Thứ ba, 08/04/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

 Bài 2: Chính sách thuế quan từ Mỹ - cơ hội lịch sử cho Việt Nam ‘thoát Trung’

TS. Lê Đăng Minh - ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)
- 07:00, 08/04/2025

(DNTO) - Thế giới thì đang thay đổi, Hoa Kỳ đã chọn lối đi cứng rắn. Câu hỏi còn lại là Việt Nam sẽ chọn con đường nào. Đây không chỉ là lúc để tính toán mà là lúc để hành động.

Để bảo vệ lợi ích thương mại dài hạn, Việt Nam buộc phải đa dạng hóa nguồn cung. Ảnh Internet

Để bảo vệ lợi ích thương mại dài hạn, Việt Nam buộc phải đa dạng hóa nguồn cung. Ảnh Internet

Tách khỏi Trung Quốc, con đường duy nhất để Việt Nam tiến lên

Có một thực tế phũ phàng là hơn 50% nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, điện tử, hóa chất và thép tại Việt Nam đến từ Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam bị Mỹ đánh giá là phần kéo dài của chuỗi cung ứng Trung Quốc. Để bảo vệ lợi ích thương mại dài hạn, Việt Nam buộc phải đa dạng hóa nguồn cung, ưu tiên hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn quốc hoặc EU, là những đối tác có tiêu chuẩn cao và ít rủi ro địa chính trị hơn. Sự thay đổi không chỉ đến từ nguồn gốc nguyên liệu mà còn từ quy trình truy xuất xuất xứ. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống số hóa cho phép kiểm tra toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ nhà cung cấp đến nhà máy, cảng biển và điểm xuất khẩu.

Việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về minh bạch hóa chuỗi giá trị sẽ là tấm vé thông hành cho hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường Mỹ và EU trong bối cảnh giám sát thương mại ngày càng chặt chẽ. Một trong những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa thấp, ngành điện tử và cơ khí thì phụ thuộc gần như toàn bộ vào linh kiện nhập khẩu. Việc tách khỏi Trung Quốc sẽ không thành hiện thực nếu Việt Nam không chủ động đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, đây cũng là cơ hội để phát triển ngành bán dẫn công nghệ cao và cơ khí chính xác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan hay là Đức thay vì chỉ làm một công đoạn cuối.

Việc phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua các cảng do doanh nghiệp Trung Quốc vận hành hoặc là qua tuyến đường phụ thuộc vào Trung Quốc đã khiến Việt Nam dễ bị thao túng. Để tách khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh vào hệ thống logistics mới, cảng biển tại miền Trung, đường sắt kết nối với Lào, Thái Lan hay là các trung tâm logistics nội địa không đi qua Trung Quốc. Đây sẽ là trụ cột chiến lược giúp Việt Nam kiểm soát chuỗi cung ứng của chính mình. Hơn nữa, để tiến sâu vào thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam cũng cần định hình lại chiến lược tiếp cận thị trường. Thay vì tiếp tục dựa vào giá rẻ và quy mô gia công, Việt Nam cần chuyển sang mô hình chất lượng, truy xuất tiêu chuẩn cao. Mức thuế 46% là một chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các sản phẩm mập mờ về xuất xứ cho dù giá rẻ. Nếu cải cách hệ thống xuất khẩu, Việt Nam hoàn toàn có thể đề xuất Mỹ thiết lập cơ chế miễn thuế có điều kiện với các doanh nghiệp tuân thủ minh bạch.

Thị trường Hoa Kỳ luôn ưu tiên các sản phẩm đến từ những quốc gia minh bạch, ổn định và tôn trọng nguyên tắc thương mại công bằng. Nếu chứng minh được Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng đáng tin cậy, không phụ thuộc vào Trung Quốc, không tiếp tay cho lách luật thì hình ảnh thương hiệu quốc gia sẽ được nâng lên rõ rệt. Điều này mở ra cơ hội dài hạn cho nhiều ngành, từ nông sản, thực phẩm chế biến đến thiết bị điện tử và thời trang. Việc Hoa Kỳ gây sức ép lên Trung Quốc cũng đồng nghĩa với cơ hội để Việt Nam thay thế một số mắt xích trong chuỗi cung ứng khu vực. Nhiều tập đoàn từ Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ đang tìm cách dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Nếu Việt Nam hành động nhanh, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ưu tiên cho các liên minh sản xuất mới.

Việc điều chỉnh cán cân thương mại không chỉ đến từ xuất khẩu mà còn từ nhập khẩu. Khi Việt Nam bị buộc phải nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ để giảm thâm hụt thì người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng cao, từ dược phẩm, thực phẩm đến công nghệ, thiết bị y tế, hay là giáo dục… Đây là một bước tiến về chất lượng sống và an toàn tiêu dùng.

Nếu Việt Nam chứng minh được nỗ lực cải cách thì Hoa Kỳ cũng sẵn sàng thiết lập các cơ chế ưu đãi riêng biệt, từ hạn ngạch thuế quan linh hoạt đến ưu đãi tiếp cận vốn hay là hợp tác công nghệ. Thay vì là bên bị trừng phạt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bên được tin tưởng, điều kiện tiên quyết để nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược và mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại Đông Nam Á.

Thuế quan – biến nguy cơ thành cơ hội

Mức thuế 46% mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Việt Nam trong tháng 4-2025 rõ ràng là gây chấn động đến nền kinh tế trong nước, khiến thị trường tài chính rung chuyển, cộng đồng doanh nghiệp hoang mang và quan hệ thương mại song phương thì bước vào giai đoạn thử thách. Tuy nhiên nếu nhìn từ một góc độ dài hạn và chiến lược, chính sách thuế này không chỉ là một đòn trừng phạt mà nó là một phép thử lớn, một chất xúc tác cho sự thay đổi. Thay vì tập trung vào những thiệt hại ngắn hạn, Việt Nam cần nhìn nhận thẳng thắn những khuyết điểm cấu trúc. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung Trung Quốc, mô hình gia công giá rẻ, hệ thống kiểm soát xuất xứ còn lỏng lẻo và khả năng thương lượng yếu trong các quan hệ thương mại then chốt.

Thuế quan của Mỹ chính là hồi chuông cảnh tỉnh để Việt Nam bước ra khỏi vùng an toàn, tiến tới một nền kinh tế chủ động, minh bạch và có khả năng tự chủ cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu cải cách đúng hướng, Việt Nam không chỉ tránh được các rủi ro thương mại từ Mỹ mà còn có thể mở ra chương mới trong quan hệ song phương, nơi Việt Nam trở thành một đối tác chiến lược thực sự với chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sản phẩm tiêu chuẩn cao và minh bạch, đồng thời nhận được sự ưu ái từ các gói đầu tư tài chính và công nghệ từ phương Tây. Với người dân, đây là cơ hội để tiếp cận hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt từ Mỹ và thúc đẩy tiêu dùng có chọn lọc. Với doanh nghiệp, đây là lời mời gọi tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và làm chủ chuỗi giá trị. Với chính phủ, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để hiện đại hóa quản trị thương mại, nâng cấp thể chế và tái định vị chiến lược phát triển quốc gia.

Cơn bão thuế quan là hiện thực nhưng nó sẽ không là thảm họa nếu Việt Nam coi đó là chất xúc tác để trưởng thành. Trong thế giới đang phân cực và tái cấu trúc sâu sắc, quốc gia nào cải cách nhanh và minh bạch sẽ là quốc gia chiến thắng.

Ngày 02/4/2025, tổng thống Trump đã ký lệnh chấm dứt cơ chế miễn trừ đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông). Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ đang chuyển hướng chiến lược thương mại, từ đối đầu quy mô lớn sang siết chặt từng kẽ hở nhỏ nhất trong chuỗi cung cấp toàn cầu mà Trung Quốc từng lợi dụng để né thuế và thao túng thị trường.

Trong nhiều năm qua, hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ thông qua các nền tảng thương mại điện tử như là Temu, Tao Bao, Alibaba… mà không bị đánh thuế hoặc kiểm soát chặt về chất lượng và xuất xứ. Việc bịt lỗ hổng này cho thấy chính quyền Trump đang khoá từng cánh cửa nhỏ còn lại để ngăn Trung Quốc luồn lách hệ thống thuế quan. Điều này cho thấy chính quyền Trump sẽ không nương tay với Trung Quốc ngay cả với các mặt hàng tiêu dùng nhỏ, đơn lẻ nếu bị nghi ngờ gây mất cân bằng thương mại hay làm suy yếu sản xuất trong nước.

Hoa Kỳ cho thấy đang xây dựng một mạng lưới kiểm soát thương mại toàn diện không chỉ nhắm vào nhà máy lớn mà cả nền tảng logistics, thương mại điện tử và người tiêu dùng. Đây là bước đi có tính biểu tượng lẫn chiến lược, khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tái định hình lại toàn bộ chuỗi cung ứng quốc tế theo hướng tách Trung Quốc ra khỏi hệ thống, và đương nhiên, Việt Nam không nằm ngoài sự giám sát đó. Dù chưa bị áp dụng các biện pháp tương tự, nhưng với vai trò là cửa ngõ trung chuyển nhiều hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu tiếp theo nếu không sớm minh bạch hóa hệ thống thương mại và kiểm soát xuất xứ. Điều này cho thấy, Việt Nam cần sớm thức thời và đưa ra lựa chọn chiến lược rõ ràng. Cần khẩn trương siết chặt kiểm soát hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt với các nền tảng có nguồn gốc từ Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất độc lập, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và minh bạch hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh bị biến thành mắt xích trong các hành vi gian lận thương mại toàn cầu.

Tất cả những vấn đề mà chúng ta vừa phân tích cho thấy rằng, cuộc chiến thuế quan mà Hoa Kỳ đang triển khai đã không còn đơn thuần là cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc nữa. Đó là một cuộc tái thiết sâu sắc hệ thống thương mại toàn cầu, nơi các giá trị như là minh bạch, công bằng và “có đi có lại” được đặt lên hàng đầu. Mức thuế 46% áp lên hàng hóa Việt Nam và sắc lệnh hành pháp bịt lỗ hổng hàng giá rẻ trốn thuế của Trung Quốc đều là những biểu hiện rõ rệt của một trật tự thương mại mới đang hình thành - nơi không có chỗ cho sự mập mờ, né tránh hay trung chuyển kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Việt Nam với vai trò là một trong những trung tâm sản xuất đang lên ở châu Á, đang đứng trước một ngã rẽ mang tính sống còn. Nếu tiếp tục dựa vào Trung Quốc cả về nguyên liệu, công nghệ lẫn luồng hàng hóa sẽ đồng nghĩa với việc bị kéo sâu vào vùng nguy cơ cao, trở thành đối tượng bị giám sát và trừng phạt bởi các biện pháp thuế mới của Hoa Kỳ. Ngược lại, nếu dám cắt đứt sự lệ thuộc này, đầu tư vào chuỗi cung ứng minh bạch, xây dựng lại hệ thống sinh thái thương mại đáng tin cậy và tái định vị chiến lược quốc gia thì Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển cơn bão thuế thành làn gió cải cách.

Cái giá của việc chậm thay đổi sẽ là rất lớn, từ việc mất thị trường xuất khẩu, suy giảm FDI cho đến nguy cơ mất niềm tin chiến lược từ các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ. Nhưng lợi ích của việc thức thời cũng không hề nhỏ. Một Việt Nam minh bạch hơn, chủ động hơn sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch và trong thời kỳ phân cực thương mại Mỹ - Trung.

 Thế giới thì đang thay đổi, Hoa Kỳ đã chọn lối đi cứng rắn. Câu hỏi còn lại là Việt Nam sẽ chọn con đường nào. Đây không chỉ là lúc để tính toán mà là lúc để hành động.

 

(Một vài số liệu tham khảo từ mof.gov.vn, cafe.vn, qdnd.vn, moit.gov.vn)

Tin khác

Tài chính - Thị Trường
Ngày 2/4/2025, một cột mốc có thể làm rung chuyển toàn bộ trật tự thương mại toàn cầu, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, không ngoại lệ, không khoan nhượng và chưa dừng lại ở đó, danh sách các quốc gia bị Mỹ đánh giá là “vi phạm tồi tệ nhất” đã được công bố.
15 giờ
Thời sự - Chính trị
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.
1 ngày
Tài chính - Thị Trường
Mức thuế chống bán phá giá đưa ra với nhiều doanh nghiệp cụ thể dao động từ 39,84 đến 59%, trong khi các đơn vị còn lại, không được xác định đơn lẻ, khả năng chịu mức cao nhất lên tới 88%.
1 ngày
Tài chính - Thị Trường
Vn-Index đã giảm chậm lại khi chỉ còn mất 19 điểm trong phiên. Nhà đầu tư chứng khoán đứng trước nhiều cơ hội giải ngân và cũng không ít thách thức.
3 ngày
Tài chính - Thị Trường
Chỉ số Vn-Index lao dốc, có thời điểm chỉ số mất gần 90 điểm, con số lịch sử của chỉ số này. Giá trị giao dịch tăng vọt hơn 44 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn sau khi chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump được ban bố.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
Thị trường và chính quyền các quốc gia khắp nơi trên thế giới phản ứng dè dặt trước loạt thuế đối ứng vừa được tung ra bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump , vì thực ra không ai muốn tham gia chiến tranh thương mại.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
Tổng thống Donald Trump chính thức công bố áp mức thuế đối ứng lên tới hàng chục nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu mức áp thuế cao với 46%.
4 ngày
Tài chính - Thị Trường
Thông tin từ HoSE, ngày 5/5 tới, hệ thống công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vận hành chính thức.
5 ngày
Tài chính - Thị Trường
Mùa công bố kết quả kinh doanh chuẩn bị khi quý 1 đã chính thức khép lại. Ngành bất động sản luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư với nhiều dự báo được đưa ra.
5 ngày
Tài chính - Thị Trường
Giá xăng dầu có thể tăng từ 0,3-1,9% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
6 ngày
Tài chính - Thị Trường
Nhiều cổ phiếu cao su từng tăng bốc đầu hơn 20% kể từ đầu năm, tuy nhiên vài phiên trở lại đây nhóm này lại đồng loạt giảm mạnh khi khá nhiều thách thức đặt ra trong bối cảnh mới.
6 ngày
Tài chính - Thị Trường
Lực bán mạnh trước tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đã khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, lùi gần về mốc 1.300 điểm, sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc thuế đối ứng có thể nhắm vào tất cả các quốc gia.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Nhiều công ty chứng khoán đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt hai con số, cao vượt bậc so với nhiều năm qua.
1 tuần
Doanh nhân - Doanh nghiệp
Thông báo từ nhà sáng lập thương hiệu Vua Cua, chị Đoàn Thị Anh Thư, sau 9 năm phát triển, Vua Cua sẽ dừng phát triển tại thị trường Việt Nam.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Quyết định của Tổng thống Donald Trump vào ngày 26/3 về việc áp dụng mức thuế 25% với ô tô nhập khẩu xuất phát từ một mục tiêu chính trị rõ ràng: bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, kết quả của chính sách này không hoàn toàn mang lại những lợi ích như kỳ vọng mà kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực.
1 tuần
Xem thêm