Nút thắt giữa kênh sản xuất và lưu thông phân phối: Bỏ ngỏ đến bao giờ?
(DNTO) - Thực trạng phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm mất cân bằng nghiêm trọng nhiều năm nay khiến nông dân ngày càng không mặn mà với đồng ruộng. Đòi hỏi những chính sách hữu hiệu, đem lại lợi ích chính đáng để phá vỡ sự khó nghèo lưu niên của nông dân.
Khi "tấc đất không còn là tấc vàng"
Chia sẻ suy nghĩ về tăng thu nhập của người nông dân bằng câu hỏi: "Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, không dễ để đưa ra câu trả lời chuẩn xác.
"So với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, đây là số liệu bình quân, trong khi mức độ phân nhóm nông dân vốn luôn đa dạng và trải rộng, khó có thể đưa ra nhận định chung, vì khi ấy có thể đúng với nhóm này, nhưng lại không đúng với nhóm khác", bộ trưởng phân tích.
Ngoài yếu tố khách quan do lợi thế so sánh giữa các khu vực kinh tế, mức chênh lệch đó còn cho thấy giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo ra giá trị thặng dư từ đất. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp rất thấp như chúng ta thường đánh giá, trăn trở.
Ở vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Giá vật tư nông nghiệp cao đặt sức ép lên người dân do chi phí đầu vào trong sản xuất tăng theo. Trong khi đó, giá các loại nông sản vẫn giữ, thậm chí có những mặt hàng giảm mạnh do thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến hiệu quả sản xuất không cao hoặc bị lỗ.
Đặc biệt là việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi cung ứng nông sản hiện đang bất hợp lý, nông dân có vai trò quan trọng nhưng lợi nhuận nhận được lại bèo bọt nhất.
Đơn cử như gần đây, hàng nghìn hộ nông dân trồng mía ở các khu vực Nam bộ đã đồng loạt "tố" nhà máy mía đường ép họ đủ các loại như không minh bạch về việc đo chữ đường của cây mía, thu mua mía không ổn định, giá cả không hợp lý...
Cụ thể, nhóm hộ trồng mía chỉ nhận được dưới 11% trong tổng lợi nhuận từ chuỗi, tiếp đến là các nhà máy đường. Gần một nửa (gần 44%) lợi nhuận rơi vào khâu phân phối.
Không phải chỉ riêng mặt hàng này mà với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như hoa quả, thịt heo, thuỷ hải sản… đều diễn ra tình trạng tương tự.
Liên hệ một số nước Đông Nam Á, ví dụ ở Thái Lan được sự quan tâm của chính phủ, họ đã có luật mía đường, theo đó, người nông dân trồng mía được hưởng 60-65% lợi nhuận của 1kg đường bán ra, 35%-40% còn lại là các khâu khác như nhà máy đường, hệ thống phân phối bán lẻ được hưởng.
Ở Hàn Quốc, do có nhiều hệ thống sàn giao dịch hàng hoá nông sản phát triển nhiều năm nay, chính vì vậy giá bán ra trên sàn của các sản phẩm nông nghiệp được định giá công khai minh bạch, từ đó đem lại lợi nhuận hợp lý cho người nông dân Hàn Quốc.
Qua 2 ví dụ trên cho thấy, nếu được sự quan tâm thực sự thì những bất hợp lý trong thu nhập của nông dân Việt Nam sẽ được gỡ bỏ và tình trạng bỏ ruộng đi xuất khẩu lao động, ra thành phố làm ăn sẽ không còn phổ biến.
Bài toán phân chia lợi nhuận cần giải ra sao?
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, người nông dân có thu nhập bình quân khoảng 3,1 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập khiêm tốn và thấp nhất trong thu nhập bình quân của các lực lượng sản xuất xã hội. Cần cấp bách tháo "điểm nghẽn" kênh sản xuất và lưu thông phân phối để lợi nhuận người nông dân tương xứng với sức lực họ làm ra.
"Đây chính là động lực quan trọng nhất để phát triển ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam chúng ta có thế mạnh, bởi suy cho cùng, chính những lợi ích hợp lý đem lại cho người lao động là bài toán khôn ngoan nhất của những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và lưu thông phân phối ở mỗi quốc gia", ông Phú nhận định.
Để giải "bài toán" này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh nhấn mạnh, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nhà nước cần có những chính sách phát triển nông nghiệp, nhằm hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra. Bà con nông dân từng bước được tập hợp lại vào các hợp tác xã để làm ăn bài bản, có thương hiệu, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường. Có vị thế đàm phán khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, đồng thời cũng có vị thế đàm phán để tiêu thụ sản phẩm làm ra trên thị trường thông qua các sàn giao dịch hàng hoá được thiết lập tại các chợ đầu mối vùng ở các địa phương.
Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng chính, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá phát triển, giảm tối đa các chi phí kể cả chi phí trung gian, chi phí chiết khấu quá cao ở khâu bán lẻ, góp phần đem lại lợi nhuận hợp lý cho nông dân hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tăng cường khâu dự trữ, chế biến sâu các sản phẩm làm tăng thêm giá trị của các mặt hàng.
Thứ ba, có chính sách phát triển hệ thống phân phối bao gồm: Chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng tự chọn, siêu thị mini, hình thành các tập đoàn bán lẻ Việt đủ sức dẫn dắt thị trường mở cửa rộng thuận tiện để tiêu thụ các sản phẩm Việt một cách ổn định, hiệu quả , người sản xuất và người làm bán lẻ phân phối đều có lợi. Thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn trong toàn quốc để từng bước hình thành việc sản xuất tiêu thụ sản phẩm một cách khoa học, hiệu quả, ít chi phí nhất, điều mà các nước phát triển đã đi trước chúng ta hàng chục năm nay.
Thứ 4, phải tăng cường kiểm soát thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường nội địa.
Thứ 5, xây dựng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp giảm bớt rủi ro cho người sản xuất. Tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất theo hướng hàng hoá, tiếp cận và mở rộng đất đai thuận tiện, cung cấp tín dụng cho sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia...
"Làm được những điều cơ bản trên chính là từng bước làm cho người sản xuất nông nghiệp có thu nhập hợp lý, tái sản xuất mở rộng. Việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm ngày càng hợp lý hơn, mọi chủ thể trong đó có người nông dân một khi kinh tế nông nghiệp phát triển đều ngày càng giàu lên một cách chính đáng, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Phú nhấn mạnh.