Cuộc chạy đua 90 ngày hoãn thuế đối ứng của ông Trump

(DNTO) - Ba tháng quan trọng để Việt Nam có thể giảm áp lực tức thời lên xuất khẩu và đồng thời tận dụng tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các chính sách thuế của ông Trump còn thất thường, áp lực với con số thuế đối ứng lên tới 46% còn rất lớn.
Lo lắng về áp lực logistic, cảng... của Mỹ
Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối gỗ nguyên liệu tại TP.HCM cho biết, ngay khi có thông tin ông Trump hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia trong 90 ngày, trừ Trung Quốc, đồng thời giảm mức thuế xuống còn 10% vào ngày 9/4, số đơn hàng của công ty tăng vọt. Riêng trong ngày đầu tiên đã có thêm hàng chục đơn hàng mới.
Cũng theo ông, con số thuế 10% vẫn là con số lý tưởng để doanh nghiệp có thể chịu đựng được. Tuy nhiên nếu lên tới 15-20% lại là câu chuyện khác. Ông kỳ vọng doanh nghiệp có khoảng 2,5 tháng đẩy mạnh doanh thu (do những ngày cuối các doanh nghiệp khó chuẩn bị hàng kịp) trong khi chờ các động thái mới từ phía Mỹ và các nỗ lực đàm phán của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây Việt Nam, chia sẻ, những ngày qua doanh nghiệp phải chạy hai nhịp, một nhịp trước ngày 9/4 khi sắc lệnh thuế đối ứng của ông Trump có hiệu lực nếu theo kế hoạch ban đầu và nay đã ra khỏi cảng và một nhịp nữa là 90 ngày hoãn thuế.

Ảnh minh họa
"Việc thay đổi mức thuế 46% của ông Trump rất mong manh nên chúng tôi phải chạy hàng. Nếu sau 90 ngày, thuế tăng thì coi như chúng tôi hên và ngược lại coi như xui vậy. Chúng tôi đánh ván bài mà chưa biết 90 ngày sau như thế nào?", ông Tùng cho biết.
Một vấn đề được ông Tùng đặt ra, rõ ràng trong thời gian 90 ngày này, giống Việt Nam, hàng hóa của các nước sẽ đổ dồn về Mỹ. Khi đó, áp lực về logistics, bốc dỡ, cảng... sẽ tăng cao tại Mỹ. Liệu có hay không sự rối loạn tạm thời tại quốc gia này, ông nhận định.
Thích nghi với khó khăn
Rõ ràng, chính sách hoãn thuế 90 ngày đang tạo nhiều thuận lợi cho các chính phủ đàm phán với Mỹ và các doanh nghiệp có những sự chuẩn bị mới.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp đặt ra trong năm 2025 đã hoàn toàn bị đảo ngược.
Ông Tùng lo lắng, kịch bản 90 ngày nữa không thay đổi thì sao, "chúng ta không biết trước được. Kế hoặc năm 2025 của chúng tôi đã thay đổi, thậm chí là thay đổi theo tuần".
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, Việt Nam còn 90 ngày để tìm ra các giải pháp win-win, nhưng vẫn còn thách thức bởi biên lợi nhuận các ngành hàng như dệt may, giày da hay gỗ rất hẹp, bất cứ một phần trăm thuế nào tăng thêm cũng đều tạo áp lực cho hai phía, cả chúng ta lẫn phía Mỹ.
"Phải co kéo, phải tính toán lại, phải giảm biên độ lợi nhuận và thậm chí trong những giai đoạn nhất định, phải chấp nhận không có lợi nhuận, hy sinh lợi nhuận để có đơn hàng", ông Hoài cho biết.
Nhìn xa hơn, theo ông, ngành gỗ Việt Nam giống như người leo núi, đến một cái đỉnh cao nào đấy thì phải ngoảnh lại nhìn phía sau lưng, thậm chí phải lùi lại vài bước để tính toán con đường đi tiếp. "Theo tôi nghĩ, câu chuyện cần thay đổi đã rất rõ ràng", ông nhấn mạnh.
90 ngày là một khoảng thời gian quan trọng cho Việt Nam, giúp giảm áp lực tức thời lên xuất khẩu và để các doanh nghiệp có thể xoay sở, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là khoảng thời gian để họ nhìn nhận lại các kế sách, chuẩn bị kỹ hơn cho những biến động có thể xảy ra bất kỳ lúc nào của thời Trump 2.0.
"Sự thay đổi đột ngột và thiếu nhất quán trong các thông báo của ông Trump đã tạo ra một khoảng trống thời gian quý báu cho các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam thực hiện các biện pháp xoa dịu quan hệ thương mại song phương và đàm phán nhằm giảm mức thuế", Công ty KBSV nhận định.
Những chính sách trước mắt
Chia sẻ tại chương trình Bàn tròn Chính sách ngày 11/4, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB đánh giá, các nước khác đã có ngay biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Việt Nam, theo ông, dư địa về tài khóa vẫn tương đối còn chỗ để có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là về vấn đề giảm thuế, miễn thuế cho cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
"Biện pháp về thuế không như đầu tư công đầu tư phải trải qua rất nhiều thủ tục rườm rà, thuế có thể tác tác động trực tiếp đến doanh nghiệp luôn", ông Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Tùng nhấn mạnh: "Các vấn đề cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp bây giờ, theo tôi, thứ nhất là về thuế, thứ hai là lãi suất ngân hàng và ba là giãn thời gian để các doanh nghiệp trả nợ".
Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty VNDIRECT đề xuất các hướng giải pháp.
"Các biện pháp tài khóa như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục giảm thuế VAT có thể kích thích tiêu dùng, cũng như xem xét hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng", bà Quỳnh cho biết.
Cũng theo bà, Việt Nam cần đẩy mạnh đối thoại song phương với Mỹ, thể hiện thiện chí bằng cách tăng nhập khẩu các mặt hàng Mỹ, đồng thời tăng cường kiểm soát thương mại ngăn chặn hàng không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Với các doanh nghiệp, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và thứ ba, cơ cấu nền kinh tế ưu tiên nhóm ngành mang lại nhiều giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có như vậy mới đáp ứng được sự thay đổi, sự thiếu chắc chắn từ các yếu tố bên ngoài.