Muốn có thực phẩm 'xanh' lương tâm phải 'xanh'
(DNTO) - An toàn vệ sinh thực phẩm thường liên quan trực tiếp tới việc nuôi trồng, cung cấp, chế biến hay bảo quản thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm không phải là thiên tai. Ngộ độc thực phẩm do con người gây ra. Chỉ khi nào lương tâm con người thức tỉnh thì ngộ độc thực phẩm mới thôi là một "thảm họa".
Ngày 12/3, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng xác nhận, chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà (số 2 đường Hai Bà Trưng, TP Sóc Trăng). Mới mức xử phạt là 90 triệu đồng kèm theo quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh 4 tháng và trả số tiền trên 384 triệu đồng là chi phí điều trị cho 153 nạn nhân bị ngộ độc.
Liên quan đến quyết định xử phạt trên là vụ việc hồi cuối tháng 1/2024, sau khi ăn bánh mì kèm nhân patê gan, thịt nguội, chả lụa, chà bông, dưa leo, bơ… mua tại tiệm bánh mì Thu Hà, có 153/159 người biểu hiện ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị.
Đây là vụ ngộ độc hàng loạt với số nạn nhân lên đến con số hàng trăm. Sự việc làm chúng ta nhớ đến vụ 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2, phường Minh An, TP Hội An vào giữa tháng 9/2023. Số người ngộ độc “khủng khiếp” nhất cho đến thời điểm này là 665 người nhập viện, trong đó 1 học sinh tử vong trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang vào hồi tháng 11/2022.
Vệ sinh thực phẩm là “cuộc chiến” mà chúng ta phải đối mặt trong những năm gần đây, khi mà ăn uống bên ngoài đang trở thành một thói quen “không thể tránh” của người dân, nhất là người dân thành thị, nơi mà họ không có điều kiện để tự trồng lấy luống rau, nuôi lấy con cá, con gà…
Không buông lỏng tuyên truyền và quản lý tình trạng An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (VSATTP) năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2023, nhằm khởi động cho chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, chưa kịp khởi động thì liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn liên tiếp xảy ra - điển hình như các vụ đã nêu ở trên.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm… còn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, công khai, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm nhằm cảnh cáo, răn đe người khác.
Tuy nhiên, việc xử lý xử phạt những vụ vi phạm về VSATTP tuy là một biện pháp tích cực nhưng cũng chỉ để rút tỉa kinh nghiệm, trong khi người may mắn thoát chết có khi mang di chứng suốt đời, còn người mất đi thì không gì bù đắp. Những nỗ lực giám sát, kiểm tra của nhà chức trách cũng chỉ có thể góp phần hạn chế, ngăn chặn phần nào các loại “thực phẩm bẩn” tràn lan trên thị trường chứ chưa thể giải quyết được cái gốc.
Cái gốc nằm ở lương tâm, trách nhiệm, ý thức, sự tự giác, chấp hành của những người sản xuất từ người nông dân trên đồng ruộng đến các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi chế biến, kinh doanh thực phẩm…
Ngộ độc thực phẩm không phải là thiên tai. Ngộ độc thực phẩm do con người gây ra. Chỉ khi nào “lương tâm không cho phép” thì tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi; Tình trạng chế biến thực phẩm mất vệ sinh, kinh doanh thực phẩm bẩn mới không xảy ra.
Hiện vẫn có một số người sản xuất có quan điểm rất buồn cười và phi thực tế là người trồng rau thì chừa lại vài luống, người trông cây ăn trái thì chừa lại vài cây “không xịt thuốc” để nhà ăn. Người chăn nuôi thì cho ăn thức ăn riêng số gia cầm dùng làm thức ăn cho gia đình. Trong khi người trồng rau vẫn phải ăn thịt và người nuôi gia súc vẫn phải ăn rau…
Cái vòng lẩn quẩn ấy cho thấy hầu hết người dân đều biết tình trạng VSATTP đang là mối đe dọa sức khỏe con người ở nước ta nhưng họ vẫn cứ thả nổi lương tâm, đánh liều ai sao mình vậy.
Để ngộ độc thực phẩm không còn là nỗi ám ảnh của người dân, các “biện pháp” đưa ra chỉ là giải quyết cái ngọn. Cái gốc là đánh thức lương tâm con người.