nhất, gần gũi và quen thuộc.
Người mà đầu tiên khi một đứa trẻ lọt lòng nhìn thấy đó là bác sĩ hộ sinh. Tiếp theo đó, các con thường xuyên phải đi gặp bác sĩ để tiêm ngừa, để khám bệnh… Do cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh nên ở độ tuổi mầm non, nhiều trẻ thường xuyên ốm đau vặt, phải đến gặp bác sĩ. Để tiếp cận và khiến trẻ hợp tác, các bác sĩ chủ yếu dùng thái độ và những lời lẽ yêu thương chứ không thể phân tích bằng lý lẽ. Cho nên sau các mẹ, bác sĩ chính là những người mà các em cảm nhận rõ nhất tình yêu thương mà chúng được dành cho.
Lớn hơn một tí, có nhiều trẻ đã tỏ ra thích thú với chơi trò khám bệnh. Chúng có thể bắt ông bà, bố mẹ, anh chị em làm bệnh nhân cho chúng khám bệnh, phát thuốc, dặn dò y hệt giọng điệu của vị bác sĩ mà chúng được tiếp xúc.
Không chỉ trẻ con, đã từng có một thời trong dân gian, người ta xem “bác sĩ, kỹ sư” như những ngành nghề đại diện cho sự thành đạt, cho kỳ vọng của các bậc làm làm cha mẹ kỳ vọng với con mình. Hình ảnh những vị bác sĩ với bộ quần áo trắng tinh, cổ đeo lủng lẳng một cái ống nghe, bước đi thoăn thoắt, vẻ mặt trầm tư là một hình ảnh cực kỳ hấp dẫn với rất nhiều cô cậu học trò khi bắt đầu có ý thức về việc chọn ngành nghề.
Bất cứ một ngành nghề nào trong xã hội muốn tồn tại và phát triển cũng cần ở người hành nghề một sự tử tế. Nghề thầy thuốc lại đặc biệt hơn, nó mang rõ rệt tinh thần nhân ái, nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí sinh mệnh của con người.
Việc người thầy thuốc ngày đêm vất vả, giành giật sự sống cho bệnh nhân, giúp những người có vấn đề bất an về sức khỏe vượt qua bạo bệnh đã mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình…
Hơn bất kỳ lúc nào hết, khi cơn đại dịch Covid-19 bùng nổ trên khắp hành tinh, vai trò của người thầy thuốc càng được khẳng định một cách rõ rệt.
Ở nước ta, cho đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất. Tất cả là nhờ công sức của toàn dân, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chính phủ, nhờ sự hợp tác của các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống cơ sở y tế. Trong đó, công đầu phải kể đến các chiến sĩ áo trắng, người trực tiếp đứng mũi chịu sào, thực hiện công việc điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Con số bệnh nhân khỏi bệnh mỗi ngày được công bố trên các phương tiện truyền thông mang đến sự vui mừng khôn xiết không những cho gia đình người bệnh mà còn là niềm hân hoan của cả cộng đồng. Đó là những con số không đơn thuần mang khái niệm toán học mà chứa đựng bên trong nó là biết bao ý nghĩa thiêng liêng.
Để một bệnh nhân mắc Covid-19 được khỏi bệnh, khỏe mạnh trở về cuộc sống bình thường, sự vất vả của người thầy thuốc là không kể xiết. Họ giáp mặt trực tiếp với người bệnh không ngại bị lây nhiễm; Họ làm việc quần quật không kể sáng tối, ăn uống thất thường, ngủ không đủ giấc, ngày đêm lùng nhùng bức bối trong bộ đồ bảo hộ. Nhiều ngày liền, họ không dám về thăm nhà, thăm con...
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, những người thầy thuốc mang sứ mệnh chống dịch, đón ngày lễ trọng đại của ngành mình lặng lẽ nơi tuyến đầu, không lễ hội, không chúc tụng, không vinh danh… Tuy nhiên, trong lòng mỗi người dân, họ chính là những thiên thần áo trắng.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta trân trọng tri ân những người thầy thuốc làm công việc điều trị trực tiếp, cũng không quên tri ân những cán bộ y tế, những người cộng tác viên y tế làm các công việc gián tiếp như lấy mẫu, xét nghiệm…
Vất vả, thậm chí hiểm nguy là vậy nhưng chưa bao giờ nghề bác sĩ thôi là ước mơ cháy bỏng của các bạn trẻ.