Thông tin giả về bắt cóc gây hoang mang dư luận

(DNTO) - Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ bắt cóc với hình ảnh kèm theo lời cảnh báo được tung lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đều cho ra thông tin giả. Việc lo ngại cảnh giác trước nạn bắt cóc là chính đáng, nhưng mỗi người dân cần tỉnh táo trong việc thông tin cũng như tiếp nhận thông tin để tránh làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới trật tự xã hội và rước họa vào thân.
Người bắt cóc
Chuyện xảy ra mới đây, vào ngày 18/2, trên nền tảng mạng xã hội Facebook xuất hiện cảnh người dùng ở Cà Mau quay và phát trực tiếp cảnh một xe ô tô 7 chỗ mang biển số TP.HCM bị người dân chặn lại ở thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vì cho rằng những người đi trên ô tô này có hành vi bắt cóc người. Công an thị trấn Cái Nước đã mời những người có liên quan về cơ quan làm việc. Tại cơ quan công an, ông P.V.N., (54 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết, ông có quen bà Th. đang sinh sống ở Campuchia. Bà Th. thuê ông về huyện Cái Nước để đón L.N.Y. (15 tuổi) và P.K.V. (17 tuổi, cùng ngụ huyện Cái Nước) đưa sang Campuchia làm việc.

Trên đường đi, ông N. đưa 2 em đi mua mỹ phẩm, sau đó, ăn cơm tại chợ Cái Nước. Ăn cơm xong, Y. đổi ý không đi. Y mở cửa xe để lấy đồ, ông N. không đồng ý, hai bên to tiếng giằng co. Thế là một số người dân xung quanh nghi ngờ Y. bị bắt cóc, nên tri hô, đồng thời chặn xe lại. Một số thành phần quá khích còn đập vỡ kính xe ô tô của ông N., nhiều người còn tập trung quay, phát trực tiếp vụ việc trên các nền tảng mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Cũng trong ngày 18/2, Công an xã Thạch Long (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện một số đối tượng đi ô tô có dấu hiệu nghi vấn bắt cóc trẻ em, được người dân phát hiện và trình báo. Tuy nhiên sau đó, khi tiến hành xác minh thông tin của công dân, đồng thời qua rà soát camera an ninh và xác minh nơi xảy ra sự việc theo lời khai của “nạn nhân”, Công an huyện Thạch Thành xác định không có sự việc xảy ra như báo cáo của công dân. Đồng thời yêu cầu Công an xã Thạch Long gỡ bài, đính chính lại thông tin trên Zalo công an xã để không gây hoang mang dư luận.
Tương tự ở Bình Định, thông tin việc “học sinh lớp 3 bị bắt cóc trong giờ ra chơi” sau khi lan truyền trên mạng xã hội cũng đã được cơ quan công an tiến hành xác minh và xác định thông tin là sai sự thật. “Nạn nhân” cho biết câu chuyện là do mình bịa ra.
Hài hước nhất là trường hợp một phụ nữ mang theo con trai dưới 1 tuổi ghé vào quán cơm trên địa bàn phường Nghĩa Phú- TP Gia Nghĩa. Trong lúc người phụ nữ ăn cơm, bé trai đã khóc ré lên, dỗ mãi không nín. Người dân gần đó nghi ngờ đây là vụ bắt cóc bèn một mặt quay phim, chụp hình đăng tải lên mạng xã hội, một mặt báo công an.
Xe bắt cóc
Không chỉ loan tin người bắt cóc mà trong thời gian qua, nhiều thông tin về sự xuất hiện của những chiếc “xe bắt cóc” cũng gây hoang mang dư luận không kém. Công an tại nhiều địa phương khẳng định chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến “xe bắt cóc” như tin đồn.
Vào ngày 12/2, trên Facebook của một cá nhân đăng tải hình ảnh một chiếc xe bán tải màu trắng kèm theo nội dung cảnh báo: "Xe này bắt cóc nè, giờ tới Ea Súp rồi, mọi người cẩn thận nhé, đừng lại gần…”. Ngay sau đó, nhiều người lo lắng, ồ ạt chia sẻ khiến thông tin này nhanh chóng lan truyền. Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk sau đó xác minh đây là xe bán tải dùng để chở hàng.
Trước đó, chiều 11/2, tại Đà Nẵng, một tài khoản Facebook cũng đăng tải: "Có chiếc ô tô trắng ở Hòa Quý bắt cóc con của anh Thanh Tuấn Trần mà chạy nhanh thoát được. Mọi người cẩn thận…”. Công an vào cuộc xác minh cũng lại cho ra kết quả, thông tin thất thiệt. Những thông tin này gây ra khá nhiều rắc rối và phiền toái cho các tài xế, tiềm ẩn nguy cơ làm mất hình ảnh, uy tín của chủ xe và đặc biệt là gây hoang mang dư luận.
Ai cũng biết mạng xã hội là một con dao hai lưỡi, sự lợi hại của nó nằm ở sự lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Ngoài tâm lý cảnh giác cao độ của cư dân mạng, phải kể đến một số cá nhân lợi dụng nhằm thu hút sự chú ý, câu like, câu view, một số cố tình giật tít, thổi phồng thông tin để tăng lượt tương tác, gây hoang mang không cần thiết.
Theo Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, việc đăng tải, chia sẻ các thông tin không đúng sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng theo điểm a, d khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020.
Cụ thể, Cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật đối tượng H.C.N. (SN 2003, trú thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp), người đăng tin xe bắt cóc ở Ea Súp (Đắk Lắk), Đồng thời buộc N. gỡ bài đăng và đăng bài đính chính xin lỗi cộng đồng.

Chị H.C.N. làm việc tại cơ quan công an Ảnh: Internet
Trong trường hợp phát hiện nghi ngờ bắt cóc, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an gần nhất, tránh manh động, không đưa thông tin hình ảnh lên mạng khi chưa có kết luận của cơ quan hữu quan, không tin theo, không suy đoán, đùa cợt, chia sẻ lên mạng xã hội những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội. Mỗi người cần có trách nhiệm trong việc tiếp nhận và lan truyền thông tin, tránh vô tình tiếp tay cho tin giả.
Mặt khác, dù các thông tin bắt cóc gần đây trên mạng xã hội chưa có trường hợp nào được ghi nhận là thật. Nhưng việc nâng cao cảnh giác vẫn rất cần thiết. Bố mẹ cần dạy trẻ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị bắt cóc.