'Gỡ' điểm nghẽn phân phối không công bằng mới chấm dứt tình trạng giá 'lên nhanh, xuống chậm'
(DNTO) - Một vấn đề được coi như căn bệnh trong hoạt động quản lý thị trường, đó là sự phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, nhà sản xuất chưa chắc lãi nhiều, người tiêu dùng phải mua hàng giá cao. Nếu điểm nghẽn này không được giải quyết, câu chuyện hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" khó chấm dứt.
Dẫn chứng cho thực trạng cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, Chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho biết: Đến nay giảm giá xăng dầu khá mạnh, nhưng tình hình trên thị trường, giá cả đứng yên hoặc chỉ giảm đôi chút, thậm chí có mặt hàng còn lên.
Hiện nay, một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị thì một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất. Tất cả cái đó đều cho vào giá. Theo ông Phú, đây là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài.
Ông Phú nói thêm: Điểm qua mấy chục chợ đầu mối ở Việt Nam, chưa có chợ đầu mối nào có những sàn giao dịch. Tại nhiều quốc gia có sàn giao dịch công khai, từ mớ rau muống, con lợn cũng qua sàn Trong khi đó, tất cả những giao dịch của ta hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi thôi, ép giá nhau, không công khai. Như thế là hệ thống phân phối của chúng ta chưa phát triển. Cho nên mười bó rau sạch thì chúng ta mới có một bó vào siêu thị thôi, chín bó làm cho sạch cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch. Rõ ràng, giá trị của người nông dân bị suy giảm.
Theo ông Phú, rõ ràng cấp trung gian hưởng lợi nhiều trong khi người sản xuất chưa chắc lãi nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì vấn đề “té nước theo mưa”, lên nhanh xuống chậm khó chấm dứt”.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho hay: Một trong những điểm nghẽn này chính là chi phí về logistics. Được biết, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí này, theo đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.
Vấn đề thứ hai ông Lực đưa ra, đó là văn hóa kinh doanh. "Khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Ép giá người nông dân, bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế. Nhiều khi là các lái buôn ép giá. Tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Cần phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý", ông Lực nêu quan điểm.
Thứ ba, để quản lý tốt thị trường, theo ông Lực phải công khai, minh bạch từng khâu. Ngoài ra, ông cũng mong muốn tới đây chúng ta thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội vàng, cơ hội ngàn năm có một để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, giúp công khai, minh bạch..
"Tuy nhiên, để quản lý tốt vấn đề này, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của chúng ta cao quá. Đương nhiên doanh nghiệp tính luôn vào giá thành. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, giá đất của chúng ta đâu đó vào khoảng 20-25% là chi phí giao dịch, tức là người ta đã tính vào giá mua nhà, bán nhà và cuối cùng người dân, người mua nhà phải chịu. Tôi nghĩ rằng cái này là một khâu rất quan trọng.
Về phần mình, Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu giải pháp: "Phạm trù giá rất rộng, nên ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, theo tôi nên có thêm các giải pháp tổng hợp khác, ví dụ như giải quyết vấn đề cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, và nhất là giảm các khâu trung gian. Ví dụ, 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3-4 khâu trung gian đẩy giá lên, nên chúng ta phải xem xét vì đó là các yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá".
Bên cạnh đó, cần có một chương trình nghị sự về vấn đề này. Thậm chí ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn...
"Ví dụ một cân đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. Nhưng mà mình thì hình như ngược lại. Như thế, phải xem lại vấn đề này. Toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại. Chúng ta tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời hai bên đều thắng. Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi vì nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm mà ăn, mà xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững", ông Phú nói.