Khó nhân rộng ‘chợ sạch’ vì không hấp dẫn nhà đầu tư
(DNTO) - 86% trong tổng số 8.500 chợ truyền thống là chợ hạng 3, hiện đang xuống cấp trầm trọng nhưng khó thu hút nhà đầu tư tư nhân vì lợi nhuận chưa hấp dẫn.
Nhà đầu tư ái ngại
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 8.500 chợ truyền thống, 80% chợ ở khu vực nông thôn và có tới 86% chợ hạng 3 (chợ dân sinh, quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng vật chất kém).
Sau 2 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển chợ an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.Tuy vậy, con số này còn quá nhỏ so với số lượng chợ truyền thống trên cả nước; trong khi 75% nguồn thực phẩm vẫn đi qua chợ đầu mối, chợ dân sinh. Đây cũng là kênh phân phối, tiêu dùng hàng hóa quan trọng, đóng góp không nhỏ vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, vì vậy cần phải đầu tư đúng mức.
Nhưng, Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn khi xây dựng một mô hình chợ an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt, điểm khó khăn lớn nhất là khó khó thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển chợ vì mãi lực chưa hấp dẫn, đặc biệt là khu vực nông thôn tỉ lệ người mua, sức mua còn thấp.
“Hiện nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm, chợ về địa phương hoàn toàn do địa phương quản lý. Chúng tôi rất mong các địa phương quan tâm đầu tư, đổi mới cơ sở hạ tầng ở các chợ truyền thống thì mới có sự thay đổi bước nhảy, thay đổi được vấn đề an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga chia sẻ trong Tọa đàm giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn, ngày 20/10.
Lý giải về sự khó khăn khi đầu tư vào các chợ, ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho biết, hiện nay việc đầu tư xây dựng chợ được thực hiện theo Nghị định 114 sửa đổi Nghị định 02 của Chính phủ về phát triển quản lý chợ, cũng như Quyết định 40 về phân bổ ngân sách trung ương, nhưng doanh nghiệp nghiên cứu để tiếp cận nguồn vốn này khá khó khăn.
“Nguồn ngân sách xây dựng phát triển chợ hiện nay phụ thuộc vào chính sách của địa phương và chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào xây dựng, khai thác, phát triển chợ. Doanh nghiệp chúng tôi cũng thấy đây là điều cực kì khó khăn”, ông Luân nói.
Theo ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn, việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm đã khó, việc nhân rộng còn khó hơn, vì tập quán tiêu dùng của người dân trên địa bàn dễ chấp nhận các sản phẩm hàng hóa mà không quan tâm quá nhiều đến an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các chợ ở Bắc Kạn đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước đã lâu, hiện nay nhiều cơ sở xuống cấp, nhưng kinh phí bảo dưỡng ,sửa chữa các chợ còn hạn hẹp. Các tiểu thương và những người được giao nhiệm vụ quản lý chợ chưa mặn mà lắm trong việc nhân rộng mô hình này.
Gỡ bằng chính sách
Nếu trước đây, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư cho các chợ ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nay Nghị quyết 973 đã cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào chợ đầu mối, dân sinh để nâng cao hạ tầng của chợ.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang được Chính phủ giao làm đầu mối nghiên cứu sửa, thay thế Nghị định 114 về đầu tư và phát triển chợ, trong đó có một nội dung quan trọng là chuyển đổi quyền khai thác tài sản công.
“Hiện 80% chợ là thuộc quản lý của nhà nước, chúng tôi nghiên cứu chuyển đổi làm sao để khai thác hiệu quả tài sản của nhà nước, thúc đẩy các chợ văn minh hơn nhưng không làm mất đi kế sinh nhai của những người đang kinh doanh tại đây. Tháng sau Nghị định này sẽ trình lên Chính phủ để lấy ý kiến”, bà Nguyễn Việt Nga thông tin.
Nhưng, chợ chỉ là phần ngọn trong chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm. Do đó câu chuyện an toàn vẫn phải xuất phát theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ/sơ chế cho đến phân phối tại chợ.
Ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), một dự án đã xây dựng được trên 1.000 nhóm các hộ nông dân liên kết với nhau (GAB), trên 23.000 hộ chăn nuôi ở 12 tỉnh thành phố cho biết, việc xây dựng chuỗi liên kết mang lại nhiều lợi ích. Chỉ tính riêng việc chỉ mua chung nguyên liệu đầu vào đã tiết kiệm cho hộ thành viên từ 400-720 đồng/kg thức ăn, tương đương từ 2-5% chi phí sản xuất. Ngoài ra công tác vệ sinh thực phẩm cũng được đảm bảo.
“Chúng tôi giám sát bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên thức ăn trực tiếp tại máng ăn của gia súc gia cầm chứ không phải trong bao tải, lúc đấy mới ra được vấn đề, vì nhiều khi khảo sát từ đại lý đến kho thức ăn của người dân đều không có kháng sinh cấm, nhưng đến tại máng ăn của vật nuôi lại phát hiện.
Sau khi thực hiện quy trình GAB từ 9-12 tháng, các giám sát sau này gần như không phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Còn trước đó hầu như các khảo sát đều có khoảng 10-15% mẫu có chất cấm. Ở hoạt động giết mổ và kinh doanh tại chợ, chúng tôi cũng thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên ở các dụng cụ và quy trình. Sau đó công khai kết quả để tạo nên sự cạnh tranh giữa các hộ kinh doanh, hướng tới việc thực hiện tốt hơn”, ông Tuấn nói và đặc biệt nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các chợ thì phải quay lại chuỗi cung ứng từ sản xuất – giết mổ - chợ, không có con đường nào khác vì làm như vậy mới có thể truy xuất và đưa quản lý nhà nước vào giám sát.