Một loại nông sản có thể bảo quản tới 12 tháng nhờ công nghệ nhưng lại rất khó bán
(DNTO) - Đã có nhiều công nghệ tốt để bảo quản nông sản, thực phẩm tươi lâu nhưng giá thành rất cao khiến chúng chưa thể thương mại hóa.
Bài toán chi phí và lợi nhuận
Chia sẻ trong talkshow “Công nghệ - “Chìa khoá” giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số” sáng 28/3, ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ - Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho biết khả năng ứng dụng và phát triển công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là hạn chế về nguồn nhân lực khả năng đầu tư vào công nghệ.
Theo ông Bang, trong các kỹ nghệ, kỹ nghệ chế biến nông sản không có bảo mật. Ví dụ một doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận kỹ nghệ phổ biến hay hiệu quả nhất trên thế giới là hoàn toàn có thể. Việt Nam hiện hòa nhập với cộng đồng các nước châu Âu, Mỹ, các nước G7, các nước phát triển, họ luôn ưu tiên công nghệ nông sản, có nơi bảo hộ hoặc thậm chí chào miễn phí. Do đó nếu đầu tư hoàn toàn có thể tiếp cận được.
Nhưng vấn đề vẫn là câu chuyện chi phí đầu tư và giá thành sản phẩm. Ví dụ chế biến một sản phẩm rau cấp đông, rau là mặt hàng có giá trị thấp, nếu đầu tư công nghệ mới thì chi phí cao, buộc phải tăng giá thành.
“Nếu bán được cho người giàu thì doanh nghiệp mới dám đầu tư. Như vậy đây là vấn đề về kinh tế chứ không phải kỹ nghệ”, ông Bang nói.
Hay trước đây các nhà đóng gói thường đục lỗ trong các bao bì để giữ độ tươi cho rau thì hiện nay đã có những loại bao bì bảo quản trong vài ngày.
Những trái bắp luộc, giữ lạnh thông thường chỉ có thời hạn vài ngày, nhưng giờ công nghệ mới với các bao bì hút chân không giúp trái bắp bảo quản được cả năm vẫn giữ được chất lượng. Nhưng thách thức là làm sao giảm giá thành bao bì xuống.
“Một bắp ngô giá 5-7.000 đồng nhưng bao bì để bảo quản được như vậy có giá gấp 3-4 lần bắp ngô. Như vậy rất khó để thương mại hóa”, vị chuyên gia cho biết.
Hiện nay các công nghệ chế biến, bảo quản rau củ quả mặc dù chưa hoàn hảo nhưng đã đáp ứng tốt cho ngành nông sản. Ví dụ người tiêu dùng Việt Nam hiện có thể tiếp cận trái bơ, trái táo đến từ Mexico. Như vậy, công nghệ đã có rồi, vấn đề là góc nhìn. Thay vì dùng hóa chất để bảo quản thì thách thức của giới nghiên cứu là tạo ra những loại chất bảo quản thân thiện hơn. Dưới góc độ kỹ nghệ, vị này cho rằng việc bảo quản rau củ quả tươi tối ưu nhất hiện nay vẫn là các công nghệ bảo quản lạnh, nếu muốn hạn chế dùng hóa chất. Để bảo quản lạnh thì phải có nhiều kho lạnh, câu chuyện này tiếp tục liên quan đến chi phí đầu tư.
Không để tình trạng “sáng rau, chiều rác”
Nguyên nhân của việc thiếu vắng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp một phần do thiếu nguồn chuyên gia kĩ thuật. Theo ông Bang cách đây hơn 10 năm, trong một lĩnh vực chế biến rau củ quả, Thái Lan đã có những chuyên gia đánh giá về an toàn, đáp ứng cho nông sản. Cụ thể như xuất khẩu rau vào châu Âu, họ có 7-10 chuyên gia đủ tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá về an toàn cho các nhà máy, sản phẩm. Nhưng lúc đó Việt Nam chưa có.
Gần đây, Việt Nam đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Số chuyên gia đủ điều kiện hành nghề bắt đầu tăng lên, giúp nông sản Việt Nam hòa nhập vào thị trường thế giới. Tuy nhiên so với tiềm năng thì chúng ta còn lãng phí quá nhiều, cần phải đầu tư vào con người, công nghệ và giải pháp thương mại.
“Hiện nay trái dứa tiềm năng phát triển khắp đất nước từ Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa đến miền Trung, Tây Nguyên và Hậu Giang… Chắc chắn với sản lượng như vậy thì phải xuất khẩu. Tôi được doanh nghiệp đặt hàng hỗ trợ mang trái dứa tươi sang Hàn Quốc hay Dubai, Hà Lan. Tôi rất ngạc nhiên vì tại sao ở các vùng đó không có chuyên gia để giữ được trái dứa tươi, mặc dù đây là nông sản thường được chúng tôi giảng trong trường đại học.
Trong lĩnh vực nông sản, từ câu chuyện giống, canh nông, sau thu hoạch, chế biến, chúng ta đều có các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu khá nhiều. Nhưng đào tạo có thực nghiệm hay không, chuyên gia có đủ năng lực hay không để giải quyết bài toán thực lại là vấn đề khác. Có thể họ được đào tạo lý thuyết, thực nghiệm ở phạm vi nhỏ nhưng khi áp dụng ra phạm vi lớn hơn thì không thể làm được”, ông Bang nói.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập Nền tảng thương mại điện tử nông sản FoodMap, cho biết bài toán bán nông sản tươi là bài toán khá thử thách. Tại thị trường Việt Nam, để có lời giải hoàn chỉnh chưa có. Trong ngành rau củ quả, người trong nghề thường có câu “sáng rau chiều rác”, bởi thời gian nhập và bán bó rau rất ngắn, nếu không sẽ giảm chất lượng.
Vì vậy, theo vị này phải có sự tổ chức kinh doanh phối hợp giữa các bên một cách chặt chẽ. Từ nhà cung cấp phải đảm bảo giao các mặt hàng đạt chất lượng tốt nhất; kho bãi đầu tư kho lạnh, chi phí lớn hơn so với sản phẩm thông thường; phương thức vận chuyện không thể vận chuyển theo phương thức bình thường được vì làm sao có thể giao từ 3-4 tiếng đồng hồ trong một thùng hàng kín, rau củ quả giảm chất lượng. Cuối cùng là làm sao có thể dự báo lượng hàng muốn bán và lượng hàng nhập. Vì nếu không dự đoán được nhu cầu một cách tương đối thì rất dễ bị lệch pha.
FoodMap hiện đã xây dựng hệ thống FoodMap Insight, các thông tin thu mua, nhà cung, đơn vị vận hành, sản lượng… cập nhật tức thời trên hệ thống. 5 năm hoạt động trong lĩnh vực nông sản, nhà sáng lập FoodMap cho biết có dữ liệu trong quá khứ để có thể phân tích, dự đoán được sản lượng nền tảng cần đạt trong 3-5 ngày và 1 tháng là bao nhiêu. Từ đó các bài toán phía sau nó sẽ được giải dựa trên đầu bài đó, hạn chế một phần bị hàng hủy đang cắn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy vậy, vị này thừa nhận đây là bài toán thử thách. “Chúng tôi đang tìm kiếm lời giải tối ưu hơn trong tương lai”, ông Tùng nói.