Đừng để nhập khẩu nguyên liệu trở thành 'món nợ' lớn với doanh nghiệp
(DNTO) - Hiện nay, phần lớn lượng thức ăn chăn nuôi Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chi phối giá. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu. Nếu đảo ngược được tình thế này, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi sẽ nhân lên gấp bội khi món nợ đối với doanh nghiệp được tháo gỡ.
Tốn hàng tỷ USD cho nguyên liệu nhập khẩu
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trên tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), 21,9 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%).
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 3 tỷ USD; năm 2014 là 3,25 tỷ USD; năm 2015 là 3,39 tỷ USD; năm 2016 là 3,44 tỷ USD. Đến năm 2017, trị giá nhập khẩu giảm 6,4% so với năm 2016, đạt hơn 3,22 tỷ USD.
Ngay sau đó, năm 2018, trị giá nhập khẩu tăng mạnh 21,2% so với năm 2017, đạt hơn 3,91 tỷ USD. Năm 2019, trị giá nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.
Tuy nhiên trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng mạnh. Năm 2020 lên tới 3,84 tỷ USD; năm 2021 lên 4,93 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2022 lên tới 3,1 tỷ USD…
Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhất là thức ăn tinh chịu tác động trực tiếp từ nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Năng lực sản xuất nhiều nguyên liệu thức ăn vẫn còn hạn chế như ngũ cốc và phụ phẩm để sản xuất một số loại thức ăn bổ sung.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thức ăn bổ sung sản xuất tại Trung Quốc, EU. Không những thế, chi phí sản xuất và thương mại thức ăn chăn nuôi còn lớn do nhiều khâu trung gian từ nhà máy đến các trang trại.
Là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom, Đồng Nai), Công ty TNHH Woosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã đầu tư vào Đồng Nai được 19 năm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Vấn đề khó khăn về nguồn nguyên liệu đang là bài toán đau đầu đối với doanh nghiệp và đang phải tìm cách ứng phó. Công ty đang làm việc với các đối tác khắp cả nước để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn.
“Khó khăn chung của ngành khi nguyên, vật liệu nhập khẩu giá tăng vọt nhưng lại khan hiếm do đứt gãy các nguồn cung ứng trên thế giới, buộc chúng tôi phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ trong nước. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu đảm bảo ổn định cho sản xuất là điều không dễ. Quy mô mặt hàng nông sản, bắp ở trong nước vẫn còn nhỏ, lại chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng dinh dưỡng...” - ông Võ Quang Nhân, phụ trách bộ phận marketing và truyền thông của công ty chia sẻ.
Có thể thấy, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao ngoài việc cước vận chuyển tăng cao, 2 nguồn cung lớn bị gián đoạn là Nga và Ukraine thì tình trạng hạn hán ở châu Âu hay điều kiện thời tiết bất lợi khác ở các nước Nam Mỹ cũng làm cho nguồn cung bị gián đoạn, sụt giảm, đẩy giá bán nguyên liệu tăng cao. Với diễn biến trên, theo dự báo của các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi trong nước, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi không biến động mạnh như từ đầu năm đến nay đã là tin tốt, còn việc kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi sẽ là rất khó.
Điều này có thể nhận thấy, khi Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) vừa công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm 2 con số trong tháng 7 thì ngay sau đó, bước sang phiên giao dịch tháng 8, giá đậu nành và bắp đã ngay lập tức tăng trở lại.
Người chăn nuôi cũng rất muốn giảm chi phí sản xuất để giảm giá heo hơi về mức chấp nhận được, nhằm kích thích tiêu dùng mạnh hơn, nhưng xem ra điều này là rất khó vì chỉ riêng chi phí thức ăn đã chiếm khoảng 75% tổng giá thành chăn nuôi.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc 80 - 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu và như đã phân tích ở trên, giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó lòng giảm mạnh từ nay đến cuối năm, nếu không muốn nói là sẽ còn không ít yếu tố bất ngờ, khó đoán.
Tự chủ nguồn nguyên liệu có là nhiệm vụ bất khả thi?
Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài tới chi phí, từ đó giá thành sản phẩm không bị tăng cao ngoài kiểm soát, hiện ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng hơn 50% nguồn nguyên liệu.
Song, theo các chuyên gia về chăn nuôi, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong ngắn hạn là bài toán khó nhằn. Bởi suốt 10 năm qua, trong Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề ra một trong những định hướng là chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác những loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng cây phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế đến nay hiệu quả vẫn chưa cao.
Trước con số nhập khẩu "khủng", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng nếu không có một chiến lược nghiêm túc và bài bản cho vấn đề tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vẫn chưa được bảo đảm toàn diện và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi chưa thể được nâng lên.
"Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay có thể sẽ sớm qua đi và Việt Nam sẽ không còn phải bỏ ra chi phí quá cao để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhưng nỗi lo vẫn cứ còn đó và nghịch lý là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu tới 2/3 nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn là một món nợ đối với ngành nông nghiệp", ông Tiến nhận định.
Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi? Ông Tiến cho hay, chúng ta muốn có một nền chăn nuôi tự chủ, cần phải quy hoạch lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp hơn.
Theo đó, cần rà soát, đánh giá nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư nguyên liệu sản xuất; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần tính toán chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi gia súc ăn cỏ…
"Đặc biệt vừa rồi bộ đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Chăn nuôi xây dựng hợp tác xã trồng sắn và ngô ở Tây Nguyên đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là biện pháp sẽ đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung trồng ngô sinh khối, chế biến 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chuyển làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là cái chúng ta tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu thức ăn và là giải pháp có hiệu quả ngay", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hy vọng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giải quyết phần nào tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Qua đó, góp phần kiểm soát được giá thành thức ăn chăn nuôi - điều kiện quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.