Nhiều hiểm họa với trẻ em mưu sinh trên đường phố

(DNTO) - Suốt tuần qua, người dân thành phố hồi hộp theo dõi hành trình 200 cán bộ chiến sĩ của nhiều đơn vị Công an TP.HCM lần theo dấu vết, truy tìm tung tích, giải cứu hai bé gái 3 và 7 tuổi nghi bị bắt cóc khi đang đi bán hàng rong cùng mẹ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Câu chuyện nêu ra những hiểm họa khó lường với trẻ em mưu sinh trên đường phố.
Thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, tối 3/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chị Nguyễn Thị Kim Chi (27 tuổi, ngụ quận 7) dẫn theo 4 con của mình (lớn nhất 10 tuổi và nhỏ nhất 9 tháng rưỡi) đi bán kẹo ở phố đi bộ.Trong lúc bán hàng, chị Chi để các con chăm nhau, chị “đi công việc”. Khi quay lại chị phát hiện 2 trong 4 đứa đã "biến mất". Sau khi tìm con không thấy, người mẹ trình báo Công an.
10h sáng ngày 8/4, lực lượng công an đã ập vào giải cứu hai cháu bé và tạm giữ nghi phạm Phạm Huỳnh Nhật Vy tại căn hộ ở tầng 10, khu chung cư cao cấp Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh).

Giải cứu hai bé gái 3 và 7 tuổi nghi bị bắt cóc khi đang đi bán hàng rong cùng mẹ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Internet
Bước đầu Vy khai nhận có chồng ở nước ngoài nhưng vì chưa có con nên muốn bắt cóc 2 đứa trẻ nói trên về nuôi. Trung tá Trần Quốc Dũng – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, Vy đã dùng thức ăn và tiền để dụ dẫn các cháu theo mình. Quá trình giữ 2 bé gái tại căn hộ, Vy đặt đồ ăn giao về tận chung cư, mua nhiều đồ chơi trẻ em và cho các bé xem tivi, chơi trò chơi điện tử. Thời điểm công an ập vào giải cứu 2 bé gái, Vy còn đang đặt mua nhiều áo quần mới cho 2 bé mặc. Đặc biệt là không có hành vi bạo hành, ngược đãi. Cả hai bé cũng không phản ứng, quấy khóc. Xác định 2 cháu bé hoàn toàn khoẻ mạnh, lực lượng chức năng đã giao trả về cho gia đình.
Qua các tình tiết của vụ việc được các cơ quan truyền thông đưa tin, chúng ta thấy nổi rõ lên điểm đặc biệt đáng lưu ý: Một đứa trẻ 3 và 7 tuổi, tâm lý thông thường khi bị người lạ bắt đi rời khỏi mẹ trong nhiều ngày như thế các cháu phải phản ứng khóc lóc, nhớ mẹ, đòi mẹ và đòi về nhà, thậm chí không ăn uống. Đằng này hai cháu không hề phản ứng quấy khóc, đòi về cho đến khi được giải cứu là 5 ngày.
Cho thấy các bé gần như chấp nhận môi trường sống mới. Ở đó có sự no đủ (ăn uống, ngủ nghê, có quần áo mới) vui vẻ (được xem tivi, chơi trò chơi điện tử), sung sướng (được ở trong nhà không phải lang thang bán kẹo ngoài đường phố) được đối xử tử tế (không bạo hành, ngược đãi). Chứng tỏ điều kiện sống mà các em đang thụ hưởng là một môi trường đối lập hoàn toàn.
Ở đây, vấn đề đặt ra là vấn nạn chăn dắt trẻ em mưu sinh đường phố đang diễn ra tại các thành phố lớn, nơi có đông cư dân và nhiều du khách một lần nữa cần được báo động khẩn cấp, đặc biệt kẻ chăn dắt lại chính là bố mẹ đẻ của các bé. Vì hoàn cảnh sống quá khó khăn, bị ép buộc lao động vất và đêm ngày ngoài đường, không được vui chơi, không được chăm sóc thương yêu, thậm chí bị la mắng đánh đập nên các cháu rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ.
Trẻ em bị chăn dắt mưu sinh đường phố luôn luôn phải đối mặt với vô số những cạm bẫy, bi kịch rình rập như: Đói ăn, bệnh tật, nghiện ngập, bị thu gom, bắt bớ hay bị xa lánh, kỳ thị, bị lạm dụng tình dục... Cụ thể trong vụ việc bắt cóc hai đứa trẻ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mới đây, cơ quan điều tra vừa cho biết, mục đích của thủ phạm là dùng các bé gái để quay clip khiêu dâm.
Đây là một vấn nạn xã hội không mới. Chăn dắt trẻ em một số nơi còn lập thành các đường dây chuyên nghiệp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi như: bắt trẻ em đóng giả trẻ mồ côi đi ăn xin, bán vé số, bán hàng rong, giả bị tật nguyền, lê lết… nhằm kêu gọi lòng trắc ẩn của người qua đường.
Không khó để chúng ta bắt gặp trên đường phố, giữa ngày nắng chang chang, hình ảnh các em nhỏ đen nhẻm, ốm tong teo, dật dờ trốn nắng dưới bóng cột đèn ở các ngã tư đường, ngửa tay, giơ mũ xin tiền. Hay những đêm khuya khoắt, trước các quán nhậu, trên phố đi bộ, hình ảnh các em thiếu niên bị lửa táp vào miệng đỏ tấy, môi mọng như trái ớt, hai lỗ mũi bị cháy đen nhẻm đang hành nghề “ngậm xăng phun lửa”.
Thực tế, hành động chăn dắt, bóc lột trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào, dù đối tượng là ai cũng là trái pháp luật, vô lương tâm. Nhưng vô trách nhiệm, bất nhân, độc ác hơn khi kẻ chăn dắt chính là bố mẹ đẻ của các bé.
Tôi đã từng bắt gặp hai đứa trẻ nhem nhuốc, ôm nhau đứng ở ngã tư đường. Chị gái chừng 5, 6 tuổi ẳm trên tay một em trai sơ sinh, cầm mấy tờ vé số chìa ra mời khách. Hỏi mẹ đâu, em hướng mắt về phía bên kia đường. Bên kia đường là một người phụ nữ trẻ ngồi dưới gốc cây, kéo sụp nón lá.

Những hiểm họa khó lường với trẻ em mưu sinh trên đường phố. Ảnh: Internet
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đến năm 1991, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tại Điều 37, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016 chỉ rõ: “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.
Vậy mà nạn chăn dắt trẻ em vẫn còn đất sống. Trách nhiệm này thuộc về ai?