TP.HCM: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng ước đạt 656.119 tỷ đồng
(DNTO) - 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,8%), theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ tháng 8 của TP.HCM.
Kinh tế TP.HCM tiếp nối đà phục hồi
Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 ước đạt khoảng 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 139,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 42,2%).
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 7 tại TP.HCM được đánh giá là duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,8%). Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của Thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 7 tháng ước đạt 25,378 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 38,9 tỷ USD (cùng kỳ tăng 24,6%).
Tổng doanh thu của ngành du lịch trong tháng ước đạt 10.698 tỷ đồng, tăng 9.543 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 1.155 tỷ đồng). Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 2,21 triệu lượt; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 287.603 lượt. Tính chung 7 tháng, tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 765.585 lượt.
4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 12,2% so với cùng kỳ
Cũng theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm, IIP ước tăng 7,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,3%).
Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 7 tháng ước tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,1%).
Cụ thể hơn, ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 4,3% (cùng kỳ tăng 7,3%); ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 22,7% (cùng kỳ chỉ tăng 0,5%); Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 18,8% (cùng kỳ giảm 4,6%); ngành cơ khí ước tăng 3% (cùng kỳ tăng 8,8%).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong tháng ước đạt 1.705,3 tỉ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 6.627,3 tỷ đồng (tăng 2,3% so cùng kỳ).
Ở mảng đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,43 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 373 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 274,93 triệu USD (tăng 8,1% số dự án cấp mới, giảm 3,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Có 85 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 13,3% về số dự án và tăng 169,4% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.405 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 749,41 triệu USD, giảm 2,3% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 23,2% về vốn so với cùng kỳ. Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến nay có 90 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.
Tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 282.965,161 tỷ đồng, đạt 73,20% dự toán năm; tăng 20,01% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 200.954,968 tỷ đồng, đạt 74,41% dự toán, tăng 23,12% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm (không tính tạm ứng) ước thực hiện 33.079,700 tỷ đồng, đạt 33,19% dự toán, giảm 4,24% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư là 6.977,171 tỷ đồng, đạt 16,02% dự toán, giảm 32,28% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 24.679,208 tỷ đồng, đạt 50,71 % dự toán, tăng 11,73% so cùng kỳ.