Bài 1: Chính sách thuế quan từ Mỹ - cơ hội lịch sử cho Việt Nam ‘thoát Trung’

(DNTO) - Ngày 2/4/2025, một cột mốc có thể làm rung chuyển toàn bộ trật tự thương mại toàn cầu, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, không ngoại lệ, không khoan nhượng và chưa dừng lại ở đó, danh sách các quốc gia bị Mỹ đánh giá là “vi phạm tồi tệ nhất” đã được công bố.
Trung Quốc bị đánh thuế tới 54%, Liên minh châu Âu 20% và Việt Nam bị "sốc" với mức thuế 46%, chỉ đứng sau Trung Quốc. Liệu đây là đòn trừng phạt hay là cú hích chiến lược?
Hoa Kỳ nói rõ, không còn chấp nhận việc bị lợi dụng trong thương mại, không chấp nhận các chiêu trò lách thuế qua nước thứ ba và Việt Nam bị xem là cửa ngõ trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc đang bị đưa vào tầm ngắm.
Bài viết sau đây sẽ phân tích sâu hơn về cú sốc 46% thuế quan từ Mỹ. Tác động thực sự với Việt Nam và tại sao đây có thể được xem là thời khắc quyết định sinh tử cho vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam từ lâu đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh chỉ trích là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc gắn nhãn “Made in Viet Nam” để lách thuế. Ảnh Internet
Lợi ích cốt lõi mang lại cho Hoa Kỳ từ chính sách thuế quan
Ngày 02/4, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu như một phần trong chính sách thuế quan “có đi có lại” của chính quyền Trump 2.0 đối với tất cả các quốc gia. Không dừng lại ở đó, một danh sách các quốc gia bị đánh giá là vi phạm tồi tệ nhất sẽ phải chịu các mức thuế cao hơn từ ngày 09/4. Trong đó, Trung Quốc chịu thuế lên đến 54%, Việt Nam 46% và Liên minh Châu Âu 20%. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp dụng một sắc thuế toàn diện như vậy cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu. Theo lý giải của chính quyền Trump, chính sách này không chỉ để bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ mà còn là biện pháp để điều chỉnh tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài, bảo đảm sự đối xứng trong quan hệ thương mại và ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ mà các quốc gia như là Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng suốt nhiều năm. Đối với Hoa Kỳ, mức thuế 10% và cao hơn sẽ ngay lập tức tạo ra nguồn thu mới từ hàng hóa nhập khẩu. Đây là biện pháp giảm gánh nặng thuế nội địa mà vẫn duy trì được ngân sách liên bang. Thuế quan khiến hàng hóa ngoại nhập đắt đỏ hơn, tạo lợi thế cho doanh nghiệp Mỹ về giá cả, từ đó thúc đẩy sản xuất và việc làm trong nước, đặc biệt là trong các ngành thép, công nghệ, nông nghiệp chế biến v.v.. Với chiến lược áp lực thuế để đàm phán lại, Hoa Kỳ đã buộc các quốc gia phải tái cân bằng thương mại bằng cách nhập khẩu hàng Mỹ nhiều hơn, gỡ bỏ rào cản phi thuế quan và minh bạch hóa chuỗi cung ứng. Đây là đòn quyết liệt nhằm vào chiến lược sản xuất toàn cầu giá rẻ của Trung Quốc và hệ thống lách luật qua các nước thứ ba như Việt Nam, Campuchia hay là Mexico.
Những câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn, đó là mức thuế mới có khiến kinh tế toàn cầu trở nên hỗn loạn hay không? Tất nhiên là trong ngắn hạn thì việc hàng loạt các quốc gia bị đánh thuế cao sẽ gây ra gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các nước đang phụ thuộc vào xuất khẩu như là Việt Nam, Thái lan hay là Indonesia. Tuy nhiên, về dài hạn các chuỗi mới sẽ hình thành xoay quanh những quốc gia thân Mỹ và minh bạch. Trung Quốc có thể trả đũa bằng các biện pháp hạn chế đầu tư hoặc phá giá đồng Nhân dân tệ, EU có thể kiện lên WTO nhưng với thế mạnh thị trường tiêu dùng số một thế giới, Hoa Kỳ vẫn nắm lợi thế đàm phán. Chính sách này có thể là khởi đầu cho một hệ thống thương mại công bằng hơn, nơi các quốc gia phải chịu trách nhiệm với cán cân thương mại và hành vi xuất khẩu.
Nhìn chung thì chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ dưới thời Trump mang tính chiến lược hơn là đơn thuần chỉ là thương mại. Nó thể hiện rõ thông điệp đó là nước Mỹ sẽ không chấp nhận bị lạm dụng bởi các nền kinh tế xuất khẩu mà không có sự đối ứng. Trong bối cảnh toàn cầu tái định hình sau đại dịch và cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang, biện pháp này mang lại cho Hoa kỳ 3 lợi ích cốt lõi, là i) bảo vệ sản xuất nội địa; ii) giảm lệ thuộc Trung Quốc; và iii) định hình lại trật tự thương mại toàn cầu.
Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn tác động của mức thuế này đối với nền kinh tế Việt Nam

Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ dưới thời Trump mang tính chiến lược hơn là đơn thuần chỉ là thương mại
Việt Nam và cú sốc thuế quan
Danh sách thuế của Hoa Kỳ bao gồm mức thuế 34% đối với Trung Quốc, ngoài mức thuế hiện tại là 20%, điều này đưa tổng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 54%. Ngoài ra, trong danh sách còn có Liên minh châu Âu với mức thuế 20% và Việt Nam với mức thuế 46%. Đây là một con số gây sửng sốt khi so với các quốc gia khác, mức thuế mà Việt Nam phải chịu chỉ xếp sau Trung Quốc 54%. Dù Việt Nam bị đánh thuế ở mức gây sốc nhưng đằng sau con số ấy không phải là đòn tấn công trực tiếp vào hàng hóa Việt Nam, thay vào đó Hoa Kỳ đang gửi một thông điệp chiến lược đến Trung Quốc, rằng mọi nỗ lực né tránh thuế quan thông qua các quốc gia thứ ba sẽ bị chặn đứng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh chỉ trích là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc gắn nhãn “Made in Viet Nam” để lách thuế. Cách áp dụng mức thuế cao cho Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu chính đó là bịt các kẽ hở mà Trung Quốc có thể sử dụng để luồn lách, đồng thời nó thúc đẩy Việt Nam phải đưa ra lựa chọn chiến lược hoặc tiếp tục lệ thuộc chuỗi cung ứng Trung Quốc và gánh chịu hậu quả hoặc là thực hiện bước ngoặt quan trọng tách khỏi Trung Quốc để hội nhập thực chất vào chuỗi cung ứng phương Tây. Từ góc nhìn này, chính sách thuế của Mỹ không hẳn là một cú đòn trừng phạt mà là lời nhắc nhở chiến lược, một lời nhắc nhở rằng cơ hội chỉ đến với những quốc gia sẵn sàng cải tổ, minh bạch và chủ động tái cấu trúc. Với Việt Nam, cú sốc 46% có thể là cú hích nếu được nhìn nhận đúng cách.
Đầu tiên, chúng ta xem xét đến các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Việt Nam có cơ cấu xuất khẩu phụ thuộc lớn vào Hoa Kỳ với hơn 29% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế 46% bao gồm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, thiết bị điện, những lĩnh vực vốn đang phụ thuộc phần lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn lớn khi chi phí đầu vào tăng mà giá bán lại không thể nâng theo, buộc họ phải cắt giảm sản lượng hoặc dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường khác. Các nhà máy FDI và OEM tại Việt Nam, nơi chỉ thực hiện các công đoạn gia công cuối cùng cho sản phẩm có nguồn gốc linh kiện từ Trung Quốc, giờ đây bị xem là một phần của chuỗi giá trị cần bị kiểm soát. Điều này gây áp lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng nội địa, doanh nghiệp buộc phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa hoặc tìm kiếm nhà cung cấp ngoài Trung Quốc.
Những doanh nghiệp chậm thích ứng sẽ đối mặt nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 của Việt Nam thật sự là thách thức, nếu mức thuế 46% duy trì trên diện rộng và trong thời gian dài cùng với sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu. Ngoài ra tỷ giá Việt Nam đồng có thể mất giá nhẹ do dồng USD thu về từ xuất khẩu giảm. Cán cân thương mại Việt - Mỹ đang có thặng dư lớn, trên 104 tỷ USD và đây là lý do chính khiến Hoa Kỳ nhắm đến Việt Nam. Nhưng chính áp lực giảm thặng dư này lại là cơ hội để Việt Nam tái cân bằng và phát triển thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tạo động lực nhập khẩu hàng chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Tâm lý thị trường nội địa chuyển sang trạng thái phòng thủ, đặc biệt trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã chuẩn bị chiến lược Việt Nam + 1 hoặc có khả năng chuyển đổi chuỗi cung ứng nhanh chóng thì đây lại là cơ hội mở rộng thị phần; FDI cũng sẽ phân hóa, vốn đến từ Nhật Bản, Đài Loan, EU - doanh nghiệp từ các quốc gia, khu vực này có tính tuân thủ chặt chẽ quy tắc xuất xứ - sẽ tiếp tục tăng, trong khi vốn từ Trung Quốc hoặc các công ty dùng Việt Nam như là trạm trung chuyển sẽ rút dần.
Có thể xem mức thuế 46% là cú hích buộc Việt Nam phải làm điều mà nhiều năm qua vẫn trì hoãn, đó là minh bạch hóa chuỗi cung ứng, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc, xây dựng hạ tầng pháp lý cho thương mại công bằng. Nếu thành công, Việt Nam không chỉ hóa giải được khủng hoảng ngắn hạn mà còn củng cố nền móng cho một mô hình kinh tế bền vững, giảm lệ thuộc Trung Quốc và tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng phương Tây.
Thuế quan Hoa Kỳ: Chặn đường né thuế hàng hóa Trung Quốc
Thực tế trong những năm qua, Trung Quốc thường xuyên lách thuế Mỹ thông qua Việt Nam và các nước ASEAN. Sau các đòn thuế mạnh tay từ chính quyền Trump giai đoạn 2018-2020, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động chuyển một phần dây chuyền sang Việt Nam hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt để lắp ráp khâu cuối và xuất khẩu sang Mỹ dưới nhãn hiệu “Made in Việt Nam”. Chiêu trò này giúp hàng hóa Trung Quốc tránh được mức thuế cao, đồng thời gây khó khăn cho Mỹ trong việc truy xuất nguồn gốc. Đây là lý do chính khiến Việt Nam bị đưa vào tầm ngắm như một mắt xích trung gian cho chiến lược né thuế của Trung Quốc. Trong 5 năm qua, Bộ Thương mại Mỹ (United States Department of Commerce - DOC) và Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (United States Customs and Border Protection - CBP) đã tiến hành hàng chục cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với các mặt hàng như là gỗ, thép, tủ bếp, xe đạp điện thậm chí cả tấm pin năng lượng mặt trời có liên quan đến Việt Nam. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, các linh kiện cốt lõi vẫn được sản xuất tại Trung Quốc còn Việt Nam chỉ đóng vai trò lắp ráp đơn giản. Điều này củng cố quan điểm của Mỹ rằng cần có biện pháp toàn diện để ngăn chặn hành vi né thuế qua con đường Việt Nam.
Chính quyền Trump đã nhiều lần tuyên bố là sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế trung tâm sản xuất toàn cầu nếu họ vẫn vi phạm thương mại công bằng và quyền sở hữu trí tuệ. Một phần trong chiến lược này là khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chuyển chuỗi cung ứng sang những quốc gia đáng tin cậy hơn nhưng đồng thời cũng buộc các quốc gia đó phải bảo đảm tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mức thuế 46% đối với Việt Nam là một phần của gọng kìm pháp lý để bảo đảm chiến lược cô lập Trung Quốc không bị phá vỡ từ bên trong. Không chỉ Việt Nam, một số quốc gia như là Thái Lan, Indonesia thậm chí cả Mexico cũng bị Hoa Kỳ đưa vào tầm kiểm soát vì nghi ngờ tiếp tay cho hành vi chuyển nhãn hàng hóa Trung Quốc. Thông điệp rất rõ ràng, nếu muốn hưởng lợi từ thị trường Hoa Kỳ, các quốc gia này phải minh bạch, dứt khoát và chọn phe. Chính sách thuế không còn là công cụ đơn thuần là điều chỉnh kinh tế mà đã trở thành đòn bẩy địa chính trị để định hình lại bản đồ thương mại toàn cầu.
Từ đối tác tiềm năng, Việt Nam đã trở thành điểm thử lửa cho chính sách đối ngoại Mỹ. Nếu chứng minh được khả năng tách rời khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc và cải tổ hệ thống quản lý xuất xứ thì Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho chiến lược chuyển trục của Mỹ tại Đông Nam Á. Ngược lại, nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ bị kẹt giữa hai dòng áp lực, vừa không giữ được lòng tin của Mỹ lại vừa bị Trung Quốc chi phối, dẫn đến nguy cơ đánh mất vị thế chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.
(Một vài số liệu tham khảo từ mof.gov.vn, cafe.vn, qdnd.vn, moit.gov.vn)