Bài học cho những kẻ ngáo quyền lực mạng xã hội

(DNTO) - Tối 10/4, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Mai Văn Dưỡng (SN 1986, trú huyện Bắc Trà My, Quảng Nam; chủ trang TikTok ''Dưỡng Dướng Dường phong thủy'') về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự.
Mai Văn Dưỡng là ai?
Mai Văn Dưỡng được biết đến là sở hữu chủ kênh TikTok ''Dưỡng Dướng Dường phong thủy'' với gần 700.000 lượt theo dõi. Trên trang cá nhân, ông kinh doanh các vật phẩm phong thủy, đặc biệt là nụ trầm hương và bột xông nhà. Ngoài ra, ông cũng dùng kênh để đăng tải các video có nội dung về phong thủy. Bằng lối nói mỉa mai, châm biếm, ông bàn luận, công kích, điểm mặt nhiều vụ việc, nhiều nhân vật mà ông không ''vừa lòng'', đặc biệt là người nổi tiếng.
Ngoài ra Dưỡng còn là người đại diện theo pháp luật hộ kinh doanh Dưỡng Dướng Dường có địa chỉ tại thị trấn Trà My.

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Internet
Nhận được tố giác về tội phạm đối với ông Mai Văn Dưỡng, cơ quan cảnh sát điều tra cho biết từ cuối tháng 9 – 11/2024, ông Dưỡng đã nhiều lần đăng tải video có nội dung công kích, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà L.T.H.N. và bà T.T.K.N., gây ảnh hưởng đến uy tín, công việc làm ăn kinh doanh của bà L.T.H.N.. Đồng thời bịa đặt sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, gây ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế đối với Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ J.T.A..
Trước khi bị khởi tố, Mai Văn Dưỡng đã từng bị xử phạt hành chính do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống và xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều cá nhân trên mạng xã hội. Đồng thời hộ kinh doanh của Dưỡng còn từng bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngáo quyền lực mạng xã hội
Sau khi ông Dưỡng bị bắt, N.L.A., được cho là nạn nhân tố cáo ông Dưỡng đã đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung ông và tập thể J.T.A. cám ơn sự công tâm của pháp luật Việt Nam, đã sớm đưa mọi thứ ra ánh sáng.
Ở một bài viết khác, ông N.L.A. không nguôi bức xúc: "Một nhân vật tự cho mình là ông trời ở VN, chỉ cần lên 5 video là bất kỳ ai cũng sẽ phải giải tán sự nghiệp, từ showbiz đến doanh nhân đều khiếp sợ, thê thảm dưới tay cậu ấy (Mai Văn Dưỡng). Muốn yên phải năn nỉ, van xin cậu ấy mới tha cho!”.
“Nỗi đau mà bản thân tôi và 300 nhân sự doanh nghiệp tôi phải gánh chịu nay đã được lấy lại công bằng!”, ông N.L.A. hoan hỉ.
Hiện tượng “Ảo tưởng quyền lực mạng xã hội” hay còn gọi là “ngáo quyền lực mạng” ở nước ta xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người bản thân không hề có một chút quyền lực vai vế nào ngoài xã hội, cũng lên mạng dạy đời thiên hạ, phát ngôn như một chuyên gia “chính hiệu”. Thậm chí cho mình cái quyền uốn nắn, răn dạy, đe nạt, chửi bới, mạ lỵ người khác.
Trước khi bị bắt vì làm hàng giả và quảng cáo sai sự thật viên kẹo rau, Hằng du mục từng lên Tiktok thách thức cư dân mạng với những lời lẽ như: “Đi báo giùm em nhé, đi báo rồi chi phí em trả cho… Cố lên, chị báo liền giùm em. Chỗ nào, đơn vị công an nào gần nhất báo liền giùm em há. Báo liền luôn, đi liền luôn”.
Cái giá phải trả cho những kẻ ngáo quyền lực mạng xã hội
Tại Hội thảo khoa học quốc gia Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, do Học Viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Cảnh sát nhân dân đồng tổ chức ngày 31/5/2024, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng đã nhắc lại một số trường hợp điển hình “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội đã bị xử lý pháp luật.
Một trong số đó là trường hợp Lê Chí Thành, nguyên cán bộ Trại giam Z30D ảo tưởng bản thân đại diện công lý, “dẹp loạn trừ gian”, thường xuyên livestream, phát tán bôi nhọ, công kích lực lượng cảnh sát giao thông trên mạng xã hội.
Là trường hợp điển hình, được nhiều người biết đến là bà Nguyễn Phương Hằng. Ảo tưởng quyền lực, tự cho mình là người “thay trời hành đạo” liên tục livestream đưa các thông tin chưa có kiểm chứng, công kích, đấu tố nhiều người kể cả nổi tiếng. Cái giá phải trả của bà Phương Hằng là nhiều lần bị xử phạt hành chính và cuối cùng bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù giam.

Trước khi bị bắt, Hằng du mục từng lên tiktok thách thức cư dân mạng. Ảnh: Internet
Trường hợp của Nguyễn Thị Lệ Nam Em với 2 lần xử phạt hành chính tổng cộng 47 triệu 500 ngàn đồng cũng được Thượng tá Lê Mạnh Hà nhắc đến trong buổi hội thảo.
Hoang tưởng, nhận thức quá mức về quyền hạn của bản thân, dùng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác là hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng cần được trừng trị nghiêm khắc nhằm thức tỉnh và răn đe những ai luôn tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.